Vụ việc bé K. (học sinh lớp 6) bị mẹ ruột là bà L.T.H.T. (31 tuổi, ngụ phường 5, quận Phú Nhuận) bạo hành đã gây bức xúc trên mạng xã hội.
Theo nội dung clip được đăng tải tối 23/3, khi bé gái ngồi trên ghế thì bị người phụ nữ dùng dép, ghế nhựa đánh tới tấp vào người. Nạn nhân không phản kháng, ôm đầu chịu trận.
Được biết khi tiếp nhận sự việc Công an quận Phú Nhuận đã nhanh chóng vào cuộc, lấy lời khai các bên liên quan, thu thập chứng cứ để làm rõ các hành vi sai phạm, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện tổ công tác quận yêu cầu tạm thời cách ly bà T. với con gái để bảo đảm an toàn tạm thời cho cháu bé. K. được giao cho dì ruột bảo vệ, cam kết không để mẹ tiếp tục đánh.
Trước đó, tại thời điểm làm việc, tổ công tác của địa phương ghi nhận K. có hiểu hiện bình thường, trầy xước nhẹ và đau ở vùng đầu.
Nhà chức trách đã đưa bé gái đi thăm khám tại Bệnh viện quận Phú Nhuận. Theo nhận định của bác sĩ, K. ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt; còn đau ít vùng đầu bên trái, đau ít vùng cổ tay và bàn tay trái; vùng thái dương lệch trái sưng nhẹ, không bầm tím, không vết thương hở; xước nhẹ ngoài da tự cầm máu đốt 2, ngón 3 bàn tay trái.
Làm việc với lực lượng chức năng, bà T. và 3 người dì sống chung với K. đều khẳng định không có việc bé gái bị bạo hành trong suốt 4 năm sống cùng mẹ như một số thông tin đồn thổi. Những người này nói rằng K. chỉ bị bà T. đánh khi sai phạm hay không vâng lời.
Tuy nhiên, bà T. thừa nhận trong quá trình nuôi dạy con đã có những lúc nổi nóng. Người phụ nữ giải thích do áp lực mưu sinh và một số vấn đề khác trong cuộc sống nên đã có hành động không đúng.
Căn nhà xảy ra vụ việc bé gái bị mẹ bạo hành. Ảnh: Lê Trai. |
Theo dõi vụ việc, luật sư Đào Thị Bích Liên (Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự) cho biết vụ việc đang được dư luận đặc biệt quan tâm vì liên quan đến việc bạo hành trẻ em. Công an phường, quận cần tiếp tục phối hợp lấy lời khai của các bên liên quan, thu thập chứng cứ hiện trường, giám định thương tích trên người bé... để làm rõ các hành vi sai phạm.
Theo luật sư Liên, đối với hành vi đánh đập, hành hạ, mang tính chất xâm phạm thân thể hoặc đối xử tồi tệ với trẻ em đều là các hành vi xâm hại quyền trẻ em, mang tính bạo hành trẻ em bị pháp luật nghiêm cấm.
"Tuỳ theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi bạo hành xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cho con trẻ", nữ luật sư nêu quan điểm.
Về xử phạt hành chính đối với hành vi bạo hành con cái, theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình, mức xử phạt từ 5 triệu đến 20 triệu đồng như: Đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình, Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
Về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, căn cứ vào tính chất của từng sự việc ngược đãi, hành hạ trẻ em mà người phạm tội có thể bị xử phạt với các tội khác nhau.
Cụ thể: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 Bộ luật Hình sự: Cha mẹ có hành vi thường xuyên làm cho con, cháu (dưới 16 tuổi) bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tù 2-5 năm.
"Như vậy, đối với hành vi bạo lực gia đình mà cha mẹ đánh đập con cái tùy theo tính chất mức độ có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự", luật sư Liên nói.