Hồ Ngọc Hà trong mắt những người thân
Thay vì trò chuyện với Hà, chúng tôi tìm đến những người bạn, những đồng nghiệp của cô, để cùng phác ra chân dung một người đẹp hát và không chỉ thế, bằng một cái nhìn đa diện.
Vì để có được ngày hôm nay, Hà và êkip của cô là một minh chứng sinh động về cái gọi là “khi người ta trẻ”, về nỗ lực khẳng định những giá trị nằm ngoài nhan sắc, tính bài bản chuyên nghiệp mà thị trường âm nhạc ở ta luôn thiếu...
“Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp” là câu nói mà một dạo người ta thường dùng để nói về Hồ Ngọc Hà, còn lúc này, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nói khác: “Hãy cổ súy cho nàng vì nàng (không chỉ) đẹp...”?
Hồ Ngọc Hà |
Nhạc sỹ Huy Tuấn: "Hà đã đóng tròn vai của mình"
Là nhà sản xuất đầu tiên đã sớm nhìn ra và giúp định hình ở Hồ Ngọc Hà con đường trở thành một ngôi sao giải trí, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng điều đáng mừng mà cũng đáng lo nhất ở cô ca sĩ chân dài này đó là: hiện nay Hà đã chạm đến đỉnh. Và vì vậy, đây chính là thời điểm chứa đựng nhiều thách thức nhất với Hà với áp lực trụ hạng và làm mới.
“Hà có một chất giọng hiếm”
- Hãy nhớ lại vạch xuất phát điểm ban đầu của Hà, lúc cô ấy rụt rè gõ cửa nhà sản xuất Huy Tuấn?
- Thời điểm đó cách đây khoảng 5-6 năm rồi. Lúc đó, tất cả những gì tôi (cũng như nhiều người) biết về Hồ Ngọc Hà chỉ vẻn vẹn: đây là một “chân dài” có tham gia đóng phim. Thế rồi qua một người bạn của tôi, Hà tìm đến với lời đề nghị giúp Hà thực hiện album đầu tay.
- “24 h & 7 ngày”?
- Ừ, đó chính là album đầu tiên đã đưa Hà đến với sân khấu ca nhạc. Cảm giác đầu tiên của tôi là ngạc nhiên, vì lúc bấy giờ làn sóng các ca sĩ “Bắc tiến” làm album không rầm rộ như sau này, mà Hà thì lúc ấy đang ở Sài Gòn. Tại thời điểm ấy, khái niệm về một ngôi sao giải trí dù đã phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn là điều lạ lẫm ở ta (điều mà sau này Hồ Ngọc Hà và êkip của cô sẽ trả lời). Có chăng thì chỉ mới thấy rộ lên trào lưu “Người đẹp hát” tại Tp.HCM.
Lúc đầu tôi đoán chắc Hà cũng chỉ định ra album hát chơi theo mốt, nhưng sau lại nghĩ: Thế thì làm gì đến nỗi Hà phải mất công đánh đường ra Hà Nội? Lại nghe nói Hà từng học piano tại trường ĐH VHNT Quân Đội nữa (một thuận lợi rất lớn để đến với nghề hát) nên dần già tôi tin cô này rõ ràng không chỉ là những gì mình biết. Chưa nói, cô ấy lại còn rất đẹp nữa.
- Ấn tượng đầu tiên của anh sau màn “thẩm âm”?
- Thoạt tiên, Hà nhờ tôi nghe một hai bài hát cô ấy thu trong Sài Gòn. Lấy làm mừng là Hà may mắn sở hữu một chất giọng khá hiếm (âm vực trầm thường rất hiếm có ở giọng nữ). Hơn thế, lại còn có sẵn nhịp điệu, tiết tấu trong người (kết quả của những năm học piano) - điều mà nhiều ca sĩ tay ngang nhà mình thường rất yếu. Hà lại tỏ ra rất thông minh khi biết ứng dụng những kiến thức nhạc lý được học vào chất giọng hiếm ấy.
Cộng thêm yếu tố ngoại hình, Hà ngay lập tức cho tôi mường tượng về một hình mẫu ngôi sao giải trí nếu gặp được êkip tốt. Tất nhiên lúc đấy Hà cũng mới chập chững đi hát, nên cũng còn nhiều thứ ngây ngô lắm, gần như xa lạ với kỹ thuật lấy hơi, tiết chế hơi... Bởi vậy, yêu cầu đầu tiên tôi đặt ra là hãy trở lại Sài Gòn và học cho tôi vài tháng thanh nhạc, trước khi bắt tay thực hiện album.
- Sâu xa, anh nghĩ vì sao Hà muốn chuyển sang ca hát, trong khi đang là một gương mặt sáng giá trên sàn catwalk?
- “Ca” này tôi thấy có vẻ giống... Jennifer Lopez. Nghĩa là có tham vọng làm ca sĩ từ lâu, nhưng chọn đi đường vòng: làm người mẫu, diễn viên... chán rồi mới quay lại với sở thích chính của mình, khi có điều kiện.
“Sức hút của một “diva” nằm ở chỗ khác”
- Từng quen “chuốt giọng” cho những giọng hát “đẳng cấp” hơn nhiều, vậy mà anh không dị ứng trước một trường hợp vỡ lòng về thanh nhạc sao?
- Khi nghe nói tôi nhận lời làm producer cho Hà (thực sự thì đây cũng là cơ hội đầu tiên tôi dành cho một ca sĩ tay ngang), có một “diva” gạo cội, gặp tôi riết róng can: “Này Tuấn, thôi đừng làm “mẫu với mẽo” gì, mà có lỡ nhận làm rồi thì cũng nên giấu tên đi!”.
Xúi Hà đi học thanh nhạc, ngoài việc đưa ra một yêu cầu thiết yếu, tôi đồng thời cũng coi đó là một phép thử về độ nghiêm túc và say nghề của Hà, để biết thực sự cô ấy có tham vọng (theo nghĩa tích cực) trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp hay không hay chỉ định làm chơi. Nếu là làm chơi thì... đi chỗ khác chơi vì tôi không có thời gian.
- Có cảm giác một số “diva” thường dành cái nhìn ác cảm cho các ngôi sao giải trí, khi mà một đằng thì tự cho mình được đào tạo bài bản, lao động nghiêm túc và đủ sức đi đường trường hơn, một đằng thì bị cho là “hớt váng”, là thiên về “yếu tố nhìn” và ăn may vào công nghệ lăng xê?
- Tôi không cho là các “diva” đều có ý nghĩ như vậy. Bởi những người hiểu biết thì luôn biết đuợc khán giả của mình là ai, chỗ đứng của mình ở đâu. Sự ác cảm nếu có là hoàn toàn vô lý khi nó thiếu đi sự hiểu biết thấu đáo về một môi trường âm nhạc chuyên nghiệp - nơi mà ở đó phải có đầy đủ mọi thứ: mọi thể loại âm nhạc, mọi phong cách, mọi dạng thức của một ngôi sao...
- Không ít chương trình mà “diva” và các ngôi sao giải trí như Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng… tình cờ đứng chung sân (như giải Cống hiến 2008 chẳng hạn) và sự đổ dồn của công chúng thường là tập trung vào các ngôi sao giải trí khi rõ ràng họ thường “ăn đứt” về… ít nhất là vóc dáng, chiều cao, khiếu ăn mặc, độ hot… Sự ác cảm, biết đâu cũng có thể xuất phát từ một thoáng mặc cảm, chạnh lòng?
- Tôi nghĩ không thể so sánh thế được vì sức hút của một diva nó nằm ở chỗ khác. Sự đổ dồn của khán giả vào các ngôi sao giải trí không có nghĩa “diva” không có chỗ đứng trong lòng họ. Nếu như không muốn nói chính các “diva” mới là những người làm cho buổi lễ trao giải ấy trở nên hoàn hảo hơn.
Hãy thử tưởng tượng cái buổi lễ trao giải trang trọng ấy, mà nếu chỉ toàn các ngôi sao giải trí, thì nó sẽ thành cái gì nhỉ? Các “diva”, tôi nghĩ, và hẳn tự họ cũng hiểu, họ gánh một sứ mệnh khác, còn các ngôi sao giải trí thì có nhiệm vụ khác. Đó không chỉ là chuyện của riêng “cô và tôi” mà xa hơn nữa, là nhìn nhận của toàn xã hội về diện mạo của một thị trường âm nhạc.
“Phong độ là nhất thời”?
- Công thức thành công của Hồ Ngọc Hà, theo anh, nếu tính trên thang điểm 100?
- 50 cho êkip, 30 cho chất giọng, 10 cho vũ đạo và 10 cho lăngxê. Ngoài ra thì việc lựa chọn đúng thể loại và xác định đúng đối tượng cần hướng tới cũng rất quan trọng, nhất là với những bước đi đầu và đối với một ngôi sao giải trí.
- Theo một thống kê của nhacso.net thì Hồ Ngọc Hà được anh đáp ứng nhiều đơn đặt hàng ca khúc nhất. Có chuyện “nàng thơ” thì dễ khơi gợi cảm hứng hơn không?
- Chắc chắn rồi nhé, vì làm sao tôi có thể có câu trả lời khác khi mà nói khác sẽ... chẳng ai tin.
- Ít ra thì khi sáng tác, hình dung về sự duyên dáng của người hát trên sân khấu cũng đã đủ “khiến ta vui rồi”?
- Cái đó thì bắt buộc phải có trong đầu nhạc sĩ khi sáng tác rồi! Càng quan trọng với một nhà sản xuất!
- Năm ngoái, khi Hồ Ngọc Hà được chọn trao giải Cống Hiến (và lại tiếp tục được coi là một ứng cử viên nặng ký của giải Cống Hiến năm nay), có một diva đã băn khoăn: Giải liệu đã được trao đúng người, vì khó mà nói rằng một ngôi sao giải trí lại có cái gọi là “cống hiến” được - chữ đấy nó “to” hơn nhiều, “vĩ đại” hơn nhiều chứ? Chưa kể, còn có không ít ngôi sao giải trí sẵn sàng “cống hiến” cho khán giả những… màn hát nhép?
- Tôi nghĩ ngay cả các “diva”, dù nội lực và sung sức đến đâu, thì cũng vẫn phải có những quãng lặng nghỉ ngơi để lấy sức phi đường trường tiếp. Vậy thì trong lúc họ nghỉ ngơi, cũng phải có ai đó làm việc chứ? Giải thưởng thuộc năm nào thì sẽ ghi nhận kịp thời nỗ lực của những người làm việc cật lực trong năm đó, không phân biệt anh là “diva” hay ngôi sao giải trí. Tôi thấy thế là hợp lý.
- Anh thấy 2008 của Hồ Ngọc Hà có “ngon” bằng 2007, liệu có đủ sức giật tiếp giải Cống Hiến?
- Tôi thấy ngang nhau. Cô ấy vẫn ở chỗ đấy, vẫn xuất hiện ở những “chiếu” đấy và luôn đóng tròn vai của mình. Như vậy là cũng có cái để đánh giá rồi!
- Chứ không phải 2008 của Hồ Ngọc Hà thiên về danh hiệu “nữ hoàng quảng cáo” hơn là “ngôi sao ca nhạc” sao?
- Các nhãn hàng họ chẳng phải “gà mờ” đâu để đổ tiền vào một cái tên mà độ hot của nó không giúp mang lại lợi nhuận cho họ!
- Anh nghĩ sao về quan niệm: các ngôi sao giải trí thì khó mà đi đường dài như các “diva”, cái gì có dễ thì cũng mất dễ? Có thể xem Hồ Ngọc Hà là một ngoại lệ?
- Cái đó thì phải mượn câu của bóng đá thôi: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Tuy nhiên, để giữ được phong độ không thôi, cũng đã cần phải đổ sức nhiều lắm. Trường hợp của Hà, tôi nghĩ sẽ phụ thuộc nhiều vào những quyết định của cô ấy và êkip trong những bước đi tiếp theo.
“Thời điểm thách thức nhất: Chạm đỉnh”!
- Anh có nhận thấy có sự thay đổi về thái độ làm việc của Hà trước và sau khi nổi tiếng?
- À, chắc chắn rồi! Trước thì tất nhiên cô ấy còn phải dựa nhiều vào cộng sự, sau thì rõ ràng cô ấy đã vững vàng hơn và cũng đã tham gia rất nhiều vào những quyết định kiến tạo nên sự nghiệp của mình.
- Trạng thái tự bằng lòng hay ngược lại, là áp lực trụ hạng thường là mặt trái của việc “chạm đỉnh”. Anh có lo cho Hà điều đó?
- Tâm lý và áp lực đó, tôi nghĩ không chỉ có ở Hà mà phàm những ai là ngôi sao đang đứng ở đỉnh cao. Sự tỉnh táo vì vậy là điều cần có. Tôi nghĩ Hà lúc này quả đúng là đang chạm đỉnh của mình và bây giờ mới là lúc phải đối diện với những thách thức lớn nhất cho sự nghiệp của cô ấy.
- Sự hợp tác giữa Đức Trí và Hồ Ngọc Hà vẫn được duy trì ngay cả khi hai người đã đôi đuờng. Có lo ngại rằng: Đó có thể chỉ là những cố gắng gắng gượng và khó lâu dài. Anh có nghĩ thế?
- Tôi hy vọng là không thế, bởi nếu thiếu đi một người quan trọng trong êkip, sẽ rất không tốt cho sự nghiệp của Hà. Dù quả thật là khó để tách bạch chuyện tình cảm và công việc. Thế nên tôi cũng chỉ dám hy vọng thôi, khi biết rằng, ít nhất là cho đến thời điểm này, họ vẫn đang hợp tác tốt. Có chăng là nó sẽ bớt đi sự bay bổng mà chỉ có tình yêu mới mang lại được. Tuy nhiên, tôi tin, những producer chuyên nghiệp thì thường vẫn biết cách làm cái tốt nhất có thể.
- Anh có nghĩ khi một người phụ nữ quá đẹp thì những cám dỗ ngoài công việc cũng có thể dễ làm cho họ có lúc phai nhạt chí làm nghề, nhất là với một nghề có tuổi thọ không cao này?
- Nếu một người chỉ có sắc đẹp thì việc đấy hoàn toàn có thể hiểu được nhưng tôi nghĩ vấn đề là Hà có đủ tham vọng (vẫn theo nghĩa tích cực) nên tôi hy vọng cô ấy có thể làm khác.
- Không ít hành xử đã bị cho là “lỗi phông” ở Hà trên hành trình hoàn thiện một mẫu người của công chúng. Nếu cần chỉ ra một điểm yếu đáng tiếc nhất ở Hồ Ngọc Hà, anh có nghĩ đấy là ba chữ: phông văn hóa?
- Cái gọi là phông văn hóa theo tôi không thể có trong ngày một ngày hai được. Hà còn trẻ và còn cả một quãng đường dài để trau dồi cho mình những tri thức cần thiết, vậy hãy cho cô ấy thời gian nhỉ?
- Không hề có chuyện “lỗi phông” đó ở Mỹ Linh ngay cả khi diva này còn rất trẻ!
- Thì cũng chính vì thế mà Mỹ Linh mới có được chỗ đứng bền lâu như vậy trong lòng công chúng và xứng đáng là một “diva”. Ai tôi nghĩ cũng cần có thêm thời gian để hoàn thiện mình, mặt này hay mặt khác. Hơn nữa, có thể cũng còn vì ở thời điểm ấy của Linh, báo chí và dư luận cũng không hay chăm sóc các ngôi sao ở mức “đặc biệt” như hiện nay chăng? Không ngoại trừ!
Nhạc sĩ Dương thụ: "Trên sân khấu giải trí Hà được điểm 10 còn để thưởng thức điểm 6!"
“Hà có giọng dễ “gây nghiện”, nhưng không mạnh về nội tâm”
- Ngồi ghế giám khảo nhiều cuộc thi âm nhạc, anh cho điểm về giọng hát của ca sĩ Hồ Ngọc Hà như thế nào?
- Tôi biết Hà khi Huy Tuấn làm album đầu tiên cho cô. Tuấn khen Hà đẹp và hát hay lắm. Hy vọng đấy sẽ là một phát hiện. Quả thực tôi không có ấn tượng nhiều về vẻ đẹp của cô.
Điều mà tôi chú ý chính là việc Hà có 7 năm học piano tại trường Nghệ thuật Quân đội và khá nhạy cảm với tiết tấu, nhất là lại có chất giọng khá đặc biệt (giọng nữ trung hơi khàn khàn), loại chất giọng dễ “gây nghiện” phù hợp với nhạc nhẹ. Chừng ấy có thể là quá nhiều nhưng... vẫn chưa đủ để trở thành ca sĩ ngôi sao.
Tôi làm việc nhiều với ca sĩ. Khi nghe Hồng Nhung hát Papa tại Nhà hát lớn Hải Phòng năm cô 16 tuổi, tôi lặng lẽ đứng đằng sau cánh gà sống mũi cay xè, còn người khác đã khóc. Một cái gì đó trong nội tâm của cô gái bé nhỏ này thật mãnh liệt và thật trong sáng.
Thanh Lam, Mỹ Linh, Khánh Linh, Nguyên Thảo cũng thế, tuy mỗi người một vẻ nhưng họ đều có “một cái gì đó” kiểu như Hồng Nhung làm cho tôi phải lắng nghe họ.
Đến với họ từ lúc họ còn vô danh nhưng tôi luôn tin họ sẽ trở thành như những gì tôi tiên đoán, mặc dù họ không biết chơi piano, không có nhan sắc kiều diễm, không có chất giọng dễ “gây nghiện” như Hồ Ngọc Hà. Chất giọng, trình độ âm nhạc chỉ là những điều kiện cần phải có về mặt chuyên môn. Có nó có thể trở thành ca sĩ nhưng không thể là một ngôi sao lớn.
Cái nội tâm âm nhạc mà người ta gọi là cái hồn của người hát mới quan trọng. Tôi nghĩ về mặt này, Hà không được mạnh lắm. Có thể là do Hà chưa thật sự có những bài hát hay để cô có thể bộc lộ nội tâm của mình.
“Hà là nghệ sỹ trình diễn hàng đầu của Việt Nam”
- Vậy nếu là khán giả thì sao?
- Tùy việc tôi là loại khán giả nào. Nếu tôi là loại khán giả đến với sân khấu ca nhạc chỉ để giải trí thì tôi cho Hà điểm 10, vì Hà là nghệ sĩ trình diễn hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Còn nếu tôi là loại khán giả đến để thưởng thức nghệ thuật, để nghe một ca sĩ hát thì Hà được điểm 6.
Tôi luôn có sự phân biệt giữa một ca sĩ thật sự và một nghệ sĩ trình diễn dù cả hai đều hát, bởi tôi đi NGHE ca sĩ hát và XEM nghệ sĩ biểu diễn. Xem hát không giống nghe hát dù khi hát có diễn và khi diễn có hát.
- Vậy anh nghĩ sao về những ngôi sao nghe - nhìn thế giới như Michael Jackson, Madonna?
- Đó là những ngôi sao vừa để nghe và vừa để xem. Họ vừa là ca sĩ vừa là nghệ sĩ trình diễn hàng đầu thế giới. Ở Việt Nam hiện tại chưa có ai làm được điều này.
"Hình mẫu của trào lưu cũng là một giá trị"
- Xu hướng của ca nhạc châu Á và Việt Nam hiện nay đang là XEM với phần trình diễn bốc lửa, sexy. Kênh MTV châu Á là một ví dụ. Và Hồ Ngọc Hà đang được xem là hình mẫu của trào lưu ngôi sao ca nhạc này ở Việt Nam. Anh nghĩ gì về hiện tượng này?
- Trào lưu này không phải là một trào lưu mang tính nghệ thuật, nó chỉ là cái cần phải như thế của công nghệ giải trí. Là hình mẫu của trào lưu này cũng nên xem như một giá trị. Trong cuộc sống cần có nhiều giá trị khác nhau, mọi giá trị đều có những cái hay riêng của nó. Chỉ có điều ta không nên lẫn lộn để rồi khen chê không đúng.
Chúng ta là những người nghèo, bây giờ có ít tiền đương nhiên là thích “ăn chơi nhảy múa”. Giải trí là một sự hưởng thụ tinh thần rất cần thiết, nhưng do túi tiền và vốn liếng văn hóa khác nhau nên cách “ăn chơi nhảy múa” cũng khác nhau.
Tôi không sống ở nước ngoài, không đọc sách báo nước ngoài nên không dám bình luận, nhưng ở trong nước trào lưu giải trí đang lấn lướt vì công chúng chủ yếu của nó là giới trẻ đang có khuynh hướng chạy theo lối sống hưởng thụ.
Những người kinh doanh nghệ thuật không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này. Các hãng sản xuất và thương mại tìm mọi cách lợi dụng nó để quảng bá sản phẩm, để bán hàng. Đây là một minh chứng cụ thể cho một nghịch lý ở nước ta hiện nay: Tiền càng nhiều thì văn hóa càng ít đi.
- Đã từng là nhà sản xuất hoặc đồng sản xuất dự án âm nhạc cho các “diva” Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, là người phát hiện và đỡ đầu cho Nguyên Thảo… nếu được mời là nhà sản xuất cho một ca sĩ như Hồ Ngọc Hà, anh sẽ làm gì?
- Chắc là tôi không dám nhận lời. Công nghệ giải trí là một lĩnh vực không dễ dàng đối với một người hoạt động âm nhạc như tôi. Hà rõ ràng đã là một ngôi sao của ngành công nghệ này. Chuyển hướng để cô ấy trở thành một ca sĩ như tôi quan niệm là việc không nên làm, vì như thế có thể làm hại cô ấy.
Để trở thành một ngôi sao như bây giờ chắc Hà phải trải qua rất nhiều thử thách, cô ấy hẳn đã biết rõ mình cần cái gì. Tôi đánh giá cao những thành công của Hà trong khu vực mà cô ấy đang là người hàng đầu.
Ca sĩ Siu Black: "Giọng của Hà tốt hơn những người đẹp hát"
Nếu giọng hát là ưu điểm số một của Siu Black, thì nó lại là thứ xếp sau cùng so với những ưu điểm vượt trội của Hồ Ngọc Hà. Nếu Hồ Ngọc Hà có một chiều cao mơ ước và những số đo chuẩn mực, thì Siu Black lại... phá tan mọi chuẩn mực đó. Nhưng đó không phải sự so sánh, mà là lí do để chúng tôi mời vị giám khảo Idol này đánh giá về hình tượng Hồ Ngọc Hà, dưới “góc nhìn” của một “đàn chị”.
“Đánh giá về Hà ư? Về ngoại hình, độ sáng sân khấu và... chiều dài của chân thì không thể nói được gì, vì cô này quá đẹp! Về chuyên môn, Hà có lợi thế khi bên cạnh luôn có một êkíp hùng hậu, đặc biệt là sự hậu thuẫn của nhạc sĩ Đức Trí. Nhờ đó, Hà làm việc chuyên nghiệp và biết mình hát kiểu gì thì hay. Tuy nhiên, hát live khác với hát lipsync. Hát live có cơ hội cọ xát, sẽ kiểm soát và nhận biết chính xác giọng hát của mình, còn thu âm rất tốt cho ca sĩ, nhưng nó sẽ làm ca sĩ đó mất thăng bằng.
Tôi nghĩ, Hà giống các người đẹp hát, nhưng giọng của Hà tốt hơn những người đẹp hát một chút, cùng sự chuyên nghiệp của bản thân và êkíp, cô ấy đã có một bước tiến dài so với các bạn cùng xuất phát điểm.
Sự máu lửa Hà cũng có rồi. Nhưng hát chỉ để đẹp thôi thì nhiều người làm được lắm, nên muốn chứng tỏ đẳng cấp, cần thoát khỏi hẳn chuyện người đẹp hát. Nên trau dồi, nên tích cực hát live để kiểm soát được giọng hát của mình. Tôi đã từng hát chung với Hà, và tôi biết, nếu Hà trau dồi giọng hát nhiều hơn, tôi tin cô ấy có thể tiến xa hơn nữa”.
NTK Công Trí: "Hà là bức tranh không cần thêm màu"
Một bức tranh, để sinh động hơn, đôi khi cần thêm chút màu này hay màu kia. Nhưng cũng có lúc chẳng cần thêm màu nào vì bấy nhiêu thôi cũng đã đủ làm lay động người xem. “Không cần thêm màu” cũng là quan điểm của tôi về “trường hợp Hồ Ngọc Hà”.
Tuy nhiên, không loại trừ, cũng có người có thể cho rằng: chiều cao và vóc dáng của Hà là phù hợp hơn với sàn catwalk, nhưng chưa hẳn đã là “khuôn thước” trên sân khấu ca nhạc. Nhưng theo tôi, dù có bình luận thế nào đi nữa, thì Hà vẫn luôn là một hình ảnh “hút hàng” trên sân khấu.
Ngắm Hà diễn, ai cũng hào hứng xem và đưa ra những lời nhận xét. Đối với một ca sĩ trẻ như Hà, thì ở khía cạnh nào đó, cô ấy đã thành công. Còn từ góc độ của nhà thiết kế, có lẽ không riêng gì tôi, đều hài lòng về chiều cao hiếm có của cô ca sĩ này.
Nhưng hơn cả chiều cao, đối với tôi, cái duyên trên sân khấu hay cái duyên trong hình ảnh mới quan trọng. Chúng ta đều biết, trước đây Hồ Ngọc Hà từng là nữ hoàng của các sàn catwalk, còn bây giờ, cô ấy là một ca sĩ thành công.
Tôi là nhà thiết kế trang phục độc quyền cho Hà, nhưng xây dựng một hình tượng, đó là quá trình của cả một ê-kip. Sự thách thức đối với chúng tôi là làm sao để luôn đưa ra sự mới mẻ và được công chúng đón nhận. Cũng may vì chúng tôi có Hà, một thân hình, một nhan sắc luôn tỏa sáng với bất cứ hình tượng nào, từ cổ điển, sang trọng, đến trẻ trung, bốc lửa...
“Đã được gọi là ngôi sao, thì không có ai là tầm thường cả. Và trong một show diễn, bất kể là của một diva hay ngôi sao giải trí thì cả 2 phần “nghe” và “nhìn” vẫn đều cần được tôn trọng như nhau”.
Đạo diễn Việt Tú: "2009 thời điểm thích hợp để Hà làm live show"
Như hầu hết live show khác ở ta, live show Hồ Ngọc Hà cũng đã không ít lần lỗi hẹn và lời hẹn mới nhất sẽ là vào tháng 6 năm nay. Việt Tú - người được “chỉ định” làm tổng đạo diễn live show cho rằng: 2009 là thời điểm thích hợp nhất để Hà làm live show khi sự nghiệp của cô đang phát triển theo đồ thị đi lên và đã đạt đến độ chín. Anh nói:
Sự lỗi hẹn có cái hay của nó. Vì ở năm 2006, sự phát triển về con người, chuyên môn và thương hiệu của Hồ Ngọc Hà chưa đạt được đến độ “chín” như lúc này. Độ chín ở đây theo tôi bao gồm: sự phát triển sự nghiệp một cách có bài bản (được đầu tư đúng hướng cả về chuyên môn, lẫn hình ảnh và giá trị thương mại) + sự phát triển về con người (so với cách đây mấy năm trước, Hà bây giờ đã “điềm đạm” hơn và điều này là rất cần thiết cho một nghệ sĩ) + sự phát triển về giá trị thương mại (bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy được giá trị thương mại của Hồ Ngọc Hà đã phát triển như thế nào từ năm 2006 tới nay)
- Có sự khác nhau không khi làm live show cho một “diva” và một ngôi sao giải trí? Phải chăng là một bên chú trọng phần nghe, bên chú trọng phần nhìn?
- Chẳng ai lại đi so sánh Madonna với Beyonce cả - giữa họ chỉ có một điểm chung duy nhất đó chính là những ngôi sao tài năng, mà sức hút do cái tên của họ có thể mang lại lượng khán giả cùng những giá trị thương mại khổng lồ cho nhà đầu tư, cũng như những chương trình nghệ thuật thực sự đẳng cấp cho khán giả.
Đã được gọi là ngôi sao, thì không có ai là tầm thường cả. Và trong một show diễn, bất kể là của một diva hay ngôi sao giải trí thì cả hai phần “nghe” và “nhìn” vẫn đều cần được tôn trọng như nhau.
Theo Đẹp |