Ông Furuta Motoo (67 tuổi), Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt được bổ nhiệm làm hiệu trưởng ĐH Việt Nhật. Đây là trường thành viên thứ bảy của ĐH Quốc gia Hà Nội. ĐH Việt Nhật vừa khai giảng khóa học đầu tiên.
- Thưa ông Furuta Motoo, cơ duyên nào khiến ông trở thành hiệu trưởng của ĐH Việt Nhật?
- Tôi cảm thấy vinh dự khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng ĐH Việt Nhật. Từng nghiên cứu về Việt Nam từ những năm đầu 1970, tôi luôn mong muốn là cầu nối nhỏ giữa hai nước.
ĐH Việt Nhật là biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển toàn diện. Có thể nói giữa hai nước vào đầu thế kỷ 20 có phong trào Đông du thì thế kỷ 21 có ĐH Việt Nhật.
Chính phủ Nhật Bản và nhiều đại học hàng đầu của Nhật Bản đang tích cực hợp tác với Việt Nam và ĐH Quốc gia Hà Nội trong việc xây dựng Đại học Việt Nhật.
- Là người đứng đầu ĐH Việt Nhật, ông sẽ phát triển trường theo định hướng nào?
- Có ba định hướng tôi muốn xây dựng để phát triển ĐH Việt Nhật. Thứ nhất, xây dựng trường theo mô hình đại học xuất sắc, hướng đến trở thành trường đại học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có năng lực thực tiễn để đáp ứng nhu cầu của xã hội Việt Nam.
Thứ hai, ĐH Việt Nhật hướng đến mô hình trường đại học mới chưa có tại Việt Nam, một trường có tính tự chủ cao.
Thứ ba, ĐH Việt Nhật sẽ chú trọng những lĩnh vực liên ngành, gồm cả ngành tự nhiên và xã hội, kết hợp với hợp tác trong những lĩnh vực tiên tiến mà Nhật Bản có thế mạnh với định hướng đào tạo sinh viên có tầm nhìn rộng.
- Chương trình đào tạo thạc sĩ sẽ bắt đầu từ "Khoa học bền vững", trong đó bao gồm 6 chương trình là Khu vực học, Chính sách công, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ Nano và Kỹ thuật hạ tầng. Lý do ông chọn 6 chương trình đào tạo này?
- Tôi lựa chọn những lĩnh vực đã có kinh nghiệm hợp tác giữa Nhật Bản và ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong đó, các lĩnh vực như Khu vực học, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ Nano đều có những tích lũy giao lưu học thuật.
Hai lĩnh vực còn lại là Chính sách công và Kỹ thuật hạ tầng chưa có kinh nghiệm giao lưu. Tuy nhiên, qua trao đổi giữa ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường Nhật Bản, chúng tôi thấy nhu cầu của Việt Nam và phía Nhật có thể cung cấp được giáo viên, chương trình giảng dạy nên đã đưa vào thực hiện.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn dự lễ khai ĐH Việt Nhật. Ảnh: Bùi Tuấn.
|
- ĐH Việt Nhật sẽ đào tạo những sinh viên người Việt mang khuôn mẫu Nhật Bản?
- Tôi cho rằng giáo dục sau đại học không phải là gò học viên vào một khuôn mẫu có sẵn, mà là liên kết những bông hoa của nhiều loài hoa khác nhau, làm sao nhận biết khi nào sự sáng tạo của từng học viên sẽ khai hoa.
Vì vậy, ĐH Việt Nhật chưa có lịch sử đào tạo lại là lợi thế. Điều chúng tôi chờ đợi ở các bạn không phải là cố gắng gò mình vào khuôn mẫu “kiểu ĐH Việt Nhật”, mà là ý thức rằng mỗi bạn chính là ĐH Việt Nhật, từ đó hãy sáng tạo phong cách riêng của nhà trường”.
- Đã nhiều năm tìm hiểu về giáo dục Việt Nam, ông quan tâm điều gì để từ đó phát triển ĐH Việt Nhật theo hướng phù hợp?
- Tôi cho rằng một đặc điểm của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là coi trọng giáo dục chuyên sâu, tập trung đào tạo một số lĩnh vực hẹp. Tuy nhiên, mô hình đại học như vậy phù hợp trong xã hội tương đối ổn định như ở Nhật Bản.
Ngày nay, xã hội đang thay đổi rất nhanh, nhiều khi con người phải "đi biển không có la bàn". Muốn vậy thì "tầm nhìn xa" của con người rất quan trọng. Vì vậy, việc xây dựng kiến thức cốt lõi vững chắc là yêu cầu rất quan trọng trong việc đào tạo của các trường đại học.
ĐH Việt Nhật sẽ hướng tới triết lý giáo dục khai phóng, giúp học viên trang bị những kiến thức cơ bản vững chắc để có thể đối phó những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay đặt ra.
Ngoài những kiến thức khoa học cốt lõi, học viên tại ĐH Việt Nhật có thể tự chọn môn học theo định hướng khác nhau để có thể trau dồi kiến thức theo định hướng mong muốn. Nói cách khác, sinh viên được đào tạo theo mô hình đại học khai phóng sẽ rèn luyện năng lực tự học ngay trong quá trình học và duy trì sự tự học đó suốt đời.
Sinh viên đào tạo theo mô hình này khi ra trường có thể không làm tốt được ngay, phải mất thời gian làm quen công việc cụ thể nhưng các em sẽ thích nghi rất nhanh với các yêu cầu công việc hay sự thay đổi của thời đại. Những sinh viên như thế có thể thành công hơn trong sự nghiệp và cuộc sống.
ĐH Việt Nhật được Thủ tướng ký quyết định thành lập ngày 21/7/2014. Ngày 9/9/2016, trường tổ chức lễ khai giảng khóa thạc sĩ đầu tiên.
ĐH Việt Nhật có mục tiêu sớm trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế, được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần gia tăng giá trị đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Trường cũng hứa hẹn trở thành trung tâm giao lưu văn hóa, học thuật và là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.