Tại hội nghị "Tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch mùa hè năm 2018 trên phạm vi toàn quốc" do Bộ Y tế tổ chức ngày 21/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết chỉ trong 3 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận khoảng 80 trường hợp mắc bệnh sởi. Hà Nội và các thành phố khác đã phải tổ chức tiêm chủng vét.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: T.L. |
Theo lịch, mũi sởi đầu tiên sẽ được tiêm lúc 9 tháng tuổi. Vài năm gần đây, nhiều trẻ mắc sởi trước độ tuổi tiêm chủng. Tỷ lệ này các năm trước chỉ khoảng 3%, năm 2016-2017 tăng gần 20%. Năm 2017, Hà Nội ghi nhận 83 ca sởi, một trẻ tử vong, trong đó gần 1/3 là trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.
"Chúng tôi đặt câu hỏi tại sao có những trường hợp dưới 6 tháng tuổi đã mắc sởi, một số bé dưới 2 tháng tuổi đã mắc ho gà, các cháu đều chưa đến tuổi tiêm chủng. Câu trả lời là vì bà mẹ không có miễn dịch, không truyền miễn dịch cho con được nên con cũng không có miễn dịch, rất dễ mắc bệnh", Thứ trưởng Long nói.
Do đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo nghiên cứu tiêm vắc xin sởi sớm hơn cho trẻ, từ 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng.
Đặc biệt, trước đây, người lớn là hàng rào bảo vệ nhưng thực tế qua đánh giá miễn dịch bệnh sởi trong cộng đồng, miễn dịch sởi của trẻ em có trong khi ở người lớn lại không.
Trước "hiện tượng lạ" này, thứ trưởng Long đã đề nghị Cục Y tế dự phòng, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và chương trình tiêm chủng nói chung, liên quan tới việc tiêm phủ vắc xin ở người lớn, đặc biệt tập trung vào các bà mẹ để phòng bệnh sởi, ho gà, bạch hầu.