Thản nhiên làm nhục vợ trước mặt công an
Ngày 21/11/2014, một người phụ nữ đã dũng cảm trực tiếp lên sóng truyền hình chia sẻ về câu chuyện cuộc đời đầy bi kịch của mình khi bị chính người chồng bạo hành tình dục ngay cả khi ốm đau, khi sức khoẻ không đảm bảo và bản thân chị không tự nguyện khiến khán giả bức xúc lẫn xót thương.
Tương tự là trường hợp một phụ nữ 54 tuổi từng 5 năm phải chịu đựng để chồng quan hệ tình dục qua đường hậu môn, dẫn đến bị nhiễm bệnh. Nhiều khi đau đớn quá, bà quỳ xuống xin tha nhưng chồng không nghe.
Trước đó, ngày 10/9/2009, Hoàng Sơn Linh ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) cầm dao uy hiếp giết vợ rồi tự sát. Khi cảnh sát và công an xã đến thuyết phục, vận động thì Linh đã lột quần áo, hiếp dâm vợ ngay giữa nhà... Sau đó, Linh chỉ bị xử lý về hành vi Làm nhục người khác.
Thực tế, các Điều luật 111 và 113 Bộ luật Hình sự thì không có phân biệt giữa chủ thể của tội phạm (người có hành vi phạm tội) và người bị hại phải có hay không có quan hệ hôn nhân (vợ - chồng). Do đó, nếu chồng có hành vi cưỡng dâm hay hiếp dâm vợ thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội này.
Tuy nhiên, thực tế hầu như chưa có trường hợp nào chồng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi hiếp dâm hoặc cưỡng dân vợ của mình. Những hành vi như trên của người chồng chỉ bị xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Cưỡng bức tình dục trong hôn nhân - không thể vô tội
Tại buổi hội thảo "Định kiến giới và tiếp cận công lý của phụ nữ trong những vụ án bạo lực trên cơ sở giới" trong khuôn khổ Chương trình Đối tác tư pháp nhằm góp phần hoàn thiện 2 Bộ luật hình sự và Tố tụng hình sự, do Bộ Tư pháp phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tổ chức vào đầu tháng 4.
Quan điểm của các diễn giả cho thấy, mặc dù theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam thì pháp luật không loại trừ hành vi hiếp dâm hoặc cưỡng dâm trong quan hệ hôn nhân.
Tuy nhiên, với một nước có nền văn hóa Á Đông truyền thống như Việt Nam thì những quy định về tội Hiếp dâm theo Điều 111 và tội Cưỡng dâm theo Điều 113 “mặc nhiên” được hiểu là không bao gồm trường hợp hiếp dâm hoặc cưỡng dâm trong quan hệ hôn nhân.
Qua khảo sát thực tiễn một số địa phương cũng như phản ánh của các kênh thông tin, truyền thông thì tình trạng xâm hại tình dục trong quan hệ hôn nhân xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Có điều, nhiều người vẫn cho rằng nếu có xảy ra việc xâm hại tình dục trong hôn nhân thì đây là vấn đề của bạo lực gia đình chứ không phải tội phạm hình sự.
Theo bà Lê Thị Vân Anh - Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), hiện nay với những khó khăn trong việc xử lý hình sự thì việc xử lý hành chính đối với hành vi cưỡng bức tình dục trong hôn nhân cũng chưa được thừa nhận.
Nạn nhân bị cưỡng bức quan hệ tình dục trong hôn nhân chỉ được áp dụng một số biện pháp hỗ trợ bảo vệ được quy định tại Luật Phòng chống bạo lực gia đình như: biện pháp cấm tiếp xúc giữa nạn nhân và người thực hiện hành vi cưỡng bức quan hệ tình dục do tòa án hoặc Chủ tịch UBND xã quyết định.
Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này chỉ áp dụng khi nạn nhân của tình trạng cưỡng bức tình dục có đủ 3 điều kiện: nạn nhân đồng ý có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp này; hành vi cưỡng bức tình dục gây tổn hại sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân; nạn nhân và người thực hiện hành vi vi phạm có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.