Sau khi có phản ánh, Phòng GD&ĐT huyện Hậu Lộc tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin tại trường THCS Ngư Lộc, sau đó báo cáo lên Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Nhiều đầu điểm được sửa
Theo báo cáo, kết quả kiểm tra trên vn.edu, cho thấy phần “chỉnh sửa điểm” trong hệ thống, gồm: 2.118 đầu điểm được sửa.
Trong đó, 1.157 đầu điểm có thông tin “xóa”. Cụ thể, admin trường THCS Ngư Lộc xóa 1.031 lượt; GV xóa 126 lượt; còn lại 961 đầu điểm có thông tin “sửa”.
Số điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 được sửa điểm lên là 22 đầu điểm, sửa điểm xuống là 96 đầu điểm và sửa điểm không làm thay đổi kết quả là 7 đầu điểm.
Đối với điểm kiểm tra thường xuyên của HS, tất cả GV đều thực hiện theo đúng quy định. Kiểm tra số điểm cá nhân đối chiếu với số điểm điện tử, các đầu điểm đa số đều khớp nhau.
Trường THCS Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: NTCC. |
Một số trường hợp GV sai sót, như: GV Vũ Thị Sách, có HS Nguyễn Đức Hữu không có tên trong sổ cá nhân, trong sổ điện tử sửa 7,5 thành 8,5 điểm.
Giáo viên Phạm Thanh Xuân, có HS Phạm Thanh Thảo, điểm giữa học kỳ 2 sổ cá nhân là 7, sổ điểm điện tử sửa 7 thành 9.
Có 3 HS không thi cuối học kỳ 2, nên sửa thành 0 điểm. HS Nguyễn Minh Đức, lớp 9A7 không kiểm tra tập trung nhà trường cho kiểm tra lại, điểm trùng khớp.
Học sinh Nguyễn Duy Khánh (lớp 9A4) môn Ngữ văn sửa 5 thành 3, bài HS ghi 5 điểm (do admin nhà trường sửa). HS Phạm Quốc Việt, lớp 7A1 môn Địa lý, sổ điểm điện tử sửa 7,5 thành 8, điểm trong bài thi 7,5 (do admin nhà trường sửa).
Học sinh Nguyễn Đức Dương, lớp 8A3 môn Tin học bài kiểm tra cuối kỳ thực hành trên máy, nên không có bài kiểm tra làm minh chứng.
Cũng theo bản báo cáo, có việc GV sửa điểm đánh giá học kỳ 2 năm học 2020-2021.
Qua kiểm tra các GV sửa điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra giữa kỳ và kiểm tra cuối học kỳ đều đúng quy định, không làm sai lệch kết quả học tập của HS.
Kết quả cho thấy không có việc sửa điểm cuối học kỳ 2 với mục đích nâng cao thành tích của HS cũng như nhà trường. Đối với việc sửa điểm môn Ngữ văn của HS Tô Thị Mỹ Duyên, lớp 9A6, cho thấy: Điểm cuối kỳ, được thể hiện sửa vào ngày 13/5/2021.
Trong đó, lần 1 từ 5 điểm lên 7 điểm; lần 2, từ 7 điểm xuống thành 5 điểm, do đó đầu điểm này không thay đổi về điểm số.
Đối với việc sửa điểm môn Tin học của em Nguyễn Đức Dương (lớp 8A3), cho thấy: Điểm cuối kỳ, được thể hiện sửa ngày 11/5/202, từ 7 điểm lên 8 điểm.
Còn việc sửa điểm môn Công nghệ của em Nguyễn Hoàng Yến (lớp 8A3) là điểm thường xuyên trong sổ điện tử, từ 6 điểm lên 9 điểm và được thể hiện sửa vào ngày 16/4/2021.
Các điểm sửa đều khớp giữa sổ điện tử, sổ điểm cá nhân và bài kiểm tra của HS, chỉ có 2 lượt sửa điểm còn sai sót...
Hiệu trưởng nhà trường nói gì?
Liên quan đến vấn đề nêu trên, bà Mã Thị Diệp, Hiệu trưởng trường THCS Ngư Lộc cho biết nhà trường có 1.041 học sinh. Khối học đầy đủ các bộ môn là 13 môn.
Bình quân mỗi học sinh có khoảng 130 đầu điểm/năm học. Ước tính số đầu điểm cả trường trong năm học có khoảng 150.000 đầu điểm.
“Như vậy, việc sửa và xóa hơn 2.000 đầu điểm cũng không phải con số đáng kể, chỉ cần cập nhật 1 đầu điểm của HS toàn trường, mà do mạng nghẽn hoặc mất điện, có thể sẽ xảy ra hơn 1.000 đầu điểm bị xóa hoặc sửa.
Còn thông tin GV sửa điểm nhằm mục đích nâng thành tích của HS từ khá lên giỏi, từ trung bình lên khá, là hoàn toàn không có căn cứ”, bà Diệp nói.
Về nội dung, thầy Nguyễn Xuân Hùng dạy môn Toán thực hiện sửa điểm môn Ngữ văn, Tin học, Công nghệ là không hợp lý.
Theo bà Diệp, lý do GV Nguyễn Xuân Hùng tham gia sửa điểm, bởi thầy giáo này là Tổng phụ trách đội, nên được nhà trường phân quyền quản lý sổ điện tử để quản lý HS, nhắn tin cho HS, GV trong trường... Do đó, GV bộ môn Ngữ văn, Tin học, Công nghệ nhờ thầy Hùng sửa điểm giúp.
“Việc tham gia sửa điểm của thầy Hùng là sai, nhưng phản ánh đúng kết quả học tập của HS. Tuy nhiên, nhà trường sẽ xử lý thầy Hùng và những GV có liên quan theo quy định”, bà Diệp khẳng định.
Công văn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa. |
Những lý do dẫn đến sửa điểm
Cũng theo bà Mã Thị Diệp, nhiều lý do dẫn đến việc GV phải sửa điểm cho HS, mà đoàn kiểm tra, xác minh của Phòng GD&ĐT huyện Hậu Lộc đã nêu.
Ngày 5/8 vừa qua, ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ký công văn chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện Hậu Lộc căn cứ vào kết quả của Tổ xác minh, tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm quy chế chuyên môn theo quy định hiện hành. Sau khi có kết quả báo cáo về Sở GD&ĐT.
Đó là, GV đã căn cứ vào sự tiến bộ của HS để chọn các điểm đã được kiểm tra và đưa vào tính điểm trung bình trong học kỳ.
Vì vậy, các đầu điểm nhập trước đó đã được sửa lại bằng các đầu điểm HS đạt được phù hợp với năng lực vào thời điểm cuối học kỳ. Do GV nhập điểm nhầm cho HS, sau đó phát hiện ra và tiến hành sửa lại cho đúng điểm trong bài kiểm tra...
Do chấm sót điểm hoặc cộng nhầm điểm thành phần trong bài kiểm tra, nên khi HS đề nghị, GV đã chấm lại và sửa điểm theo nội dung chấm lại. Do GV làm tròn điểm chưa chính xác và ý thức chủ quan trong quá trình sử dụng phần mềm.
Sau khi thực hiện xong việc rà soát, điều chỉnh và có điểm chính xác của kỳ khảo sát, tài khoản admin đã thực hiện lệnh hủy xử lý trước đó, rồi chuyển lại điểm chính xác vào cột điểm cuối kỳ.
Vì vậy, trong nhật ký nhập điểm đã thể hiện tài khoản nhà trường “xóa” hàng loạt điểm cuối kỳ. Ngoài ra, đối với phần mềm nhập điểm, khi thực hiện nhập điểm nếu mạng yếu, nghẽn mạng, mất điện… thì phần mềm lưu vết lại là “xóa” hoặc “sửa điểm”.
Bà Diệp khẳng định: “Năm học 2020-2021 là năm học thứ 2 sử dụng sổ điểm điện tử bằng phần mềm vnedu.vn của nhà mạng VNPT. Vì mới sử dụng nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý, kiểm tra lịch sử nhập điểm của GV.
Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện Hậu Lộc chưa chỉ đạo nhà trường ban hành quy chế sử dụng sổ điểm điện tử. Chưa tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể cách sử dụng sổ điểm điện tử cho GV, nên còn xảy ra lúng túng và sai sót”.