![]() |
Chỉ 12,5% người cho biết họ dự định tặng bánh kẹo cho đồng nghiệp vào ngày Valentine - tỷ lệ thấp nhất từng được ghi nhận, theo một khảo sát. Ảnh minh hoạ: Daylily. |
Sau nhiều năm phụ nữ Nhật Bản phản đối việc tặng chocolate cho đồng nghiệp nam vào ngày Valentine (14/2), giới trẻ giờ đây cũng dần thay đổi thói quen tặng quà một chiều trong dịp lễ này.
Theo truyền thống Nhật Bản, phụ nữ thường tặng chocolate cho đồng nghiệp nam, đặc biệt là những người có cấp bậc cao hơn hoặc những người họ cảm thấy cần thể hiện sự biết ơn. Phong tục này được gọi là “giri choco”, nghĩa là chocolate mang tính nghĩa vụ.
Tuy nhiên, thời đại của “giri choco” dường như đang dần biến mất. Theo một khảo sát của công ty bảo hiểm Nippon Life Insurance, chỉ 12,5% số người tham gia cho biết họ có dự định tặng quà cho đồng nghiệp vào ngày Valentine, mức thấp nhất từng được ghi nhận.
Tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với gần 25% vào năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Sự thay đổi này phản ánh quan điểm ngày càng khác biệt của người Nhật về phong tục truyền thống, với hơn 70% số người được khảo sát cho rằng việc tặng “giri choco” là không cần thiết, The Guardian đưa tin.
![]() |
Socola Valentine được trưng bày bên ngoài một cửa hàng bách hóa ở Tokyo. Ảnh: Aflo Co. Ltd./Alamy Stock Photo. |
Một xu hướng đáng chú ý khác trong năm nay là ngày càng có nhiều nam thanh thiếu niên chủ động tặng quà vào ngày Valentine, thay vì chờ đến Valentine trắng (14/3) - dịp mà theo truyền thống, nam giới sẽ đáp lại những món quà mà họ đã nhận trong ngày 14/2.
Khảo sát của ứng dụng giáo dục Studyplus cho thấy khoảng 23% nam sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông có kế hoạch tặng chocolate cho bạn bè hoặc người họ thích.
Xu hướng này cũng được phản ánh trong kết quả khảo sát của Seamint, công ty nghiên cứu thị trường chuyên về Gen Z, được đăng trên tạp chí Weekly Playboy. Theo đó, 30,8% trong số 389 nữ sinh trung học tham gia khảo sát cho biết họ từng nhận quà từ người khác giới vào ngày Lễ Tình nhân.
“Ngày nay, các bạn trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên và những người trong độ tuổi 20 không còn bị ràng buộc bởi các định kiến giới hay quan niệm truyền thống về tình yêu. Vì vậy, ngày Valentine không còn chỉ là dịp để phụ nữ bày tỏ tình cảm với nam giới”, Hikari Asahina, Chủ tịch Seamint, nhận định.
![]() |
Khảo sát cho thấy 23% nam sinh trung học tại Nhật Bản dự định tặng socola vào ngày Valentine, thay vì chờ đến Valentine trắng. Ảnh: Istock. |
Giá cacao tăng cao do mùa vụ kém tại Bờ Biển Ngà và Ghana (Tây Phi) cũng góp phần khiến mọi người không còn mặn mà với việc tặng chocolate, đặc biệt khi nhiều người phải cân nhắc hơn về số lượng quà tặng, kể cả với những người không phải là đối tượng họ thực sự muốn tặng.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Intage, giá trung bình của một thanh chocolate trước thuế đã tăng từ dưới 100 yên Nhật vào năm 2022 lên 150 yên Nhật ở thời điểm hiện tại.
"Cùng với đà tăng giá liên tục, chúng tôi dự báo người tiêu dùng năm nay sẽ cân nhắc chi tiêu, chẳng hạn bằng cách cắt giảm số lượng ‘chocolate nghĩa vụ’ họ mua", công ty nhận định.
Một khảo sát khác cho thấy năm nay, người tiêu dùng chi trung bình 3.818 yên Nhật (khoảng 25 USD) cho quà tặng ngày Valentine, giảm so với mức 4.008 yên Nhật của năm trước.
![]() |
Người Nhật ngày càng chuộng mua chocolate Valentine tại siêu thị, thay vì các cửa hàng bách hóa đắt đỏ. Ảnh: Glampremier. |
Theo tờ Mainichi Shimbun, siêu thị đang dần trở thành lựa chọn phổ biến để mua chocolate cho ngày Valentine, thay thế các cửa hàng bách hóa cao cấp.
Khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường Nippon Information thực hiện cho thấy 31% phụ nữ sẽ mua chocolate tại siêu thị, cao hơn so với 29% lựa chọn cửa hàng bách hóa, trong khi 21% dự định tự làm chocolate
Mặc dù đây mới chỉ là giả thuyết, trước tình trạng giá thực phẩm và nhu yếu phẩm ngày càng tăng, chúng tôi cho rằng người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên mua sắm tại siêu thị, nơi giá các sản phẩm dành cho ngày Valentine thường rẻ hơn so với cửa hàng bách hóa”, một phát ngôn viên của Nippon Information chia sẻ với Mainichi Shimbun.
Truyền thống tặng chocolate vào ngày Valentine tại Nhật Bản bắt đầu mang tính thương mại từ năm 1958, khi công ty bánh kẹo Mary Chocolate Co. Ltd triển khai chiến dịch bán hàng đặc biệt tại một cửa hàng bách hóa ở Shinjuku, Tokyo. Đến năm 2019, thị trường Valentine đạt giá trị 126 tỷ yên trước khi suy giảm nhẹ do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong những năm gần đây, trước áp lực phải chi hàng nghìn yên để mua chocolate tặng đồng nghiệp nhằm tránh làm mất lòng, một số công ty đã quyết định cấm phong tục này, đặc biệt khi nhận thức về quấy rối tại nơi làm việc ngày càng gia tăng.
Thay vì tặng quà theo nghĩa vụ, nhiều phụ nữ lựa chọn mua chocolate cho chính mình - được gọi là "jibun choco" - hoặc chi tiền cho "oshi-choco", loại chocolate có kèm ảnh và đồ lưu niệm của nhân vật yêu thích, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội.
Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội
Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.