Tối 1/6, tôi đọc được thông tin TAND quận 1 (TP.HCM) đang giải quyết vụ kiện giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Giàu (Chủ tịch Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây) và bị đơn là bà Nguyễn Phương Hằng (Chủ tịch Công ty Cổ phần Đại Nam).
Theo thông tin trên báo chí, bà Giàu tố bị đơn thường xuyên nhắn tin xúc phạm, mang tính chất đe dọa. Nguyên đơn cũng cho rằng bà Hằng livestream xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của bà Giàu.
Tôi thắc mắc theo luật hiện hành, nếu ai đó có hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác thì bị xử lý ra sao?
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật Chính Pháp
Pháp luật quy định mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, được bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của bản thân đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, quan điểm đó phải trên cơ sở pháp luật, tôn trọng các quyền tự do cơ bản khác của công dân.
Các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, quyền được bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, quyền được bảo vệ về danh dự nhân phẩm... Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng có nhiều quy định để bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.
Về xử phạt hành chính: Nếu ai đó xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, xúc phạm danh dự nhân phẩm, vụ khống, bịa đặt, xuyên tạc thông tin về người khác mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, thì người vi phạm bị phạt 100.000-300.000 đồng, theo Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ.
Trường hợp cá nhân xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội (như lợi dụng livestream để làm việc này) thì có thể bị phạt hành chính từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, theo Điều 101 Nghị định số 15/2020.
Về chế tài hình sự: Người nào biết rõ là thông tin không đúng sự thật nhưng vẫn cố tình lan truyền, bịa chuyện nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sức khỏe của nạn nhân, thì có thể bị truy tố về tội Vu khống, theo Điều 156 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, tùy hành vi cụ thể và hậu quả gây ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý về các tội Làm nhục người khác, Truyền hoặc đưa trái phép thông tin mạng máy tính mạng viễn thông hoặc Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, khoản 1, Điều 584 Bộ luật dân sự cũng quy định người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Pháp luật cũng quy định không cá nhân nào được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để thay cơ quan chức năng quy kết ai đó có sai phạm. Ngoài ra, nghiêm cấm việc lợi dụng Internet, mạng viễn thông hay phương tiện điện tử để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bình luận