Marathon ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc với 354 cuộc đua được tổ chức vào năm 2023. Môn thể thao này hấp dẫn người tham gia do không đòi hỏi đầu tư quá lớn vào thiết bị thể thao.
Tuy nhiên, một số đơn vị đang lợi dụng sự nổi tiếng của marathon để trục lợi với quá trình tổ chức kém chuyên nghiệp, thiếu an toàn cho người tham gia. Việc thiếu các quy định nghiêm ngặt trong khâu tổ chức giải chạy marathon đã gây ra lo ngại về tính mạng của vận động viên và người đi đường.
Vận động viên chạy đua cùng ôtô
Ngày 21/4, các vận động viên tại Giải chạy Marathon Busan lần thứ 21 ở Daejeon-dong đã bày tỏ sự thất vọng của mình lên mạng xã hội. Trang web của sự kiện cũng bị khiếu nại khi để các phương tiện giao thông đi vào đường chạy của các vận động viên marathon.
Một chiếc ô tô quay đầu trước mặt vận động viên tại một sự kiện marathon Gijang-eup. Ảnh: Lee Young Ha. |
“Thật kỳ diệu khi tai nạn không xảy ra”, một người bình luận. “Ôtô đã chặn đường ngay khi chúng tôi bắt đầu, mọi người ai cũng bối rối vì điều này”, Kim Song-yi, 33 tuổi, người tham gia giải chạy, cho biết.
Sự hỗn loạn đã khiến cảnh sát phải vào cuộc dù ban tổ chức không yêu cầu. “Nguy cơ xảy ra tai nạn cao đến mức chúng tôi phải can thiệp và điều tiết giao thông”, một quan chức cảnh sát Busan cho biết.
Ngoài việc kiểm soát giao thông thất bại, những người tham gia còn bất bình vì lộ trình chạy rối rắm và ban tổ chức không cung cấp nước giải khát, quà lưu niệm ở đích đến như thỏa thuận ban đầu. Nhiều người dự định nộp đơn khiếu nại Liên đoàn điền kinh Busan, đơn vị tổ chức sự kiện. Một số người đã nộp đơn báo lên Cơ quan thuế Hàn Quốc vì ban tổ chức không xuất trình biên lai.
Hiệp hội là một tổ chức tư nhân không được Liên đoàn điền kinh Hàn Quốc công nhận. Nhiều người tham gia giải chạy này vì nhầm lẫn nó với một giải chạy cấp thành phố cùng tên.
Vận động viên phải đứng chờ trên vạch kẻ đường do giao thông không được điều phối. Ảnh: Lee Young Ha. |
Giải Gijang Bada Marathon lần thứ 6 được tổ chức tại quận Gijang, Busan hôm 28/4 cũng gặp vấn đề về kiểm soát giao thông khi để các phương tiện đi vào đường chạy.
“Ôtô quay đầu xe rất nguy hiểm với vận động viên chạy bộ. Có lúc chúng tôi phải dừng lại ở vạch kẻ đường dành cho người đi bộ do giao thông không được điều tiết”, Lee Young-ha, 38 tuổi, cho biết. “Nếu biết thế này thì tôi sẽ không tham gia”.
Các vấn đề khác như lộ trình chạy, không đủ nước và đồ ăn nhẹ ở đích đến cũng xảy ra ở giải Gijang Bada Marathon.
Thiệt mạng vì chạy marathon
Giải Yangcheon Marathon lần thứ 13 được tổ chức vào ngày 27/4 ở quận Yangcheon cũng gặp các sự cố tương tự. Người tham gia giải chạy đã lên mạng xã hội để phàn nàn về vấn đề an toàn khi chạy marathon. Có vận động viên suýt va chạm với người đi xe đạp do cả hai cùng chạy trên một cung đường hẹp.
“Chúng tôi đã triển khai nhân viên bảo an ở khắp tuyến đường nhưng lượng khách đến công viên quá đông đã dẫn đến sự cố này”, một thành viên ban tổ chức cho biết.
Những người tham gia chạy trong Giải marathon Seoul 2024 tại Quảng trường Gwanghwamun. Ảnh: Yonhap. |
Sau khi tham gia giải Yeongju Marathon 2024 vào ngày 7/4, nhiều người tham gia đã gửi đơn khiếu nại ban tổ chức vì có sự sai lệch giữa quãng đường thực tế và bản đồ được ban tổ chức cung cấp. Đồng thời, ban tổ chức cũng không cung cấp nước giải khát cho vận động viên ở vạch đích. Trả lời các khiếu nại, ban tổ chức giải chạy hứa sẽ điều tra các vấn đề liên quan và đền bù cho từng cá nhân.
Những suy nghĩ e ngại về an toàn khi chạy marathon là có căn cứ. Tháng 7/2020, ba vận động viên đang tham gia giải chạy marathon ở Icheon (tỉnh Kyunggi, Hàn Quốc) đã thiệt mạng vì bị một tài xế say rượu tông phải.
Giải marathon ở Icheon có đến 55 vận động viên tham gia nhưng vẫn không có nhân viên bảo an nào được bố trí dọc đường đua.
Khi các giải marathon tiếp tục phát triển ở Hàn Quốc, nhu cầu về các tiêu chuẩn an toàn và quy định chặt chẽ hơn trong khâu tổ chức đã trở thành một vấn đề quan trọng đặc biệt. Giải quyết những thách thức này sẽ đảm bảo vận động viên có thể tập trung tận hưởng niềm vui chạy bộ thay vì lo sợ cho an toàn của bản thân.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.