Phim truyền hình Trung Quốc từng gây bão tại thị trường châu Á không phải là ít nhưng hiếm có một bộ phim nào lại có được sức lan tỏa mạnh mẽ, gây tranh luận, tạo ra trào lưu, cùng những vụ lùm xùm câu khách như Võ Tắc Thiên truyền kỳ. Có thể giải mã “cơn sốt” Võ Tắc Thiên truyền kỳ trên mạng xã hội ở Việt Nam thế nào?
1. Võ Tắc Thiên - nữ hoàng đế duy nhất và cũng nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa là một trong những nhân vật được các nhà làm phim đưa lên màn ảnh, cả màn ảnh rộng lẫn màn ảnh nhỏ nhiều nhất. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Võ Mỵ Nương lại được “ưu ái” đến vậy, vì sự nghiệp và cuộc đời của bà có vô số điển tích “kịch tính” và “hấp dẫn”, vốn rất dễ để chuyển thể thành phim.
Phiên bản Võ Tắc Thiên truyền kỳ năm 2014 với dàn diễn viên xinh đẹp gồm Phạm Băng Băng, Châu Hải My, Trương Hình Dư, Thi Thi…, không phải là phiên bản truyền hình đầu tiên và chắc chắn cũng không phải cuối cùng về nhân vật này. Trước Phạm Băng Băng, đã có rất nhiều nữ diễn viên đảm nhận vai Võ Tắc Thiên, trong đó có cả những ngôi sao nổi tiếng, có nhan sắc tuyệt đỉnh. Có thể kể đến Phan Nghinh Tử, Lưu Hiểu Khánh, Giả Tịnh Văn, Lưu Gia Linh. Tuy nhiên, so với các diễn viên đàn chị kể trên, Phạm Băng Băng nói riêng và cả phiên bản phim truyền hình 2014 nói chung lại vượt trội hơn. Vượt trội không phải vì sắc đẹp, không phải vì kịch bản hay mà là vì hiệu ứng truyền thông.
Phim truyền hình Trung Quốc từng gây bão tại thị trường châu Á không phải là ít nhưng hiếm có một bộ phim nào lại có được sức lan tỏa mạnh mẽ, gây tranh luận, tạo ra trào lưu, cùng những vụ lùm xùm câu khách như Võ Tắc Thiên truyền kỳ. Ở đây, hiệu ứng truyền miệng, kế hoạch PR, chiến dịch quảng bá trực tuyến cùng các kênh mạng xã hội đã tổng hòa tương đối hoàn hảo, tạo nên một phiên bản Võ Tắc Thiên đầy “sức sống” không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà còn lan sang cả Việt Nam.
2. Chưa vội bàn đến tính mục đích của việc quảng bá/quảng cáo cho Võ Tắc Thiên và ai đứng đằng sau những chiến dịch này. Xét trên bề nổi, chưa có một tác phẩm nào lại tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ như vậy trên báo chí lẫn mạng xã hội. Lần đầu tiên có một bộ phim khiến ngay cả các diễn viên, ca sĩ, người mẫu Việt Nam nổi tiếng (lẫn tự cho mình là nổi tiếng) lại đi bắt chước hình tượng nhân vật chính. Một trào lưu đánh bóng tên tuổi có thể nói là… ngớ ngẩn. Hết Ngọc Trinh, Angela đến những thảm họa như Lâm Chi Khanh, Kenny Sang liên tiếp tung ra những bộ ảnh hóa thân vào nhân vật Võ Mỵ Nương. Hình ảnh của họ tràn ngập trên các trang báo mạng thời gian qua.
Nếu như báo mạng có thể tiếp cận đến độc giả hết sức nhanh chóng với số lượng đông đảo thì các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, lại có sức lan tỏa không giới hạn và đặc biệt cập nhật gần như theo thời gian thực. Riêng Fanpage của bộ phim đã có mấy trang được lập ra, với số lượng người Like lên đến mấy chục nghìn người. Việc khởi tạo Fanpage cho phim là chuyện hết sức bình thường và được các nhà sản xuất lẫn fan nói chung sử dụng từ vài năm qua rồi. Nhưng sử dụng ứng dụng trên nền Facebook, mà ở đây là ứng dụng chụp ảnh, ứng dụng chế ảnh, lần đầu tiên xuất hiện rộng rãi đến vậy.
Các khán giả trẻ tuổi đang chết mê chết mệt với trào lưu Võ Tắc Thiên trên mạng. Không chỉ dùng ứng dụng chụp ảnh sao cho giống Võ Mỵ Nương nhất, chế ảnh để đưa khuôn mặt mình vào các nhân vật trong phim để đưa lên Facebook, cách ăn nói của giới trẻ còn bị ảnh hưởng bởi lời thoại trong phim. Các câu status, commen gắn liền với những từ ngữ đặc mùi hoàng cung như “bổn cung”, “trẫm”, “tài nhân”, “tiện tì”… Qua đó, ta có thể thấy, quảng bá/quảng cáo thông qua mạng xã hội có ảnh hưởng sâu rộng thế nào đến đời sống của giới trẻ trên thế giới hiện nay.
Tạo hình đẹp của nhân vật cũng là một trong số những điều làm nên sức hút cho Võ Tắc Thiên truyền kỳ. |
Tất nhiên, đấy chỉ là chuyện sau này, khi phim đã được tung ra. Còn trước đó, phải kể đến “công lớn” thuộc về những người đã đưa bộ phim đến với khán giả Việt Nam. Nếu chỉ có bản phim nguyên gốc tiếng Trung, có lẽ Võ Mỵ Nương sẽ chẳng tạo nên trào lưu như hiện nay. Việc Việt hóa (ngôn ngữ gốc, phụ đề tiếng Việt) đã tạo cơ hội để người xem đến gần hơn với bộ phim. Câu chuyện bắt đầu từ những diễn đàn điện ảnh/truyền hình.
3. Ra đời và phát triển từ những năm đầu thập niên 2000, sau chat, forum chính là hình thức kết nối, tương tác, giao lưu dễ dàng nhất giữa các bạn cùng sở thích vào thời điểm đó. Riêng ở mảng điện ảnh, các trang diễn đàn như Moviesboom, Yxine, MFC… đã tạo nên một sân chơi đầy ý nghĩa cho những người yêu thích xem phim và làm phim. Rất nhiều thành viên từ những diễn đàn kể trên hiện nay đã đi theo con đường điện ảnh chuyên nghiệp, tạo nên một làn sóng mới cho điện ảnh Việt Nam.
Tuy nhiên, về sau này khi mà các mạng xã hội như Blog 360 của Yahoo và Facebook ra mắt, chúng đã “đập chết” các diễn đàn. Giờ đây, chỉ còn một vài diễn đàn mang tính đặc trưng về công nghệ, ô-tô, tải phim là còn hoạt động mạnh mẽ. Tất nhiên không thể thiếu những forum dành riêng cho các bạn trẻ yêu thích phim, từ Mỹ, châu Âu tới Hán Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Đây là lực lượng chủ chốt để tạo nên những sản phẩm Việt hóa, cả điện ảnh lẫn truyền hình, để mang tới khán giả.
Ở riêng lĩnh vực truyền hình, các thành viên sẵn sàng chờ từng tập một vừa được trình chiếu tại thị trường nội địa để dịch và làm phụ đề ngay cho nóng hổi. Chẳng thế mà khán giả Việt Nam có cơ hội tiếp cận với những bộ phim nước ngoài sớm đến vậy.
Truyền hình quốc tế nói chung lẫn phim truyền hình Trung Quốc nói riêng, trước nay không hề thiếu những bộ phim tạo sốt tại thị trường Việt Nam nhưng chưa bao giờ có một tác phẩm vừa tạo sốt, vừa tạo trào lưu, vừa ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của giới trẻ như Võ Tắc Thiên truyền kỳ 2014. Đây quả là điều cực kỳ hiếm thấy. Nó tạo nên cả những hiệu ứng tiêu cực lẫn tích cực, nhất là vấn đề văn hóa.