Sau khi Zing.vn đăng bài "Hiệu trưởng phủ nhận lạm thu, phụ huynh bức xúc giữa sân trường", rất nhiều ý kiến thắc mắc tại sao người đứng đầu trường Tiểu học Sơn Đồng không đối thoại với phụ huynh để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Trước đó, tại cuộc gặp phụ huynh chiều 4/9 ở sân trường, bà Nguyễn Kim Oanh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Đồng - dành khoảng 10 phút để giải thích về các khoản thu đầu năm. Sau đó, bà bỏ vào trong, từ chối đối thoại với phụ huynh, khiến đám đông bức xúc. Một số người kéo lên tận phòng họp tìm hiệu trưởng để "hỏi cho ra nhẽ".
Độc giả Tuấn Hải cho rằng bà Oanh nên ở lại tiếp thu ý kiến cha mẹ học sinh, ghi nhận nội dung và trả lời dứt điểm sau khi thảo luận với giáo viên chủ nhiệm. Chưa nói đến chuyện thu đúng hay sai, chỉ riêng việc trường không đối thoại với phụ huynh đã khiến nhiều người bất bình.
Phụ huynh phản ứng gay gắt khi hiệu trưởng từ chối đối thoại về các khoản thu. Ảnh: Nguyễn Sương. |
"Nhà trường chưa tích cực giải quyết vụ việc"
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - cho rằng nhà trường, gia đình và xã hội là 3 yếu tố quan trọng trong giáo dục học sinh. Khi có vấn đề, 3 bên cần có thiện ý trao đổi, cùng nhau bàn bạc để có cách giải quyết phù hợp.
Theo ông, trong trường hợp ở Sơn Đồng, trường có nhiệm vụ tiếp nhận thắc mắc, giải thích để phụ huynh hiểu thu bao nhiêu, dùng vào việc gì. Hiệu trưởng là người điều hành mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội mà hành xử như vậy là không được.
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng không đồng tình với cách làm của nữ hiệu trưởng. Theo ông, việc không tổ chức đối thoại thể hiện phía nhà trường chưa tích cực giải quyết vụ việc. Đúng ra, đây là cơ hội tốt để nhà trường và phụ huynh cùng nhìn nhận vụ việc một cách khách quan, có tình, lý hơn.
Ông Vinh tin rằng phụ huynh sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với nhà trường trong điều kiện có thể. Việc để phụ huynh tố cáo cho thấy nhà trường chưa giải quyết vụ việc thấu đáo khi mới có khiếu nại, thắc mắc của phụ huynh.
Học sinh chịu thiệt
Trái với bức xúc của một số phụ huynh phản ánh tình trạng lạm thu đầu năm học, lãnh đạo UBND xã Sơn Đồng và Phòng GD&ĐT Hoài Đức dẫn báo cáo của trường khẳng định không có chuyện lạm thu.
Ông Nguyễn Phan Minh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức - nói không nhận được phản ánh từ cha mẹ học sinh về việc đã đóng tiền. Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Lợi - Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng - nhận định nhiều người bức xúc về tiền học không phải phụ huynh, đa số không có hộ khẩu gốc tại Sơn Đồng.
Cả hai người cùng nhấn mạnh trường báo cáo chưa thu tiền và “những ai khẳng định đã thu thì mời lên lên UBND xã”.
Ông Nguyễn Phan Minh nhiều lần nhấn mạnh nhà trường báo cáo chưa thu khi được hỏi về việc phụ huynh phản ánh đã nộp tiền. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, với vai trò quản lý nhà trường, khi có bất đồng, UBND xã và phòng giáo dục nên mời hai bên bàn bạc, lắng nghe. Nếu phụ huynh không đúng, họ có trách nhiệm giải thích. Nếu trường sai, họ cần có giải pháp để điều chỉnh.
Nguyên thứ trưởng GD&ĐT cho rằng phòng giáo dục đã chưa làm hết trách nhiệm, để xảy ra mâu thuẫn giữa nhà trường và phụ huynh. Nếu phía phòng lắng nghe đôi bên, tìm hiểu kỹ, sự việc sẽ được giải quyết, không đến mức căng thẳng như vậy.
Sự căng thẳng giữa nhà trường và phụ huynh không có lợi, sẽ ảnh hưởng công tác giáo dục trẻ. Đồng thời, cách hành xử của người lớn trong vụ việc cũng ảnh hưởng tiêu cực tới cách ứng xử của các bé. Suy cho cùng, người chịu thiệt nhất trong câu chuyện phụ huynh tố trường lạm thu ở Sơn Đồng vẫn là học sinh.
“Đáng lẽ đầu năm học, các trường phải tập trung công tác chuyên môn để nâng cao chất lượng dạy và học. Nhưng năm nào cũng thấy thông tin lùm xùm mấy vụ lạm thu. Chẳng lẽ một việc như vậy mà ngành giáo dục và chính quyền địa phương không có giải pháp để khắc phục triệt để?”, bạn đọc Trịnh Huy Cường trăn trở.
Nếu lạm thu bị xử lý như thế nào?
Trong khi hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Đồng khẳng định chưa thu tiền, nhiều phụ huynh nói đã nộp một khoản cho cô giáo.
Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng xác định việc này không khó vì số người nộp tiền (nếu có) không phải một. Cha mẹ học sinh có thể nói rõ nộp ở đâu, cho ai, thời gian nộp. Nếu nhiều người cùng khẳng định, đây chính là bằng chứng, trường khó bác bỏ.
Cơ quan thẩm tra không thể cho rằng không có chứng từ, phiếu thu thì kết luận nhà trường chưa thu.
Phụ huynh khẳng định trường đã thu một số khoản. Ảnh: NVCC. |
Những giấy tờ do phụ huynh cung cấp mà không có chữ ký của giáo viên hay dấu của nhà trường chỉ là tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, theo lẽ tự nhiên, phụ huynh không bao giờ vu khống cho nhà trường khi con em họ đang học ở đó.
Việc họ tố cáo là lựa chọn cuối cùng, không còn cách nào khác, và con em họ sẽ là người thiệt thòi nhất. Mặt khác, các khoản thu rất chi tiết, phụ huynh khó vẽ ra được.
Theo ông Vinh, trường hợp các khoản thu không thuộc danh mục được phép thu thì phải được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Nếu phụ huynh không đồng ý, trường không được bắt ép.
Nếu kết quả xác minh cho thấy nhà trường tổ chức lạm thu, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm lớn nhất, sau đó đến các phòng ban liên quan. Hiệu trưởng có sai phạm sẽ bị xem xét kỷ luật về Đảng và chính quyền cũng như các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Sáng 4/9, chị L.T.H. - phụ huynh trường Tiểu học Sơn Đồng - cho biết nhiều cha mẹ học sinh cảm thấy bức xúc trước các khoản thu (hơn 8 triệu đồng) do trường đề ra. Sau khi đăng thông tin lên mạng, một số phụ huynh được công an xã Sơn Đồng mời làm việc.
Chiều 4/9, hiệu trưởng nhà trường tổ chức buổi họp đột xuất. Sau khi nói về các khoản thu đầu năm, bà hiệu trưởng bỏ vào trong, từ chối trả lời những câu hỏi của phụ huynh, khiến hàng trăm người bức xúc.
Sáng 5/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao chủ tịch UBND huyện Hoài Đức kiểm tra vụ việc, chỉ đạo nhà trường thu đúng, đủ các khoản thu theo quy định. Thành phố nghiêm cấm việc thu ngoài quy định gây bức xúc trong phụ huynh.
Cùng ngày, UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo trường dừng thông báo thu hoặc tổ chức thu tiền đầu năm. Đến hết ngày 6/9, lãnh đạo trường vẫn chưa đối thoại với phụ huynh.