Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài viết phản ánh chất lượng nhà vệ sinh ở các trường học. Trong đó, ngay giữa Thủ đô vẫn có tình trạng học sinh không dám đi vệ sinh vì điều kiện nhà vệ sinh xuống cấp.
Trường công lập và chuyện khó về ngân sách
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) khẳng định tầm quan trọng của việc vệ sinh an toàn, sạch sẽ tại các trường học:
"Chúng ta biết rõ nhu cầu về ăn ở, vệ sinh là những nhu cầu thiết yếu của con người. Xuất phát từ nhận thức như vậy, các trường nói chung và Trường Trung học phổ thông Kim Liên nói riêng luôn quan tâm tới điều kiện nhà vệ sinh tại trường học - đảm bảo nhu cầu thiết yếu của hàng nghìn học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường.
Tuy nhiên, là trường công lập, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định về nguồn ngân sách, các cơ chế để đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất,...
Trường tôi sau nhiều năm gặp những khó khăn như trên, đến hiện tại đã cố gắng khắc phục và đảm bảo được các khu nhà vệ sinh đáp ứng đầy đủ nhu cầu của học sinh và giáo viên, các thiết bị hiện đại và được tu sửa thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh sạch sẽ".
Trước đó, phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam cũng đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội), nhà trường cũng nhận định: các trường công lập gặp điểm khó là hạn hẹp về nguồn kinh phí và các thủ tục cấp phép xây dựng.
Trên thực tế, điều kiện nhà vệ sinh tại các trường học vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, tính đến năm 2020, cả nước còn hơn 30% nhà vệ sinh trường học chưa đạt chuẩn. Cụ thể, các trường học trong cả nước đã có 270.695 nhà (phòng) vệ sinh nhưng tỷ lệ đạt chuẩn chỉ là 69,4%, tỷ lệ kiên cố hóa mới đạt 77,2%.
Đến thời điểm hiện tại, năm học 2022-2023, chưa có số liệu bổ sung mới về điều kiện nhà vệ sinh trường học của học sinh trên cả 63 tỉnh thành, nhưng theo phản ánh của các địa phương, trong đó có Hà Nội, nhà vệ sinh trường học vẫn là một vấn đề còn nhiều trăn trở.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức vào ngày 15/8/2022, ông Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường ở Hà Nội, tuy là Thủ đô, nhưng còn rất nhiều hạn chế, khó khăn.
"Thời gian qua, tôi có trực tiếp đi rất nhiều trường, từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở ở các quận lẫn các huyện để tìm chỗ có thể làm địa điểm cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19, nhưng có nhiều nơi cơ sở vật chất không thể dùng được. Có nơi phòng ốc rất đẹp nhưng vô cùng thiếu nhà vệ sinh” - ông Phong nói với báo Lao Động.
Nhà vệ sinh không phải là công trình phụ
Nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% trường học trên cả nước có nhà vệ sinh. Trong đó có 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% trường học có nhà vệ sinh đảm bảo điều kiện hợp vệ sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh: Phạm Minh / Giáo dục Việt Nam. |
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: nhà vệ sinh trường học là công trình chính chứ không phải là công trình phụ nữa.
“Nhà vệ sinh trường học thể hiện văn hóa của mỗi nhà trường. Hiện nay, nhiều trường đang cố gắng nâng cao chất lượng nhà vệ sinh trường học, tuy nhiên theo tôi để làm tốt vấn đề này cần có sự vào cuộc từ cả 2 phía: Nhà trường và học sinh”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nhà trường phải có ý thức chăm lo các điều kiện để đảm bảo an toàn vệ sinh, “có thể chưa hiện đại vì không phải chỗ nào cũng có điều kiện để làm như khách sạn, tuy nhiên ít nhất cũng phải đầy đủ nước, dọn dẹp vệ sinh thường xuyên, để các em học sinh không còn nỗi sợ nhà vệ sinh”.
Từ đó, TS Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị các trường cần phải lập đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng điều kiện nhà vệ sinh để có chỉ đạo cải thiện chất lượng.
Về phía học sinh, theo thầy Tùng Lâm, hiện nay ý thức giữ gìn vệ sinh chung của nhiều em học sinh còn kém.
“Nhiều em đi vệ sinh không đúng chỗ, không xả nước sau khi đi,... Đây là hành vi thiếu văn hóa cần phải chấn chỉnh gấp. Các trường cần phải coi việc giữ gì vệ sinh là văn hóa học sinh, cần phải giáo dục và rèn luyện đầy đủ”, ông nói
Khi phóng viên đề cập đến việc nhiều trường học khó khăn về kinh phí để xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh trường học, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Bàn về vấn đề này, mỗi trường sẽ phát sinh ra một cái khó riêng. Tuy nhiên bản thân người lãnh đạo cần phải tiên phong giải quyết, trong đó có sự tham gia của các em học sinh. Trong điều kiện nào mình cũng có thể khắc phục, chỉ cần có ý thức xây dựng”.