Hình ảnh đời thường của Nhật Bản dưới ống kính máy film
Thứ ba, 9/10/2018 18:35 (GMT+7)
18:35 9/10/2018
Những thước ảnh film màu cũ kỹ khắc họa hình ảnh giản dị, mộc mạc đầy chất tình của cuộc sống đời thường ở Nhật Bản.
Sở hữu các đảo lớn nhỏ là một phần của dải núi ngầm trải dài từ Đông Nam Á tới Alaska, Nhật Bản có bờ biển dài 37.000 km với nhiều vịnh nhỏ. Đất nước này từ lâu đã trở thành một trong những điểm đến thu hút khách du lịch với những nét đặc trưng trong phong cảnh, văn hóa và lối sống con người không nơi đâu có.
Một góc phố ở đất nước Mặt Trời mọc bình dị, yên bình mang nét hoài cổ. Trong tương lai, bạn sẽ khó có thể bắt gặp hình ảnh mạng lưới điện trên cao như vậy trên những con phố nơi đây vì từ tháng 3 năm nay, chính phủ Nhật đã chính thức triển khai kế hoạch "không trụ cột điện" trên khắp đất nước.
Từ hẻm nhỏ đến góc phố hiện đại, những con đường ở Nhật Bản mang nét đặc trưng và phong cách riêng mà chỉ cần nhìn qua là bạn có thể nhận ra sự khác biệt, không giống ở bất kỳ quốc gia nào khác.
“Đi tìm nhà ở Nhật rất khó chịu” là lời chia sẻ của nhiều người ngoại quốc khi mới chỉ đặt chân đến xứ sở hoa anh đào đôi lần. Lý do bởi hầu hết đường phố ở Nhật Bản đều không có tên.
Đường phố Nhật Bản đặt tên theo từng block nhà. Một điểm đáng chú ý là họ không dùng tên các danh nhân để đặt tên đường.
Người Nhật Bản rất tỉ mỉ, chăm chút cả những chi tiết nhỏ nhất. Ở Nhật, từ nhành cây, ngọn cỏ đến nắp cống cũng phải nghệ thuật và xinh đẹp. Trên khắp các thành phố ở Nhật Bản, những chiếc nắp cống được trang trí bắt mắt và thu hút.
Người Nhật rèn luyện việc mang theo ô từ bé, thể hiện sự tinh tế, không gây ảnh hưởng tới người xung quanh, bởi khi bị ướt bạn cũng sẽ làm ướt những người đứng cạnh trên xe bus hay tàu điện. Tại các nhà hàng, cửa hàng bách hóa, người ta thường cung cấp các bao bọc ô.
Nhật Bản nổi tiếng với shinkansen (tàu cao tốc), với hệ thống tàu điện ngầm hiện đại bậc nhất thế giới, lại là quê hương của nhiều hãng xe hơi lớn, thế nhưng, vẫn có một loại phương tiện thô sơ và rất phổ biến ở đất nước này là xe đạp.
Ở Nhật, các phương tiện giao thông đi bên trái đường. Thói quen này có từ thời kỳ Edo (1603-1867), khi Samurai vẫn thống trị cả quốc gia. Tới năm 1872, lưu thông bên trái đường trở thành luật lệ chính thức ở quốc gia Đông Á này.
Trẻ em Nhật Bản được dạy cách sống tự lập khi còn rất nhỏ. Các em tự vui chơi ở công viên hoặc đến trường hàng ngày mà không cần người lớn đi theo giám sát.
Khung cảnh một góc nhà ga Hakata bình yên và cổ kính. Hakata là nhà ga đường sắt chính của thành phố Fukuoka, ga lớn nhất và đông nhất ở Kyushu.
Cảnh quan đô thị ở Nhật Bản luôn sạch đẹp. Đặc biệt, đường phố ở đây thường được trang trí rất nhiều màu sắc vào mùa lễ hội.
Du lịch ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Nhật Bản, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô cậu học sinh đeo cặp, đi bộ theo từng tốp băng qua các con phố.
Mùa anh đào nở, các con đường ngập tràn sắc trắng tinh khôi. Hoa anh đào là biểu tượng của đất nước, niềm tự hào của người dân Nhật Bản trên khắp thế giới.
Hệ thống kênh mương ở Nhật là điều các quốc gia có thể học hỏi. Ở nhiều ngôi làng, bạn dễ dàng nhìn cảnh những đàn cá tung tăng bơi lội trong những mương nước trong vắt và nghe tiếng nước chảy róc rách khắp nơi.
Cũng giống Việt Nam, Nhật Bản có rất nhiều chùa. Hầu hết chùa ở Nhật đều có hồ nước ngọt. Người dân đến lễ chùa thường uống nước ở hồ với niềm tin mang đến điều may mắn, xua tan bệnh tật.
Đến Nhật Bản, bạn sẽ thoải mái tận hưởng những cơn gió mát lành, ánh nắng dịu nhẹ trên con đường ven biển quanh co uốn lượn giữa khung cảnh tuyệt đẹp của một bên là vực thẳm đại dương, một bên là đỉnh núi cao hùng vĩ.
Khung cảnh trong các bộ phim hoạt hình quen thuộc của Nhật Bản không hoàn toàn dựng lên từ trí tưởng tượng, mà còn do mô phỏng lại các điểm du lịch nổi tiếng thế giới.
Với một sân bay quốc tế chính của Nhật Bản, thành phố thuộc top các điểm đến được ghé thăm nhiều nhất thế giới này luôn mang đến du khách nhiều trải nghiệm thú vị.
Du khách thế giới đặt chân đến Nhật Bản đều phải trầm trồ kinh ngạc vì đất nước này sạch sẽ không có một bóng rác. Người dân Nhật Bản đối mặt với rác thải như thế nào?