Đây là quyết định sau thời gian họp bàn giữa ban lãnh đạo Sở GD&ĐT An Giang vào trưa 6/12.
Sở xác định trường THPT Vĩnh Xương tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định của ngành (dạy đại trà cho tất cả học sinh lớp chính khóa). Trường có hình thức kỷ luật, phê bình học sinh không đúng quy định của ngành. Cụ thể, lãnh đạo trường đã nêu tên học sinh N.T.N.Y. (lớp 10A4) dưới cờ làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, dẫn đến việc nữ sinh tự tử.
Do đó, sở tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 7/12) đối với ông Nguyễn Việt Hùm - Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương và bà Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó hiệu trưởng nhà trường.
Trong thời gian ông Hùm, bà Hạnh bị tạm đình chỉ, ông Nguyễn Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của trường theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Văn Cường phải tiếp tục chỉ đạo, xác minh làm rõ hành vi của bà H.T.T.H., giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4, liên quan đến vụ việc nữ sinh lớp này tự tử để có hình thức xử lý phù hợp và báo về sở giáo dục.
Nữ sinh lớp 10 đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM. |
Tự tử vì bị kỷ luật oan?
Trao đổi với báo chí, phụ huynh nữ sinh lớp 10 cho biết, sáng 30/11, gia đình nhận được tin từ nhà trường báo Y. bị ngất trong trường.
Vào đến trường, phụ huynh thấy con gái đang nằm trong phòng y tế. Sau đó, gia đình mới biết con để lại 2 lá thư tuyệt mệnh với nội dung lấy cái chết chứng minh mình không phạm lỗi như nhà trường đã xử lý.
Ngay sau đó, gia đình đưa Y. đi Bệnh viện Nhật Tân (TP Châu Đốc, An Giang) cấp cứu.
Theo chẩn đoán của Bệnh viện Nhật Tân nữ sinh nhập viện do hạ đường huyết, cố tình tự đầu độc bằng Salbutamol, trào ngược dạ dày thực quản, đau đầu, táo bón.
Y. sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Hiện, sức khoẻ và tâm lý của nữ sinh này đã dần ổn định.
Gia đình cho hay con gái mình bị uất ức do bị nhà trường xử lý vi phạm quy chế, vì em không tham gia học phụ đạo có thu phí do trường tổ chức. Ngoài ra, em còn bị thường xuyên nhắc nhở vị mặc áo dài mỏng khiến nhiều bạn chú ý, khiến em ngượng ngùng.
Khi cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở thì Y. dùng điện thoại ghi âm lại. Sau đó, Y. bị kết luận vi phạm sử dụng điện thoại ghi âm trong giờ học.
Gia đình đã gặp nhà trường và Y. đã xin lỗi cô giáo chủ nhiệm. Ngày 28/11, trường vẫn có giấy thông báo những sai phạm của Y. gửi về gia đình.
Thông báo có nêu một số nội dung mà nữ sinh vi phạm: phản ánh không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo; sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học. Trường yêu cầu em phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc trong vòng 2 tuần kể từ ngày 1 - 12/12. Hàng ngày, em phải có mặt tại trường từ 6h30 - 6h50 để các cô luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và lao động tại trường.
Sau thông báo này, nữ sinh khẳng định mình không làm sai.
Lá thư tuyệt mệnh mà nữ sinh để lại. Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM. |
Trường kỷ luật nóng vội, chưa hợp lý
Liên quan đến sự việc này, ngày 4/12, Sở GD&ĐT An Giang đã cử đoàn công tác về trường THPT Vĩnh Xương để xác minh.
Đoàn công tác thông tin, em Y. có vi phạm nội quy nhà trường, giáo viên chủ nhiệm có phối hợp cùng phụ huynh để nhắc nhở. Ngày 16/11, trường có mời phụ huynh để thông tin sự việc. Tuy nhiên, em Y. ban đầu thì thừa nhận nhưng sau đó lại chối bỏ những vi phạm của mình.
Trong khi đó, hiệu trưởng nhà trường lại nóng vội, đưa ra phương án xử lý không đúng với quy định. Lãnh đạo trường chưa quan tâm sâu sát, phản ứng chậm, không hiệu quả. Giáo viên chủ nhiệm chưa phối hợp hiệu quả với gia đình, gây ra bức xúc với học sinh, không xin ý kiến ban giám hiệu dẫn đến sự việc kéo dài, phức tạp.
Hiện nay, Sở GD&ĐT An Giang đang tiếp tục xác minh thêm thông tin liên quan để có biện pháp xử lý tiếp theo.