Ngày 22/2, thượng tá Hồ Xuân Phương, Trưởng Công an thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ mất trộm 4.500 kíp nổ tại khu vực mỏ đá thôn Hòa An, xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà), thuộc Công ty TNHH MTV Khoáng sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, lên Phòng Cảnh sát điều tra công an tỉnh để nơi này thụ lý.
Mất gần 20.000 kíp nổ
Trước đó, tháng 7/2016, tại mỏ đá này, kẻ gian đã đột nhập nhà kho chứa kíp nổ để lấy đi hơn 4.500 kíp nổ. Ông Lê Quốc Anh, Giám đốc điều hành mỏ đá Hương Thọ, cho biết sau khi lấy đi khoảng 4.700 kíp nổ, kẻ gian đã để lại tại khu vực mỏ đá hơn 100 kíp.
Trong khi đó, vào cuối năm 2016, tại mỏ đá Khe Diều ở xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng 368, kẻ gian cũng đột nhập nhà kho, lấy đi hơn 4.700 kíp nổ các loại.
Theo ghi nhận, các nhà kho bảo quản kíp nổ của 2 mỏ đá trên đều khóa cẩn thận, có người bảo vệ. Tại mỏ Khe Diều, nhà kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp nằm cùng dãy nhà ở của công nhân, tiếp giáp với khu vực ruộng lúa, nghĩa trang địa phương. Bên ngoài nhà kho được bao bọc bằng một tấm lưới B40 và xây tường chắn. Theo quan sát, việc đột nhập khu vực mỏ đá là khá dễ dàng.
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đang điều tra, truy tìm thủ phạm. Tuy nhiên, bước đầu cơ quan công an khẳng định nguyên nhân mất cắp là do các doanh nghiệp quản lý kho chứa vật liệu nổ công nghiệp còn lỏng lẻo, không thực hiện nghiêm túc quy trình bảo vệ.
Khu vực mỏ đá Khe Diều (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nơi xảy ra vụ mất trộm hơn 4.700 kíp nổ . |
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Trị, liên tiếp 2 công ty khai thác đá trên địa bàn huyện Cam Lộ báo cáo bị kẻ trộm đột nhập lấy một lượng lớn kíp nổ, dây cháy chậm. Theo đó, đêm 19/2, tại kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp của Công ty cổ phần Tân Hưng (quốc lộ 9, thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) đã xảy ra vụ mất trộm phụ kiện nổ gồm 8.775 kíp điện (kíp 8) và 35 m dây cháy chậm.
Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Tân Hưng, cho biết sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị đã báo lực lượng chức năng đến phong tỏa hiện trường để điều tra. Theo ông Sỹ, tại kho bảo quản vật liệu nổ của công ty có 3 nhân viên bảo vệ thường xuyên túc trực. Sự việc trên được ông Nguyễn Văn Quốc (bảo vệ công ty) phát hiện vào sáng sớm hôm sau khi kiểm tra kho.
Ngoài công ty báo cáo mất vật liệu nổ trên, ngày 20/2, sau khi kiểm tra, sắp xếp lại kho bảo quản phụ kiện nổ thì công nhân Công ty cổ phần Furnitmax (xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ) cũng phát hiện mất 1.197 kíp điện. Theo một lãnh đạo Công ty Furnitmax, do cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.
Gây sát thương, ô nhiễm môi trường
Ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Quảng Trị, cho biết đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng nên công an tỉnh đã giao Cơ quan An ninh điều tra làm rõ. Ngày 21/2, Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị đã báo cáo UBND tỉnh về việc 2 công ty trên địa bàn huyện Cam Lộ mất trộm phụ kiện nổ. Sở này cũng có văn bản gửi các đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, yêu cầu tăng cường công tác quản lý và bảo vệ kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp.
Theo Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh này có 31 đơn vị được cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trong đó có 20 đơn vị sử dụng để khai thác khoáng sản, 11 đơn vị dùng trong xây dựng công trình. Tổng cộng có 25 nhà kho được sử dụng để bảo quản số vật liệu nổ công nghiệp.
Ông Lê Tự Dũng, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết quy trình cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đều tuân thủ theo các quy định như phải có giấy phép an ninh trật tự kho chứa của cơ quan thẩm quyền phê duyệt trước khi được cấp.
"Trách nhiệm quản lý thuộc về đơn vị sử dụng, các cơ quan chức năng chỉ tiến hành thanh, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất", ông Dũng khẳng định.
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận định kíp nổ bị trộm có thể dùng vào mục đích kích nổ tại các mỏ đá hoặc đánh cá. Các kíp nổ đều có "mắt ngỗng", nếu chạm vào thì dễ xảy ra nổ, gây sát thương lớn nên rất nguy hiểm nếu người sử dụng không được đào tạo, chưa có chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, nó còn có thể hủy hoại môi trường nếu sử dụng vào việc đánh cá.
Để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại trong các hoạt động liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp và an toàn khai thác mỏ lộ thiên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Qua đó, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật; đình chỉ sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và có biện pháp xử lý đối với các đơn vị để xảy ra mất an toàn hoặc có nguy cơ xảy ra mất an toàn.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế còn yêu cầu lực lượng công an khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các vụ trộm cắp, buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua; kịp thời thu hồi vật liệu nổ công nghiệp bị mất cắp.
6 người dùng mìn bắt cá
Ngày 22/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết lực lượng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Nguyễn Văn Vui (ngụ xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), chủ tàu cá TH 90187 TS, do sử dụng mìn tự chế để đánh bắt hải sản tại vùng biển Quảng Bình.
Theo đó, tối 20/2, cách Vũng Chùa (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) gần 1 hải lý, tàu cá số hiệu TH 90187 TS đang có hành vi sử dụng mìn tự chế để đánh bắt hải sản thì bị lực lượng biên phòng phát hiện. Qua điều tra ban đầu, 6 đối tượng trên tàu cá TH 90187 TS đã thừa nhận hành vi sử dụng đèn chiếu sáng vây cá, sau đó dùng một quả mìn tự chế ném xuống biển để đánh bắt.