Ngày 1/5, nhiều du khách đi bộ ngang qua hồ Xuân Hương, đoạn từ cầu Ông Đạo tới khu vực bến du thuyền đã có lúc phải nhăn mặt vì mùi tanh nồng nặc của cá chết phân hủy mạnh từ hồ theo gió thổi lên. Nữ du khách tên Thảo (TP.HCM) phàn nàn: “Không hiểu sao cá lại chết nhiều tới vậy. Sao người ta lại không vớt đem tiêu hủy mà để như thế gây ô nhiễm môi trường, làm xấu hình ảnh du lịch của Đà Lạt!".
Nhiều cá chết ở Hồ Xuân Hương thời gian gần đây.
|
Cá chết nổi lềnh bềnh, trôi dạt vào bờ, kéo dài từ trước khu vực Nhà văn hóa lao đông tỉnh Lâm Đồng tới khu vực cầu Ông Đạo, dài khoảng 2 km. Loại bị cá chết phần lớn là cá lóc, tiếp đó là cá chép, cá mè, lươn…, có con trọng lượng lên tới trên 1 kg.
Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra cho trường hợp này. |
Không chỉ có cá chết, hiện tại quanh bờ hồ Xuân Hương còn xuất hiện nhiều rác thải nông nghiệp do nước mưa kéo theo từ thượng nguồn đổ về. Thậm chí, hồ Xuân Hương, đoạn trước quảng trường Lâm Viên ngày 1/5 còn xuất hiện cả một bộ nội tạng động vật rất lớn, đang phân hủy và bốc mùi mạnh.
Dịp nghỉ lễ 4 ngày, quanh hồ đông khách tới nghỉ, dã ngoại và ăn uống, rồi xả rác bừa bãi tại chỗ, trong khi lực lượng vệ sinh môi trường không thể dọn dẹp kịp cũng góp phần gây ô nhiễm cho thắng cảnh nổi tiếng này.
Không chỉ xác cá, trên hồ còn xuất hiện nội tạng động vật chưa phân hủy tạo nên mùi hôi tanh khiến du khách phải bịt mũi. |
Nhiều người cho rằng số lượng lớn cá chết này vừa được người dân đem tới phóng sanh, trước khi thả xuống hồ cá đã rất yếu và chết ngay sau đó. Một nhóm người đi câu cá thư giãn trên hồ này lại cho biết, nguyên nhân cá chết là do bị một số người ban đêm thường dùng điện để kích đánh bắt khiến cá chết hàng loạt. Lại có người cho rằng những ngày qua Đà Lạt mưa lớn, nước mưa từ thượng nguồn đổ về kéo theo một lượng lớn vỏ thuốc bảo vệ thực vật về hồ này, dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm, cá bị ngộ độc.
Hồ Xuân Hương (chấm đỏ) trên bản đồ. Ảnh: Google Maps. |