Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiểm họa từ nuôi chó thả rông

Gần đây, nhiều tỉnh thành liên tục ghi nhận các trường hợp bị chó thả rông tấn công, phải tiêm vaccine ngừa dại, thậm chí không qua khỏi.

Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như 100% không qua khỏi. Ảnh: Pexels.

Con chó nặng khoảng 15 kg, có màu đen, mắt hung dữ, miệng sùi bọt mép, tấn công bà N.T.T. khi đang đi bộ trên đường. Mặc dù đã cố gắng phản kháng, la hét và bỏ chạy nhưng con chó vẫn đuổi theo người phụ nữ.

“Con chó nhảy lên và cắn mạnh vào vùng bắp tay phải của tôi, gây vết thương sâu và có nhiều phần dập nát. Sau khi cắn tôi, con chó đó lại điên cuồng chạy xuống xóm dưới và cắn thêm 2 người khác”, bà T. nói.

Sự việc xảy ra trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ngoài bà T., còn 3 trường hợp đi đường khác cũng bất ngờ bị chó dại tấn công.

Không chỉ tại Đắk Lắk, nhiều địa phương khác cũng ghi nhận hiện tượng chó dại cắn người trong thời gian gần đây.

Nhiều người bị chó dại tấn công

Tại Hải Dương, một người đàn ông đã không qua khỏi sau khi bị chó lạ cắn vào lòng bàn tay nhưng chủ quan không tiêm phòng. Sau 2 tháng bị cắn, ông phát bệnh dại. Chỉ 4 ngày sau khi có triệu chứng lạ, người đàn ông qua đời.

Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng là địa phương liên tục ghi nhận các ổ dịch dại trong thời gian gần đây. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 17 ổ dịch dại trên chó tại các huyện. Địa phương này hiện chiếm 25% trên tổng số ổ dịch dại của khu vực phía Nam. Bệnh dại trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có nguy cơ xảy ra nguy hiểm tính mạng ở người.

Những trường hợp trên cảnh báo việc nuôi chó thả rông không rọ mõm, không tiêm phòng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người, đặc biệt tại các vùng nông thôn.

cho dai can nguoi anh 1

Chó thả rông, không rọ mõm có nguy cơ cao mắc bệnh dại và tấn công người. Ảnh: Bảo Trọng.

Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định khi nuôi chó thì chủ vật nuôi phải đăng ký tại UBND cấp xã, phải tiêm vaccine phòng bệnh dại, phải rọ mõm, xích giữ chó tại những nơi công cộng…; nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020). Cụ thể, phạt tiền 1-2 triệu đồng nếu chủ chó không rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Chủ vật nuôi cũng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do sức khỏe của họ bị xâm phạm theo Điều 590, Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, chủ vật nuôi còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

100% không qua khỏi nếu phát bệnh

Theo ThS.BS Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật, thường thấy ở chó, mèo.

Thời gian ủ bệnh dại khoảng 2-8 tuần, ngắn thì khoảng 10 ngày và dài có khi 1-2 năm, tùy lượng virus và vị trí, độ nặng vết thương.

Triệu chứng khởi đầu của bệnh dại gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi... Bước vào giai đoạn viêm não, người bệnh thường có biểu hiện như mất ngủ, tăng cảm giác kích thích (sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió).

Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động... Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như 100% không qua khỏi.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Những người tiếp xúc thường xuyên với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm... cũng cần chích ngừa định kỳ.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, mọi người cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để chích vaccine, huyết thanh kháng dại kịp thời; tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Nhớ sống hạnh phúc nhé!

Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.

Mắc ung thư ở tuổi 29

Nghĩ mình chỉ mới 29 tuổi nên cô gái không đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tình cờ, cô phát hiện khối u bất thường bên ngực trái và được chẩn đoán ung thư giai đoạn 2.

Linh Thùy - Bảo Trọng

Bạn có thể quan tâm