Thả cá, vứt rác, ném hoa xuống sông, đội quân đi thuyền dùng vợt và kích điện đón lõng đánh bắt là những hành động không văn minh ở Hà Nội trong ngày ông Công-ông Táo 20/1.
Sáng 20/1, hàng nghìn người dân ở Hà Nội lỉnh kỉnh xô chậu tìm tới ven sông Hồng đoạn gần cầu Chương Dương, Long Biên để thả cá chép sau khi cúng tiễn Táo quân.
Khu vực bến tàu du lịch sông Hồng là một trong những địa điểm dễ dàng thả cá nhất, thu hút nhiều người tìm đến. Anh Tùng (ở phố Thuốc Bắc) đi xa vài km mang theo xô đựng cá chép buộc dây ra sông phóng sinh. Anh bảo nhẹ nhàng thả sẽ giúp các ngài về trời được dễ dàng hơn.
Tại hồ Gươm, bà Phương đi xe đạp điện từ phố Hồng Mai đến đây thả một con cá chép đang chửa. Bà cho biết thả cá chửa thì phóng sinh được nhiều hơn so với thả cá con.
Tuy nhiên, trong sáng 20/1 có nhiều hình ảnh không đẹp lại tái diễn như các năm trước. Trên sông Hồng xuất hiện một số người đi thuyền ra đoạn gần cầu Long Biên và Chương Dương mang theo vợt, kích điện.
Được biết, những chiếc thuyền này đã tập trung về đây từ ba ngày nay để vớt cá chép mà người dân đi thả. Khi bị khuyên không nên vớt động vật phóng sinh, người đàn ông đã văng tục đáp lại với những lời lẽ khó nghe.
Ngoài ra còn có những người dùng vợt đi bộ dọc bờ sông để vớt cá.
Phía dưới đánh bắt ngay tại chỗ, bên trên người dân vẫn ầm ầm thả, ném, quăng đủ thể loại vừa được dọn trên ban thờ. Dù tại cầu Long Biên xuất hiện nhóm tình nguyện viên tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường và xin được giúp một tay nhưng nhiều người vẫn muốn được tự làm đã khiến tro bay mù mịt.
Bụi từ tro ném xuống sông bị ngược gió đã phả vào mặt người đi xe máy qua đây. Có trường hợp phải phanh gấp né.
Trên cầu Chương Dương, rất nhiều người đi xe máy vừa thồ hàng vừa tranh thủ dừng lại vứt tro khiến một số phương tiện phải phanh lại né tránh.
Một người đàn ông dừng ôtô trên cầu để thả cá gây ùn tắc giao thông trong ít phút.
Một phụ nữ dừng xe rồi bước xuống rũ cả bao nylon to chân hương, tro xuống sông.
Và nhiều vật dụng khác trên ban thờ.
Sau khi thả cá, thả tro, nhiều người dân vứt túi nylon vương vãi đầy lan can cầu.
Đường ống chạy dọc cầu bị bám đầy tro và những cành lộc từng được cắm trên ban thờ.
Bên bờ sông Hồng, rất nhiều bát hương, đồ thờ cúng bị bỏ lại.
Dọc theo mép sông, nhiều ban thờ cũ bị vứt trượt xuống bờ thay vì trôi chìm dưới nước.
Hoàng Gia Bảo - tình nguyện viên nhóm Cá chép cho biết mỗi ngày có hàng chục người mang bàn thờ ra nhờ các bạn trẻ này hoá thành tro.
Còn ở nhiều bãi đất gần khu dân cư ven sông, nylon bị chất thành đống lớn.
Gia đình cụ Cự, bà Quyên ở Đê La Thành (Hà Nội) rất coi trọng chuyện thờ cúng. Chiều 19/1, hai mẹ con cùng nhau làm cơm, hóa vàng và thả cá chép trước giờ Táo quân lên chầu trời.
Khắp các chợ lớn nhỏ, cảnh chọn trang phục Táo quân, cá chép đỏ diễn ra tấp nập. Các mặt hàng như gà, vàng mã, cá chép, hoa quả, gia vị cũng bán đắt hàng, phục vụ người dân làm cỗ.
Trưa 19/1, nhiều người dân thủ đô đi thả cá chép sớm trước một ngày lễ tiễn Táo quân chầu trời. Hình ảnh tro, rác và túi nylon vứt khắp nơi lại tái diễn.