Vừa qua, Bộ Y tế đã ghi nhận sự xuất hiện biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron ở Việt Nam. Kết quả giám sát các biến chủng từ tháng 1 đến tháng 6 tại Việt Nam cho thấy từ tháng 5 trở đi, chúng ta chỉ còn chủng Omicron ở miền Bắc.
Song song với đó, số ca mắc Covid-19 cũng đang cho thấy xu hướng tăng nhẹ trở lại. Điều này gây ra sự lo ngại về khả năng né tránh miễn dịch từ vaccine của biến chủng mới.
Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đang có xu hướng tăng trở lại. Ảnh: BYT. |
Hiệu quả từ mũi thứ 4
Theo dữ liệu từ Đại học Chiang Mai (Thái Lan), liều thứ 4 của bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào đã được nghiên cứu đều có hiệu quả trung bình là 75% trong việc ngừa nhiễm biến chủng Omicron.
Cụ thể, độ hiệu quả của vaccine tái tổ hợp (AstraZeneca) là 73%. Con số này với vaccine mRNA (Pfizer, Moderna) là 71%. Các thông số này đã được điều chỉnh theo độ tuổi, giới tính, lịch trình tiêm và loại vaccine được tiêm trước đó.
Giáo sư Suwat Chariyalertsak, khoa Y tế Công cộng, Đại học Chiang Mai, cho biết: “Kết quả này đã chứng minh liều thứ tư của bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm biến chủng Omicron, bất chấp khả năng lây lan mạnh của chúng.
Người dân tại TP.HCM tiêm mũi nhắc lại của vaccine Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Do đó, ông khuyến cáo các nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao như người cao tuổi, mắc bệnh mạn tính cần được bảo vệ liên tục bằng các liều vaccine tăng cường.
Dữ liệu cũng chứng minh hiệu quả của các liệu trình tiêm vaccine khác loại (tiêm trộn) tạo điều kiện đẩy mạnh kế hoạch tăng tỷ lệ bao phủ liều tăng cường.
Bên cạnh đó, một đánh giá sơ bộ về dữ liệu từ các bệnh viện đã chứng minh hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa bệnh Covid-19 diễn biến nặng, cần can thiệp thở máy xâm nhập, đồng thời hạn chế tỷ lệ tử vong trong làn sóng của biến chủng Omicron (từ tháng 2 đến tháng 3).
Cụ thể, ở tất cả nhóm tuổi đã tham gia nghiên cứu, liệu trình tiêm trộn 3 liều vaccine mang lại hiệu quả bảo vệ tới 98% trước nguy cơ diễn biến nặng và tử vong do Covid-19. Với nhóm đã tiêm liều thứ 4, kết quả nghiên cứu chỉ ghi nhận một ca tử vong duy nhất là trường hợp có nhiều bệnh lý nền.
Nghiên cứu này đo lường hiệu quả đời thực của các loại vaccine tái tổ hợp, CoronaVac (Sinovac) và mRNA bằng cách ứng dụng hệ thống giám sát chủ động, giúp so sánh cùng một hồ sơ bệnh nhân trong hai giai đoạn biến chủng Delta và biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế.
Vaccine tốt nhất là vaccine sử dụng sớm nhất
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định việc tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch phòng chống dịch. Vaccine góp phần kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, ngăn tình trạng chuyển, nhập viện và tử vong, tạo điều kiện phục hồi cũng như phát triển kinh tế, xã hội.
“Tuy nhiên, thời gian qua, chúng tôi đã ghi nhận sự xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là ở một bộ phận người dân. Nhiều địa phương không đạt tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 như yêu cầu. Thậm chí, một số nơi có tình trạng do dự, né tránh tiêm vaccine Covid-19”, vị lãnh đạo cho hay.
Do đó, đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 và mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam mới chỉ đạt lần lượt 67% và 31%.
Mũi nhắc lại vaccine Covid-19 vẫn còn hiệu quả trong giảm nguy cơ nhiễm nCoV và diễn biến nặng. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Vị lãnh đạo tái khẳng định thời gian qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc đạt tỷ lệ bao phủ vaccine liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), sau 3-6 tháng tiêm mũi vaccine liều cơ bản, hiệu quả của vaccine sẽ giảm dần. Lúc này, người dân cần tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 để bảo vệ bản thân, gia đình cũng như cộng đồng.
“Việt Nam mới đây cũng đã ghi nhận sự xuất hiện biến thể phụ BA.5 của biến chủng Omicron. Song song với đó, dịch Covid-19 còn rất phức tạp và khó lường trên thế giới”, Thứ trưởng nói.
Do đó, bà khẳng định việc tiêm vaccine mũi nhắc lại ngay lúc này là rất cần thiết, đồng thời nhấn mạnh vaccine tốt nhất là vaccine sử dụng sớm nhất.
Liên quan vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam đã trải qua 5 đợt dịch với những biến chủng Covid-19 khác nhau. Mặc dù mỗi loại vaccine có hiệu quả đáp ứng cũng như kháng thể khác nhau với từng loại biến chủng, nhìn chung, vaccine vẫn có tác dụng giảm ca bệnh diễn biến nặng, phải nhập viện hay tử vong.
“Nơi nào chưa an toàn đồng nghĩa vùng đó chưa tiêm chủng, vùng kháng thể chưa đảm bảo, nguy cơ lây lan nhiều và tiềm ẩn sự phát sinh biến chủng mới”, ông nói.
Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng giải pháp về việc tiêm vaccine cũng vẫn hữu hiệu khi chúng ta so sánh 2 đợt dịch ở 2 miền thời gian qua. Số lượng ca mắc phải nhập viện, diễn biến nặng và tử vong ở giai đoạn sau, tại miền Bắc, thấp hơn nhiều dù biến chủng có thay đổi.