Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiểm nguy rình rập học sinh trên mạng xã hội

Nhiều học sinh sử dụng mạng xã hội từ rất sớm, nhưng không được chỉ cách dùng sao cho đúng, nên dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu độc, phát sinh tâm lý, hành vi lệch chuẩn.

Sáng 23/11, trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dành khoảng 2 giờ để dạy hơn 400 học sinh kỹ năng dùng mạng xã hội.

Nhiều học sinh cho biết đã dùng mạng xã hội từ rất sớm, thậm chí từ hồi lớp 3, lớp 4 để cập nhật tin tức, nhắn tin với bạn bè, người quen. Nhiều em nói rằng việc học trên lớp rất bận rộn, thường chiếm trọn thời gian trong ngày, do đó, khi về nhà hay dùng điện thoại vào mạng xã hội để nói chuyện giải khuây.

Có học sinh không được bố mẹ trang bị điện thoại di động, nhưng cũng lén dùng mạng xã hội. Nhiều em lập nhóm “chat” kín để chia sẻ thông tin riêng, nhắn tin với nhau bằng “teencode” (mật mã tuổi học trò) để bố mẹ có phát hiện cũng không đọc được.

hoc sinh dung mang xa hoi anh 1

Học sinh hào hứng trả lời những câu hỏi về sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Hà Linh/ Tiền Phong.

Đinh Vũ Nguyên, học sinh lớp 6A3, cho hay, em được bố mẹ sắm điện thoại di dộng để liên lạc và tìm tài liệu học. Mới dùng Facebook nhưng em thường dành khoảng 3-3,5 giờ mỗi ngày để vào mạng để học và nhắn tin với bạn bè. Nguyên chưa gặp phải sự cố nào, nhưng bạn của em từng làm quen với người lạ qua mạng và bị gửi những nội dung bậy bạ khiến em rất sợ hãi.

Cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương, nói rằng bà khá hoang mang khi thấy nhiều bạn trẻ có lời lẽ không chuẩn mực trên mạng xã hội. Ngay cả trên website của trường, học sinh vẫn vào nói những từ ngữ khó nghe. Cô khuyên học sinh, nên sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, cố gắng lan tỏa hành động đẹp, không nên trở thành “anh hùng bàn phím”.

Người đứng lớp dạy kỹ năng sống, thầy Nguyễn Như Hoan (huấn luyện viên, tổ trưởng tổ kỹ năng xã hội trường Lê Duẩn), nói rằng ở một số quốc gia, học sinh phải đủ 13 tuổi mới được dùng mạng xã hội. Ở Việt Nam, việc học sinh dùng mạng xã hội từ lớp 3-5 là rất sớm.

Thầy Hoan đặt câu hỏi: “Trong số chúng ta có ai biết về Khá “Bảnh” không?”. Lập tức, nhiều học sinh ngồi dưới sân trổ tài “múa quạt”. Thầy Hoan nói rằng cứ 10 học sinh, có 8 em biết đến các giang hồ mạng như Khá “Bảnh”, Huấn “Hoa hồng”…

Thậm chí, ngay cả khi Khá “Bảnh” bị bắt, tòa xử vẫn có học sinh thiếu thông tin, thiếu hiểu biết đứng chờ ở cổng tòa đợi “thần tượng”. Trong buổi nói chuyện, thầy Hoan nói về những hành vi xấu của Khá “Bảnh” như đốt xe máy, đánh người, đánh bạc… để học sinh hiểu rõ về các giang hồ mạng.

Thầy cũng lưu ý việc “like”, bình luận, chia sẻ đều phải cân nhắc vì khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, việc đưa lên mạng thông tin không chính xác có thể bị phạt. Ngoài ra, việc bôi nhọ, xúc phạm, phát ngôn gây ảnh hưởng uy tín người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm…

Theo thầy Hoan, đa số học sinh sử dụng mạng xã hội, đặc biệt xem kênh YouTube rất nhiều, nhưng nhận thức hạn chế; các nội dung đưa lên thiếu kiểm soát nên tác động lớn đến trẻ.

Nhiều nhà trường, giáo viên chưa quan tâm, chưa nắm bắt được các vấn đề sai lệch trên mạng xã hội để giải thích đúng - sai cho học sinh. Vì thế, nhà trường cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống; học sinh cần được trải nghiệm, tương tác với nhau, có không gian chơi thực tế, giảm thời gian dùng mạng xã hội.

Thầy Hoan nói rằng sử dụng mạng xã hội sớm, học sinh dễ bị nghiện; khi lên mạng, các em rất chăm chú, khi bị phụ huynh yêu cầu dùng ít, các em rất dễ cáu giận. Học sinh nhỏ tuổi, chưa đủ nhận thức để phân định đúng - sai, nên nội dung xấu độc trên mạng dễ khiến các em lệch chuẩn, ảnh hưởng tâm lý, hành vi.

Sáu học sinh đánh bạn bị đình chỉ một tuần

Sáu học sinh tham gia đánh hội đồng một nữ sinh lớp 8 ở Thanh Hóa bị đình chỉ học một tuần và nhận hạnh kiểm trung bình tháng 11.

https://www.tienphong.vn/giao-duc/hiem-nguy-rinh-rap-hoc-sinh-tren-mang-xa-hoi-1754174.tpo

Hà Linh / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm