Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên sân khấu kịch

Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp không chỉ xuất hiện trong các thước phim tư liệu mà hình ảnh của ông còn được xây dựng trong các vở kịch, vở chèo lịch sử.

Màn kịch Cách mạng trong chương trình Đêm hội mừng 350 năm Khánh Hòa

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới (1950).

Chương trình được tổ chức tại thành phố biển Nha Trang năm 2003. Đây là lần thứ hai diễn viên kịch Trịnh Mai Nguyên được đóng vai Tướng Giáp. Trước đó, anh từng được mời thể hiện hình tượng của bác Giáp trong phim Leclerc của đạo diễn Marco Pico.

Chia sẻ về vai diễn này, diễn viên Trịnh Mai Nguyên cho biết khó khăn lớn nhất của anh là giọng nói. Tướng Giáp sinh ra ở Quảng Bình nên có chất giọng rất đặc biệt mà một người Hà Nội như anh khó thể hiện được. Tuy chưa bao giờ được gặp bác Giáp và thậm chí Đại tướng cũng không biết Mai Nguyên đã đóng mình trong Leclerc nhưng nam diễn viên vẫn rất tự hào về những vai diễn của mình: "Được vào vai Tướng Giáp, một nhân vật thông tuệ và tài năng quả là tự hào vì không phải diễn viên nào cũng được giao vai này".

Chương trình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên

Hình tượng Tướng Võ Nguyên Giáp do diễn viên Trịnh Mai Nguyên thể hiện.

Chương trình do nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết kịch bản và NSƯT Trịnh Lê Văn chịu trách nhiệm dàn dựng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên có lẽ còn là chương trình kết hợp sân khấu và điện ảnh có đông nghệ sĩ tham gia nhất từ trước tới nay. Hơn 300 diễn viên thuộc Đoàn Kịch Nam Định, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (Thanh Hóa), Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Quảng Bình... cùng góp mặt trong chương trình được công chiếu và tường thuật trực tiếp trên VTV vào năm 2011.

Người thể hiện vai diễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn trẻ là diễn viên Trịnh Mai Nguyên (Nhà hát Kịch Việt Nam). Đây là lần thứ 3 anh thể hiện hình tượng của người anh hùng dân tộc trên sân khấu.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, đây là chương trình đầu tiên kết hợp yếu tố sân khấu và điện ảnh để làm nổi bật hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các bối cảnh được thiết kế đồng bộ, mang tính sân khấu nhưng vẫn có yếu tố của điện ảnh. Phần âm nhạc của chương trình mang đậm chất dân ca miền Trung bởi Đại tướng sinh ra ở mảnh đất Quảng Bình nắng gió.

Vở chèo Mệnh lệnh thần kỳ

Hình tượng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vở chèo Mệnh lệnh thần kỳ.

Năm 2009, sau thành công của việc khắc họa hình tượng Bác Hồ trong vở Những vần thơ thép, hai tác giả TS Trần Đình Ngôn và đạo diễn NSND Bùi Đắc Sừ lại cùng nhau đưa hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên sân khấu qua vở chèo Mệnh lệnh thần kỳ. Thế nhưng, dựng hình tượng Võ Nguyên Giáp hát chèo khó khăn hơn rất nhiều khi xây dựng hình tượng Bác trong nghệ thuật hát chèo. Lý do là bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh có cốt cách của một nhà nho, lại có phong thái gần gũi với các nhân vật trong chèo truyền thống như Nguyễn Trãi, Chu Văn An, còn Đại tướng ở vị trí nhà binh khó có thể làm nổi bật ông ở những góc độ khác

Trong vở diễn, các tác giả đã tận dụng tối đa ngôn ngữ tự sự của chèo để từ đó diễn đạt được không gian, thời gian một cách nhuần nhuyễn. Tác giả Trần Đình Ngôn từng chia sẻ: Chọn thời điểm và giai đoạn hoạt động cách mạng nào của Đại tướng để xây dựng một hình tượng cho nghệ thuật chèo là điều chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ. Rốt cuộc chỉ thấy có giai đoạn thuận nhất có thể viết cho chèo, đó là giai đoạn Đại tướng thay đổi chiến lược trong trận đánh lịch sử ở cánh đồng Mường Thanh. Quyết định từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc thắng chắc” là một mệnh lệnh có ý nghĩa lớn, nó là sự thật nhưng như có sức mạnh siêu nhiên, thần kỳ.

Bằng lối diễn dung dị, chân thật kết hợp với những làn điệu chèo ngọt ngào, nghệ sĩ Vũ Ngọc Hưng đã thuyết phục được người xem khi diễn tả hình tượng của vị tướng có tài thao lược.

Quỳnh Anh

Bạn có thể quan tâm