Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiệu trưởng xấu hổ khi nói về giáo dục giới tính

Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em cho rằng Việt Nam đang có sự nhầm lẫn giữa giáo dục giới tính và giáo dục tình dục.

Buổi tọa đàm do một chuyên trang tổ chức đã đưa ra những con số đáng báo động về tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa Gia đình vào năm 2015, mỗi năm cả nước vẫn còn gần 6.000 ca nạo phá thai tuổi vị thành niên.

Bình luận về nguyên nhân này, ông An cho rằng sai lầm nằm ở chương trình giáo dục. “Có quan niệm là giáo dục giới tính là vẽ đường cho hươu chạy nhưng cần phải vẽ cho hươu chạy đúng đường”, ông An nói.

Nắm tay bạn trai có bầu và nỗi lo về giáo dục giới tính

Tiến sĩ Vũ Thị Hạnh kể, có nữ sinh tuổi dậy thì lo lắng, sợ mang thai vì đã nắm tay bạn trai trong lớp. Nhiều học sinh khác cũng rất lơ mơ về giới tính.

Cũng theo ông An, ở nước ngoài, trẻ em được giáo dục giới tính rất sớm giúp các em nhận biết cơ thể, giới, kỹ năng bảo vệ mình, tôn trọng đối phương, phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ông Vũ Khắc Sáng, Hiệu trưởng trường THPT Kim Thành 2 (Hải Dương), khi được hỏi về việc giáo dục giới tính ở trường mình, đã dùng từ “xấu hổ” để miêu tả.

Ông nêu thực tế: “Tôi có 25 năm làm giáo dục, 16 năm làm hiệu trưởng (hai trường), hầu như năm nào cũng có hiện tượng học sinh bỏ học vì nạo phá thai, sinh con ngoài ý muốn. Đó là không kể trường hợp các em giấu, tự đi xử lý”.

Giao duc gioi tinh anh 1
Một giờ học về giới tính của học sinh Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên.

Chuyên gia tâm lý học, TS Phạm Thành Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng trước nay, khi nói về vấn đề này, bố mẹ thường ngại. Trong khi đó, nhà trường chỉ dạy chung chung về hệ sinh dục, còn thái độ với quan hệ tình dục thì không được dạy.

“Ba tuổi, các con có xu hướng khám phá bộ phận sinh dục. Đây là lúc bố mẹ có thể dạy cho con. Nếu không nói thì thôi, nếu nói bố mẹ phải nói chính xác với kiến thức khoa học để khi lớn lên các kiến thức được xâu chuỗi”, TS Nam bày tỏ.

Đề cập giải pháp để khắc phục tình trạng này, TS Phạm Thành Nam cho rằng vai trò của gia đình rất quan trọng và phải giáo dục con cái theo từng giai đoạn.

"Các con số quan hệ tình dục sớm với tôi không quan trọng mà tôi quan tâm hệ quả của nó ra sao. Nếu tuổi quan hệ lần đầu chậm hơn nhưng tỷ lệ nạo phá thai cao, kết hôn xong ly dị thì vẫn không tốt”, TS Nam nêu ý kiến.

> Chủ đề: Giáo dục giới tính tuổi dậy thì

http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/hieu-truong-xau-ho-khi-noi-ve-giao-duc-gioi-tinh-661636.html

Theo Viết Thịnh / Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm