Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Họ nói tôi hám fame khi tố cáo bị quấy rối'

"Làm lố", "giãy nảy" hay "hám fame" là những biệt danh mà nạn nhân quấy rối tình dục bị gán ghép khi dám đứng lên tố cáo sự việc.

Ngày 22/3, Thái Trinh lên tiếng về sự việc bị quấy rối bằng lời nói khi tham gia ghi hình cho một chương trình truyền hình.

Cụ thể, một nhân viên quay phim trên trường quay không chỉ bình phẩm về ngoại hình nữ ca sĩ 28 tuổi, mà anh còn so sánh động tác thử chuông của cô gái với hành động nhạy cảm.

ho bao toi lam lo khi len tieng bao ve ban than anh 1

Nữ ca sĩ Thái Trinh bị đổ lỗi ngược khi lên tiếng về vụ quấy rối. Ảnh: NVCC.

Các đồng nghiệp cùng vô số khán giả ủng hộ quyết định công khai sự việc, bảo vệ bản thân của Thái Trinh. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng phát ngôn nhạy cảm nhắm đến nữ ca sĩ của người đàn ông kia là “chuyện bình thường”.

"Làm lố", "giãy nảy" và "hám fame" là những biệt danh mà họ nhẫn tâm gán cho cô gái trẻ. Thậm chí, có người để lại bình luận động viên Thái Trinh rằng: "Mình đẹp thì người ta mới ghẹo đó, chứ xấu ai thèm. Vui vẻ lên em".

Có thể thấy, nạn victim blaming (đổ lỗi nạn nhân) tiếp tục gây nhức nhối dư luận mỗi khi có một vụ việc quấy rối tình dục được đưa ra ánh sáng.

Không chạm vào cũng là quấy rối

Nhiều người vẫn coi rằng những lời lẽ dung tục, đặc biệt trong môi trường làm việc, thường chỉ là trò đùa vô hại giữa con người với nhau. Họ khẳng định đó không phải hành vi quấy rối tình dục.

Tuy nhiên, UN Women (Cơ quan của Liên Hợp Quốc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái) định nghĩa rằng bất cứ hành động nào khiến cho người phụ nữ không thoải mái, đều là hành vi quấy rối, dù có đụng chạm vào cơ thể hay không.

"Từ những thứ rất đơn giản như cái huýt sáo khi bạn đang đi ngoài đường hoặc bạn bị nhìn với ánh mắt gợi dục, tò mò, khiếm nhã, đều bị coi là hành vi quấy rối", bà Lê Thị Lan Phương, chuyên gia quản lý dự án Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ thuộc tổ chức UN Women Vietnam, từng chia sẻ với Zing.

ho bao toi lam lo khi len tieng bao ve ban than anh 2

Mức độ tổn thương của nạn nhân quấy rối nên được xem xét nhiều hơn là bối cảnh diễn ra câu nói. Ảnh: Tolga Akmen/AFP.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam, vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu bởi phần đông cho rằng chỉ hiếp dâm mới là quấy rối.

Bên cạnh đó, sự phổ biến của quan điểm sai lệch "làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu" cũng góp phần khiến khái niệm "quấy rối tình dục" càng thêm xa vời trong xã hội.

Khi đề cập đến vấn nạn quấy rối qua lời nói, Chris Chancey, người sáng lập tổ chức nhân sự Amplio Recruiting có trụ sở ở Mỹ, nhận định: “Thứ chúng ta cần xem xét nhiều hơn là mức độ tổn thương của nạn nhân, chứ không phải ý nghĩa hay ngữ cảnh của câu nói. Một lời nói có thể là trò đùa với người này, nhưng lại là sự quấy rối với người khác”.

“Một số hành vi quấy không để lại dấu hiệu lạm dụng thể chất nhưng khiến nạn nhân khó chịu, tổn thương. Nhìn từ bên ngoài, chúng tưởng như vô hại, đến nỗi bản thân người trong cuộc cũng không dám tố cáo vì sợ bị coi là nhỏ nhen hoặc làm quá lên”, anh nói với Business News Daily.

Nạn nhân bị tổn thương nhiều lần

Vì muốn quên đi sự việc, hoặc cho rằng nó chưa nghiêm trọng, nhiều nạn nhân chọn không lên tiếng. Một số khác cảm thấy họ không có đủ bằng chứng về hành vi quấy rối, cũng như sợ bị tổn hại danh tiếng hoặc trả thù.

Theo đó, nạn nhân bị quấy rối khó tìm lại sự công bằng vì bị đối xử không tôn trọng, không nhạy cảm; buộc phải kể lại câu chuyện nhiều lần; trình báo bị từ chối, không được điều tra hoặc bị trì hoãn.

“Các thủ tục điều tra phức tạp và kéo dài cũng khiến nạn nhân bị tổn thương thêm”, Shailey Hingorani, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu và Vận động tại tổ chức AWARE, nói.

ho bao toi lam lo khi len tieng bao ve ban than anh 3

Nhiều người còn thiếu cảm thông với nạn nhân, sẵn sàng đổ lỗi ngược cho họ và đứng về phía thủ phạm. Ảnh: Getty.

Năm 2018, một nữ sinh 14 tuổi tại trường công lập Winchester (Canada) bị kẻ tấn công ghì chặt tay để cố gắng thực hiện hành vi cưỡng bức giữa công viên. Đáng nói, thủ phạm chính là nam sinh cùng trường.

Suốt một năm tiếp theo kể từ vụ việc đáng tiếc xảy ra, cô bé phải kể đi kể lại câu chuyện cho các quan chức nhà trường - những người vẫn còn nghĩ rằng cô bịa đặt.

Thế nhưng, cô bé bị bác bỏ đơn tố cáo chỉ vì video giám sát cho thấy nữ sinh từng mỉm cười với kẻ tấn công ở trường, trích báo cáo của quận. Các quan chức khẳng định đó không phải hành động của một nạn nhân bị quấy rối.

“Đó là khi tôi nhận ra rằng thay vì điều tra khiếu nại của tôi, họ lại điều tra tôi”, nữ sinh nói với New York Times.

Nhìn lại sự việc của Thái Trinh, nữ ca sĩ buộc phải sử dụng sức mạnh Internet để tự bảo vệ bản thân mình sau khi người chịu trách nhiệm chương trình không biết xử lý thế nào đối với sự cố đáng tiếc trên.

Thế nhưng, thay vì tập trung vào thực trạng quấy rối bằng lời nói trong môi trường làm việc để từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng, một bộ phận dân mạng lại chĩa mũi dùi về phía cô gái. Nó tạo ra cuộc tranh cãi không đáng có, đồng thời tổn hại thêm về mặt tâm lý với người bị hại.

Những nạn nhân quấy rối, vốn từ lâu bị "tắt tiếng" và phớt lờ, xứng đáng nhận được sự quan tâm của xã hội. Sự dũng cảm lên tiếng của họ nên được tôn vinh thay vì đổ lỗi ngược.

"Thay vì đổ lỗi cho những người xấu số, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ và nhìn nhận sự việc một cách khách quan, cảm thông hơn", Kendra Cherry, tác giả cuốn Everything Psychology Book, chia sẻ.

Làn sóng tấn công trực tuyến nhắm vào các nữ phóng viên

Không ít nữ phóng viên quyết định lùi lại để tự bảo vệ mình, thậm chí chọn rời bỏ ngành hoàn toàn.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm