Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiện tượng cover Hương Ly đang ở đâu?

Với "Thế thái" và mới nhất là "Khuê Mộc Lang", Hương Ly bắt đầu để lại dấu ấn khi chuyển hướng theo đuổi màu sắc âm nhạc miền Tây.

Huong Ly anh 1

Dòng nhạc: Pop, World Music

Sáng tác: Hoon, Jombie

Sản xuất âm nhạc: Sinkra

Chấm điểm: 6/10

Khuê Mộc Lang là nhân vật xuất hiện trong Tây Du Ký. Tình tiết trong tiểu thuyết kể lại câu chuyện Khuê Mộc Lang đem lòng yêu ngọc nữ của Phi Hương cung. Vì luật trời nghiêm khắc, cả hai không thể đến với nhau.

Sau đó, cô gái đầu thai thành Bách Hoa công chúa của Bảo Tượng quốc. Khuê Mộc Lang trốn khỏi thiên đình, trở thành yêu quái với danh xưng "Hoàng Bào quái", sau đó bắt Bách Hoa công chúa về làm vợ, chung sống 13 năm.

Câu chuyện tình giữa Khuê Mộc Lang và ngọc nữ của Phi Hương cũng được kể lại trong ca khúc Khuê Mộc Lang. Đây là ca khúc dễ nghe, tròn trịa, nhưng chưa đột phá. Khuê Mộc Lang tạo hiệu ứng khá tốt sau 3 ngày ra mắt khi hút gần 3 triệu lượt nghe.

Rap là điểm nhấn

Hương Ly được biết tới với danh xưng "thánh nữ cover". Những bản cover hit Vpop qua giọng hát Hương Ly một thời trở thành hiện tượng. Trong đó, Sóng gió là bản cover bước ngoặt đưa tên tuổi Hương Ly vụt sáng. Cô tiến thêm một bước khi dấn thân vào con đường ca sĩ solo.

Hai năm qua, Hương Ly phát hành loạt ca khúc màu sắc ballad, pop/ballad. Thế thái - ca khúc pop, có màu sắc miền Tây - là sản phẩm thành công nhất của Hương Ly với 25 triệu lượt nghe sau hơn 1 năm.

Lần này, Hương Ly trở lại đường đua với Khuê Mộc Lang, thuộc dòng pop, có âm hưởng dân ca. Giọng ca sinh năm 1993 từng nhận lời chê vì thử sức thể hiện đoạn rap trong Thế thái. Còn với Khuê Mộc Lang, Hương Ly được hỗ trợ từ rapper Jombie (G5R) và mọi thứ ổn hơn nhiều.

Nội dung ca khúc ăn theo câu chuyện của nhân vật cùng tên ở Tây Du Ký, nên không có gì đặc sắc. Ê-kíp phác thảo giai điệu bắt tai. Trừ những đoạn Hương Ly cưỡng âm khi hát "Khuê mộc lang" - thành "Khuế" - ca khúc về cơ bản tròn trịa, hợp tai nghe với nhiều khán giả nhạc Việt.

Bản phối của Sinkra là điểm sáng của Khuê Mộc Lang. Đây là producer tạo nên phần âm nhạc của Rồi tới luôn. Sinkra sử dụng toàn bộ âm thanh điện tử cho bản phối. Trong đó, tiếng khèn xuất hiện, tạo điểm nhấn ở đoạn drop.

Giọng rap từ Jombie là điểm trội tiếp theo của Khuê Mộc Lang. Jombie là rapper có tên tuổi, đã xuất hiện ở một số ca khúc hút vài chục triệu lượt nghe. Chất giọng đầm, flow chậm rãi, nhả chữ dứt khoát của Jombie phù hợp với tiết tấu, tinh thần ca khúc - đặc biệt ở những câu rap nhấn giọng đầy sức nặng.

Trong khi đó, chất giọng của Hương Ly tạo nên 2 luồng ý kiến trái chiều, tương tự những ca khúc trước đó. Có khán giả sẽ thấy dễ nghe, bắt tai. Nhưng cách luyến, rung, âm sắc giọng hát của Hương Ly, đặc biệt ở những nốt cao có thể không vào tai với một bộ phận khán giả.

Thế lực "ngầm" của nhạc Việt?

Thành công bước đầu của Khuê Mộc Lang tiếp tục minh chứng cho sức hút của những ca khúc âm hưởng miền Tây, nhưng pha trộn cùng các chất nhạc hiện đại. Trước đó, Rồi tới luôn vươn tầm thành hiện tượng nhạc Việt, đã hút hơn 45 triệu lượt nghe sau hơn một tháng.

Ê-kíp hỗ trợ Hương Ly ở Khuê Mộc Lang là những thành viên của G5R - nhóm từng nâng đỡ Jack trong bản hit Hồng nhan. Chính Hồng nhan là bước ngoặt đưa âm hưởng miền Tây tiếp cận Vpop, sau đó làm mưa làm gió trên thị trường.

Huong Ly anh 8

Jombie (G5R) âm thầm tạo ra loạt ca khúc hút vài chục triệu lượt nghe.

Những thành viên của G5R đang hoạt động âm thầm trên thị trường, nhưng cứ ra bài lại hút lượt nghe rất lớn. Sầu hồng gai, sản phẩm của Jombie ft Tkan hút gần 60 triệu lượt nghe. Cafe không đường của Jombie ft Tkan và Bean hút hơn 31 triệu lượt nghe sau gần nửa năm.

Các bản nhạc Tây Sơn hào kiệt, Hồng tàn.... của các thành viên G5R - cũng tạo hiệu ứng rất tốt, điều mà nhiều giọng ca chuyên nghiệp đã có tên tuổi ở Vpop chưa chắc làm được.

Một nhạc sĩ ví những ca khúc âm hưởng miền Tây như "cơn gió nhạc Việt". Màu sắc này xuất hiện trên thị trường từ lâu, như cơn sốt từ Jack, sau đó là màn kết hợp giữa Jack và K-ICM là bước ngoặt. Lúc này, các sản phẩm màu ngũ cung được cho là công thức lý tưởng để hút khán giả.

"Những ca khúc đó có lợi thế ở điểm dễ nghe, dễ tiếp cận. Chất nhạc ngũ cung, xập xình mang đến cảm giác sảng khoái. Một số giọng ca miền Tây không được nhắc đến nhiều, nhưng các sản phẩm của họ lại hút lượt nghe rất cao. Vì điều đó, số lượng giọng ca miền Tây trỗi dậy, hoặc những ca sĩ muốn làm chất nhạc miền Tây dần dần tăng lên", nhạc sĩ này nhận định.

Bên cạnh G5R, nhóm X2X với 2 thành viên chủ chốt là Phát Hồ (đảm nhận phần vocal) và DinhLong (rapper) cũng âm thầm khuấy đảo các nền tảng nhạc số (digital) qua các bản hit Cô thắm không về, Cố giang tình, Họa mây.

Trong khi, K-ICM vẫn sử dụng đều đặn chất liệu này. K-ICM cũng là producer được biết tới nhiều nhất trong việc dùng nhạc cụ dân tộc, kết hợp âm hưởng hiện đại để tiếp tục làm mới cho chất nhạc miền Tây.

Âm nhạc miền Tây, pha trộn chất hiện đại có thể được xem là nét mới của nhạc Việt trong 3 năm qua, bên cạnh những ca khúc bất ngờ gây sốt ở thể loại lofi (Hongkong1), latin (Hãy trao cho anh) và rap. Sự khác biệt nằm ở việc các ca khúc miền Tây không chỉ nổi lên ở 1, 2 sản phẩm, rồi lắng xuống, mà duy trì được thời gian dài và dần dần xây chắc vị thế ở nhạc Việt.

Nghề đánh bóng bản hit của ca sĩ Việt

Trong dây chuyền sản xuất âm nhạc, mastering là công đoạn cuối cùng, giúp tối ưu sản phẩm trước khi ra mắt thị trường.

Số phận đối nghịch của những hiện tượng nhạc Việt

Phan Mạnh Quỳnh, Jack đã bứt lên từ bước ngoặt "Vợ người ta" và "Hồng nhan". Trong khi đó, Nguyễn Trọng Tài lại chật vật kể từ cơn sốt "Hongkong1".

Trường Cầm

Bạn có thể quan tâm