Các bảo tàng nghệ thuật phải cảnh giác cao độ trước một mối nguy hiểm không ngờ tới, đó là ảnh selfie, theo Artnet.
Công ty bảo hiểm Hiscox đã báo cáo về một xu hướng chụp ảnh tự sướng gây hại đến tác phẩm nghệ thuật của du khách. Vì quá mải mê ghi hình, chụp ảnh, không ít người đã va chạm, làm rơi vỡ các bức tranh, đồ vật hay tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có giá trị cao trong bảo tàng, triển lãm.
Từ những sự cố đó, các công ty bảo hiểm như Hiscox sẽ có lợi khi thu hút thêm nhiều khách hàng. Tuy nhiên, điều này không làm thuyên giảm nguy cơ gây hại từ những bức ảnh tự sướng.
Theo một số chuyên gia, các tác phẩm nghệ thuật, rất dễ bị tổn thương, hư hỏng dù chỉ bị chạm bởi một dấu vân tay, chưa nói đến việc tác động mạnh.
Robert Read, Trưởng phòng bộ phận nghệ thuật và khách hàng có khối tài sản lớn của Hiscox, đặt tên cho hiện tượng này là "đại dịch chụp ảnh tự sướng" sau những hậu quả xảy ra tại các tổ chức nghệ thuật nổi tiếng trên toàn cầu.
Đã có nhiều sự cố xảy ra, gây thiệt hại nặng nề cho các tác phẩm nghệ thuật vì du khách selfie. Ảnh minh họa: Robert Robaszewski/Reklama. |
Một số người có thể cho rằng đây là câu chuyện khá hài hước. Tuy nhiên, những tổn thất tài chính, cùng việc các tác phẩm vô giá bị hủy hoại không phải là chuyện đáng cười.
Một nửa trong số trường hợp đánh giá và đền bù thiệt hại cho những đối tượng thuộc bảo hiểm về lĩnh vực nghệ thuật của Hiscox là bị hư hỏng do tai nạn. Đây là một tỷ lệ lớn đến mức kinh ngạc do những người chụp ảnh tự sướng gây ra.
Hòa mình vào xã hội hiện đại đồng nghĩa các nhà quản lý nghệ thuật cần phải làm quen và thích ứng với các công nghệ mới, bao gồm những chiếc điện thoại thông minh.
Nhưng đồng thời, họ cũng phải đảm bảo rằng việc sử dụng công nghệ sẽ không gây rủi ro hoặc hậu quả nghiêm trọng, từ đó đảm bảo việc chuyển giao các tác phẩm nghệ thuật cho thế hệ tiếp theo được an toàn.
Một du khách khi chụp ảnh selfie đã làm đổ toàn bộ các tác phẩm được trưng bày. Sự cố này được đặt tên Selfie Domino, với ước tính thiệt hại hơn 200.000 USD. Ảnh: New York Times. |
Năm 2017, một du khách đã chụp ảnh tự sướng tại phòng triển lãm 14th Factory ở Los Angeles (Mỹ) và làm đổ một loạt các tác phẩm đang trưng bày tại đây. Ước tính thiệt hại của sự cố là hơn 200.000 USD. Về sau, tai nạn này được đặt tên là Selfie Domino.
Cùng năm, một du khách làm đổ một quả bí ngô của nghệ sĩ Yayoi Kusama tại Bảo tàng và Vườn điêu khắc Hirshhorn ở Washington (Mỹ) trong khi chụp ảnh tự sướng.
Nhiều địa điểm như Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Brisbane (Queensland, Australia) hay Bảo tàng Anh (London, Anh) đã mạnh tay cấm các gậy selfie. Chính quyền Milan cũng cấm gậy tự sướng ở nơi công cộng vì những nguy hiểm tiềm ẩn.
Ông Read cho rằng sự gia tăng hành động phá hoại của các nhà hoạt động môi trường gần đây, như vụ ném súp cà chua vào bức tranh Sunflowers của Van Gogh tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London (Anh) và vụ bức tranh Mona Lisa bị ném súp bí đỏ ở Bảo tàng Louvre (Pháp), đã khiến các bảo tàng phải thắt chặt nhiều biện pháp an ninh, tương tự những gì thường thấy ở sân bay.
May mắn là các tác phẩm vô giá đều được bảo vệ bằng kính. Nhiều người hy vọng đó cũng sẽ là một "bức màn” đủ mạnh mẽ để chống lại người chụp ảnh tự sướng.