Hồi tháng 10, Sở Văn hóa TP.HCM tiết lộ về kế hoạch tổ chức lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô 2019. Lễ hội Hò dô được tổ chức theo mô hình của các lễ hội âm nhạc lớn trên thế giới như JavaJazz, EXIT, Coachella... Thông tin đã thu hút sự quan tâm của khán giả yêu nhạc.
Sau nhiều tháng chuẩn bị, chương trình chính thức diễn ra vào 19h ngày 13/12 tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM và kéo dài trong 3 ngày. Ngoài không gian âm nhạc, khán giả sẽ có cơ hội tham gia nhiều hoạt động văn hóa, ẩm thực bên lề sự kiện.
Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM - Hò dô 2019 được khai mạc vào chiều 13/12. |
Danh sách nghệ sĩ tham gia chương trình đã được tiết lộ qua các phương tiện truyền thông của chương trình. Theo đó, ngày diễn đầu tiên 13/12 sẽ có sự góp mặt của Saigon Pop Orchestra và Lê Thanh Tâm, ESSE - Quintet, Vocal Temple, Japanese Drum Team SAI.
Ngày tiếp theo là tâm điểm của lễ hội với các nghệ sĩ La Chiva Gantiva, The Chillies, Cheeze, Moskapella, Yellow Star và Vietnam Allstars Band. Ngày thứ ba của sự kiện sẽ có phần trình diễn của Cá Hồi Hoang, Ricky and The World Ensemble, SG048, Wildrunner, The Cosmopolitant Urbane, Asia Music Ensemble Project, Nguyên Lê Band.Đáng chú ý nhất trong danh sách nghệ sĩ là Vietnam Allstars Band. Đây là ban nhạc được thành lập riêng cho Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM - Hò dô 2019 gồm các nhạc công nổi tiếng trong nước: Hoài Sa, Dũng Đà Lạt, Hồng Kiên, Anh Quân, Phan Thanh Tân, Nguyễn Quân… Chiều 12/12, ban nhạc đã có buổi tập luyện cùng hai giọng ca Thu Minh, Hồ Ngọc Hà.
Cũng như các lễ hội âm nhạc quốc tế nói chung, Hò dô 2019 sẽ diễn ra trong một không gian mở. Do vậy, khu vực biểu diễn trước sân khấu chính sẽ được bán vé và kiểm soát khách mời ra, vào. Ngoài ra, toàn bộ không gian còn lại của lễ hội kéo dài dọc suốt phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ là khu vui chơi tự do của mọi người.
Hồ Ngọc Hà và Thu Minh sẽ song ca cùng sự hỗ trợ của ban nhạc Vietnam Allstars. |
Để giúp những khán giả chưa có điều kiện chứng kiện trực tiếp tại sân khấu chính, ban tổ chức đã bố trí dàn âm thanh tiếp nối chạy suốt con đường. Chính vì thế, dù không thể quan sát quan sát nghệ sĩ trên sân khấu, khán giả vẫn có thể thưởng thức âm nhạc một cách trọn vẹn.
Trước đó, ban lãnh đạo Sở Văn hóa TP.HCM cho biết việc đầu tư vào Lễ hội Âm nhạc Quốc tế thường niên Hò Dô được coi như quyết định “muộn còn hơn không”. Bởi một nền kinh tế âm nhạc phát triển mạnh mẽ có khả năng thúc đẩy giá trị cho địa phương ở nhiều khía cạnh. Hoạt động mang tính chất tinh thần này có thể tạo công ăn việc làm, giúp tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch và tạo thành thương hiệu riêng của địa phương tổ chức.
TP.HCM đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi sẵn có để trở thành một “Thành phố âm nhạc” đúng nghĩa. Nếu kế hoạch thành công, Hò Dô sẽ tạo ra khối lượng lớn việc làm cho người dân, đồng thời cải thiện chất lượng sống, thúc đẩy văn hoá cộng đồng và phát triển kinh tế, du lịch.