Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiểm họa ung thư từ khăn giấy ướt giả

Trong khăn ướt thường có hai chất được khuyến cáo về nồng độ cho phép trong sản phẩm, vượt quá giới hạn sẽ gây nguy cơ ung thư, vô sinh.

Ổ bệnh từ khăn giấy ướt giả

Bác sĩ Trương Phi Hùng - Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM - cho rằng: “Khăn giấy ướt tiện lợi. Nhưng, trước thực trạng khăn giấy ướt giả tràn ngập thị trường hiện nay, thì hàng triệu người tiêu dùng đã và đang đối mặt với vô số hiểm họa, bệnh tật khi sử dụng loại khăn ướt giả. Khăn ướt giả chứa nhiều tạp chất, mùi hương… không rõ nguồn gốc, rẻ tiền sẽ gây viêm nhiễm da cho người sử dụng, đặc biệt đối với trẻ em. Trong khăn ướt thường có 2 chất: Parabens và phenoxyl ethanol được khuyến cáo giới hạn về nồng độ cho phép trong sản phẩm, vượt quá giới hạn sẽ gây nguy cơ ung thư, vô sinh, khối u...

Một cuộc thử nghiệm cho thấy, khi thoa mỹ phẩm có parabens lên da, sau vài giờ, nó đã có trong máu. Bác sĩ Hùng cho biết thêm, việc sản xuất khăn giấy ướt giả bằng thủ công, đóng gói bằng tay, trong môi trường không đảm bảo vô khuẩn, dẫn đến khăn dễ nhiễm khuẩn. Vì vậy, việc sử dụng chất bảo quản nồng độ cao, nhằm diệt khuẩn lại càng gây nguy cơ ung thư rất cao… Chưa nói, hầu hết các loại hóa chất thơm vượt giới hạn cho phép, khi phát tán, theo đường hô hấp vào cơ thể gây khó thở, viêm đường hô hấp, kích thích cơn hen; đồng thời có khả năng gây rối loạn nội tiết và chức năng gan. Nồng độ của hóa chất được cho là giới hạn quan trọng với sức khỏe người sử dụng.

Khăn giấy ướt giả bày bán trên đường phố TP HCM.

Khăn giấy ướt giả bày bán trên đường phố TP HCM.

Theo một tài liệu của FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ), với phenoxyl ethanol, ở nồng độ thấp, dưới 1%, là chất bảo quản hiệu quả và vô hại. Còn parabens, thông thường được sử dụng với nồng độ 0,01-0,3%. Mọi con số vượt chuẩn trên đều có hại đối với sức khỏe người tiêu dùng. Theo TS Lê Thị Hồng Nhan (ĐH Bách khoa TP HCM ): “Các loại khăn giấy ướt có điểm khác nhau duy nhất là ở tỉ lệ dung dịch tẩm trong khăn, tùy theo mỗi nhà sản xuất, vì vậy, chỉ nhà sản xuất biết hàm lượng dung dịch có an toàn cho người dùng hay không? Vì vậy, với các cơ sở sản xuất hàng giả, chắc chắn cả ổ bệnh tiềm ẩn trong những bọc khăn ướt giả, nhái đó”. Trong lúc đó, ở VN chưa có một quy định nào về tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm khăn giấy ướt. DN sản xuất tự chịu trách nhiệm về chất lượng giấy ướt của mình… chưa ai giám sát hay kiểm tra.

Thị trường khăn giấy ướt: Thật - giả lẫn lộn!

Ông Lê Quang Được - Tổng giám đốc công ty cổ phần thương mai và dịch vụ quốc tế Việt Úc - cho biết: “DN mất 10 năm mới xây dựng được thương hiệu khăn ướt “Baby Care”. Mỗi dây chuyền sản xuất, chúng tôi đầu tư hơn 3 triệu USD, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng giờ chúng tôi… lao đao với một rừng nhãn hiệu khăn giấy ướt giả, nhái nhãn hiệu “Baby Care”. Doanh số của chúng tôi đã sụt từ 10.000 thùng/tháng xuống còn 6.000 thùng/tháng”.

Ông Được khẳng định gần 100 nhãn hiệu giả, nhái nhãn hiệu khăn giấy ướt “Baby Care” của công ty Việt Úc, như: Baby Wipes, Baby Health, Baby Vina, Baby Mamy… Hồi tháng 3/2012, cơ quan chức năng TP HCM đã bắt quả tang Nguyễn Hữu Long (SN 1981) sản xuất hàng ngàn gói khăn giấy ướt giả nhãn hiệu Baby Care bằng thủ công, tẩm hóa chất thơm, hóa chất bảo quản không theo tiêu chuẩn nào… Sau đó, đối tượng Long phân phối cho nhiều tỉnh, thành lân cận.

Khảo sát tại các siêu thị, chợ nhỏ tại các quận trong nội thành TP HCM , chúng tôi cũng nhận thấy có hàng chục nhãn hiệu khăn giấy ướt khác nhau, do rất nhiều cơ sở, DN tư nhân, công ty TNHH… sản xuất và phân phối trên thị trường. Tuy nhiên, đa số các loại khăn giấy ướt đều thiếu thông tin những chỉ số, thành phần nguyên liệu, hóa chất trong quá trình sản xuất...

Ông Bùi Thế Hùng - Tổng giám đốc công ty TNHH Khải Hoàn cho biết: “Các sản phẩm khăn giấy ướt trên thị trường VN, dù sản xuất trong nước hay hàng nhập khẩu, đều ghi nhãn rất chung chung như: Vải không dệt, nước tinh khiết, dung dịch lô hội, hương thơm… Các sản phẩm này chỉ cảnh báo không được bỏ vào bồn cầu, do không tan trong nước, không cảnh báo về nguy cơ dị ứng hay cách thức sử dụng những sản phẩm này đối với trẻ nhỏ”.

Bác sĩ Cao Minh Thức - Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết: “Hằng ngày, bệnh viện phải tiếp nhận không ít trường hợp trẻ bị nổi mẩn ở vùng kín, thậm chí dị ứng khắp người. Nhiều trẻ bị hăm nặng do bố mẹ trong quá trình vệ sinh cho con bằng khăn ướt đã lau mạnh, gây xước da khiến trẻ bị nhiễm khuẩn kéo dài. Thế nhưng, ít ai nghĩ đến nguyên nhân do sử dụng khăn giấy ướt không đạt chuẩn…”.

Phân biệt khăn giấy ướt thật và giả

Khăn thật được đóng gói tinh xảo, miệng trên, miệng dưới hàn kín, đều nhau… Còn hàng giả, do đóng gói, hàn miệng bằng tay, nên mỗi bao bì thường bị 2 nếp gấp sắc cạnh, kéo dài; miệng trên, miệng dưới không đều nhau. Mùi hương rất hăng, khó ngửi… Bên cạnh đó, địa chỉ, nơi sản xuất thường ghi chung chung hoặc lập lờ.


 

http://laodong.com.vn/suc-khoe/hiem-hoa-ung-thu-tu-khan-giay-uot-gia-293634.bld

Theo Đông Anh/Báo Lao Động

Bạn có thể quan tâm