Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Hiệu ứng Barnum - khi bói toán, trắc nghiệm tính cách hay 'có vẻ đúng'

Việc các bài trắc nghiệm tính cách, chiêm tinh luôn "có vẻ đúng" thường đến từ tâm lý người nghe hơn là độ chính xác thực tế.

hieu ung barnum anh 1hieu ung barnum anh 2

Việc các bài trắc nghiệm tính cách, chiêm tinh luôn "có vẻ đúng" thường đến từ tâm lý người nghe hơn là độ chính xác thực tế.

hieu ung barnum anh 3hieu ung barnum anh 4

Minh họa: Yến Nhi.

Điểm chính:

  • Hiệu ứng Barnum được xác thực bởi Nhà tâm lý Bertram Forer.
  • Ngoài bói toán hay test tính cách, Barnum còn xuất hiện ở các nội dung quảng cáo.
  • Tìm bằng chứng cho cả nhận định tích cực lẫn tiêu cực là cách hạn chế Barnum.

Nếu để ý, có lẽ bạn sẽ thấy hầu hết bài mô tả tính cách hoặc dự đoán tương lai luôn có 2-3 dòng gần đúng với bản thân - ví dụ như người thuộc cung Nhân Mã thì phóng khoáng; người sinh tháng 6 thường nóng nảy, năm mới cần điềm tĩnh hơn,...

Khi nghe đến chúng, bạn thường bỏ qua những điểm chưa chính xác đằng sau và bắt đầu tin người nói đã thực sự hiểu mình.

Đó là lúc hiệu ứng Barnum xuất hiện. Không phải do thế lực siêu nhiên nào đó mách bảo, đây là hiện tượng tâm lý có thể lý giải bằng khoa học.


Hiệu ứng Barnum là gì?

Hiệu ứng Barnum được đặt tên theo Phineas Taylor Barnum, một nghệ sĩ xiếc người Mỹ ở thế kỷ 19. Nhờ tài thao túng tâm lý, ông được biết đến như người luôn tạo ra những màn trình diễn bất ngờ, thú vị cho khán giả.

Nhà tâm lý Bertram Forer là người đã xác minh hiện tượng này. Theo ông, hiệu ứng xảy ra khi chúng ta bị thuyết phục trước một bản mô tả tính cách bất kỳ. Ngay cả khi nó đúng với mọi người, ta vẫn nghĩ nó chỉ cụ thể về mình chứ không phải ai khác.

Năm 1948, Forer thực hiện thí nghiệm nhỏ với 39 sinh viên của mình. Ông đưa họ một bài kiểm tra tính cách và hứa hẹn trả kết quả riêng cho từng cá nhân.

Tuy nhiên trái với cam kết ban đầu, ông lại gửi tất cả một đáp án chung. Trong đó, Forer sử dụng những mẫu câu khái quát như:

  • Bạn luôn khao khát được yêu mến, ngưỡng mộ.
  • Tuy sở hữu vẻ ngoài cứng rắn, bên trong bạn lại là người hay lo lắng, bất an.
  • Bạn tự cho mình là người quyết đoán và không để người khác dẫn dắt mà thiếu chứng cứ thỏa đáng.

Tất nhiên, các sinh viên vẫn đinh ninh mỗi người được nhận câu trả lời khác nhau. Kết quả là đa số họ đồng ý với điều Forer viết. Nhiều người còn tin rằng chúng rất đúng với mình, đặc biệt là những nhận định tích cực.

Từ báo cáo trên, người ta cũng gọi hiệu ứng Barnum là hiệu ứng Forer.


Vì sao có sự nhầm lẫn?

2 lý do có thể giải thích cho hiện tượng Barnum-Forer bao gồm:

  • Khả năng thích ứng. Những tính từ tích cực khiến cái tôi của chúng ta thích thú. Thông thường, chúng lại là điều ta hướng đến và muốn trở thành, do đó nhanh chóng được chấp nhận như sự thật.
  • Thiên hướng tích cực (positivity bias) cho rằng con người có xu hướng ghi nhớ kỹ các sự kiện vui vẻ hơn so với ký ức buồn. Nguyên tắc này khá giống với trường hợp của Barnum.
hieu ung barnum anh 5hieu ung barnum anh 6


Bạn đã gặp hiệu ứng Barnum?

Hiệu ứng Barnum có mặt ở khắp nơi. Việc nhiều người trong chúng ta thường xuyên đọc Horoscope, xem chỉ tay, làm trắc nghiệm tính cách trên mạng là ví dụ.

Barnum còn hiện diện một cách ít rõ ràng hơn ở một số ngành nghề như truyền thông, Marketing.

Bằng hình ảnh, video và lời nói hoa mỹ, những nhà quảng cáo có thể thì thầm rằng bạn cần sử dụng sản phẩm của họ để giải quyết vấn đề của mình.

Kết hợp thuật toán, các thương hiệu cũng có thể tuyên bố họ làm ra sản phẩm dành riêng cho bạn, như playlist nhạc/phim cá nhân hóa, khiến bạn hứng khởi và sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Trong khi đó, nhiều khả năng nó chỉ là lựa chọn ngẫu nhiên.


Làm sao để tránh tác động tiêu cực?

Dù có vẻ vô hại, hiệu ứng Barnum cũng có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định và suy luận. Cụ thể là khiến bạn quên hoặc xem nhẹ những mặt chưa tốt của mình, từ đó có đánh giá sai về bản thân.

Mô tả trong cung hoàng đạo hay thông điệp từ Tarot có thể không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Do đó, bạn nên tỉnh táo và chọn lọc khi tiếp nhận.

Mặt khác, nếu quá tin vào quảng cáo và để nó dẫn dắt, bạn dễ mất tiền oan vào những khoản không cần thiết.

2 lời khuyên dành cho bạn:

  • Tìm bằng chứng xác thực và dừng lại suy nghĩ. Những nhận xét chung chung thường sẽ đúng với mọi hoàn cảnh, hãy khoan đem nó về áp dụng cho mình.
  • Tìm hiểu về bản thân và nhu cầu thực sự của mình qua nguồn uy tín như chuyên gia tâm lý, các bài kiểm tra được công nhận,... Càng hiểu rõ về mình, bạn sẽ càng phân biệt được thông tin đúng, sai.

Thiên Hân

Minh họa: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm