Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch tay chân miệng

Hóa giải quan niệm kiêng tắm khi mắc bệnh

Kiêng nước, tránh gió là những hành động thiếu căn cứ khoa học nhưng vẫn được thực hiện ở nhiều gia đình, với cả người lớn và trẻ em khi mắc một số bệnh mùa hè.

Theo quan niệm cũ, nhiều gia đình Việt Nam vẫn tin rằng khi mắc các bệnh như thủy đậu, sởi, tay chân miệng... người bệnh sẽ phải kiêng tắm, hạn chế tiếp xúc với nước, tránh gió, thậm chí tránh một số loại thực phẩm nhất định. Tuy nhiên, với kiến thức y học ngày nay, quan niệm này đã không còn phù hợp.

Kiêng cho… yên tâm

Khoảng một tuần qua, bé Nhi (3 tháng tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) bỗng xuất hiện nhiều mẩn đỏ khắp mặt và vùng cổ. Qua lời kể của gia đình, suốt thời gian này, bé cũng thường xuyên quấy khóc, ăn kém hơn.

Mẹ bé Nhi, chị Nguyễn Thu Hường (28 tuổi), chia sẻ: “Khi đưa con tới khám tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bé bị nổi mẩn do nóng. Thời tiết mùa hè mấy ngày qua có thể là một phần nguyên nhân”.

Sau khi thăm khám, bé Nhi được cho điều trị ngoại trú với một số loại thuốc cùng các lưu ý liên quan việc ăn uống, vệ sinh. Tuy nhiên, song song với sự lo lắng, chị Hường nhận được những lời khuyên từ gia đình và hàng xóm cho rằng tạm thời nên tránh tắm cho bé, đồng thời hạn chế để con ra ngoài, tiếp xúc với gió.

kieng tam khi mac benh ngoai da anh 1

Bé Nhi xuất hiện các vết mẩn đỏ do thời tiết nắng nóng. Ảnh: NVCC.

“Tôi cũng không rõ thế nào nhưng vẫn làm theo cho yên tâm, dù sao cũng chỉ kiêng mấy ngày, không phải vấn đề gì lớn”, chị Hường thừa nhận.

Tương tự trường hợp của bé Nhi, Đỗ Thục Anh (1 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) cũng đã phải kiêng tắm 2 ngày kể từ ngày được chẩn đoán mắc tay chân miệng.

Chị Nguyễn Thục Linh (27 tuổi), mẹ bé Thục Anh, cho biết trước đó, con gái có biểu hiện nổi một số phỏng nước trên da ở vùng khuỷu tay, đầu gối. Bé được chẩn đoán mắc tay chân miệng mức độ một và có thể điều trị tại nhà.

Chị Linh kể: “Ngoài điều trị thuốc của bác sĩ, tôi cố gắng bổ sung nước cho con từ sữa, nước ép, tránh một số thực phẩm như măng, vải, xoài... và tạm thời hạn chế tắm. Tôi thấy mọi người trước giờ đều làm vậy nên làm theo”.

Quan niệm thiếu căn cứ

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội), khi bị ốm, cơ thể trẻ cần nhiều năng lượng hơn để chống lại bệnh tật và các yếu tố nhiễm khuẩn. Bản thân trẻ cũng có hiện tượng biếng và chán ăn.

Thời điểm này, việc cha mẹ tiếp tục cho trẻ ăn kiêng là hoàn toàn phản khoa học. Điều này khiến trẻ lâu khỏi bệnh hơn, khi kéo dài còn gây ra những nguy cơ về suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, một sai lầm khác của phụ huynh là kiêng tắm cho trẻ khi mắc sởi, thủy đậu, tay chân miệng hay các bệnh phát ban trên da nói chung. Thực tế, việc tắm lúc này không hề ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

"Trong những trường hợp trẻ nhiễm virus, đặc biệt là sởi, thủy đậu hay tay chân miệng, việc kiêng tắm trong thời gian dài khiến trẻ bị suy giảm miễn dịch, rất dễ mắc các bệnh về nhiễm trùng cơ hội", bác sĩ Trương Văn Quý khuyến cáo.

Ông lấy ví dụ trong trường hợp bệnh thủy đậu, nếu cha mẹ không chú ý vệ sinh tốt cho trẻ, chính những tổn thương trên bề mặt da sẽ trở thành nguồn lây để các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

kieng tam khi mac benh ngoai da anh 2

Thạc sĩ, bác sĩ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội), thông tin về nguy cơ khi kiêng tắm cho trẻ mắc bệnh thủy đậu, sởi. Ảnh: Quốc Toàn.

Không chỉ vậy, đối với những trẻ bị bệnh, nguy cơ bị nhiễm trùng cơ hội rất cao dẫn đến bùng phát hiện tượng viêm da, thủy đậu bội nhiễm... Các bệnh lý này khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.

Từ đây, bác sĩ Quý khẳng định: "Quan niệm về việc phải kiêng ăn, kiêng tắm khi trẻ ốm đã không còn chính xác ở thời điểm hiện tại".

Vị chuyên gia khuyến cáo dù trẻ bị tay chân miệng hay thủy đậu, chúng ta cũng không nên kiêng tắm cho trẻ bởi việc vệ sinh hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng giúp làm sạch cơ thể, đảm bảo vệ sinh và tránh nhiễm trùng cơ hội.

Theo bác sĩ này, hiện nay, chúng ta không có bất cứ thông tin khoa học nào nhắc đến việc phải kiêng tắm. Duy trì thói quen tắm bình thường giúp trẻ hạn chế được những nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp, viêm da...

Không chỉ vậy, thạc sĩ Quý còn khuyến khích việc cho trẻ tắm như hàng ngày, không thay đổi cách thức cũng như sản phẩm làm sạch.

"Nếu bình thường trẻ đang được tắm bằng xà phòng hay sữa tắm, khi trẻ bị bệnh, cha mẹ vẫn nên giữ nguyên loại xà phòng, sữa tắm đó", vị này nhấn mạnh.

Nguyên nhân là trong lúc ốm, trẻ sẽ có rất nhiều nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến dị ứng. Theo bác sĩ Quý, nhiều cha mẹ quyết định tắm cho con bằng nước lá thay cho sữa tắm với mong muốn con được an toàn hơn khi bị bệnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã xuất hiện dấu hiệu dị ứng với các thành phần nước lá sau khi tắm.

Ngoài ra, vấn đề dinh dưỡng cũng cần được các phụ huynh đặc biệt quan tâm. Cha mẹ không nên thay đổi chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị ốm bởi việc làm này có thể tạo thành yếu tố nhiễu trong việc chẩn đoán và điều trị. Đôi khi, việc thay đổi chế độ ăn, bắt trẻ ăn kiêng lại gây ra những vấn đề khác như tiêu hóa hay dị ứng khiến y bác sĩ khó phân biệt và xử lý các triệu chứng.

Cha mẹ nên cố gắng tạo cho trẻ môi trường và cảm giác thoải mái nhất khi bị ốm. Đồng thời, cha mẹ cũng nên cố gắng duy trì chế độ ăn đều đặn hàng ngày, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Trẻ có thể ăn các món dễ tiêu như cháo, sữa trong trường hợp biếng ăn do ốm. Cha mẹ nên bổ sung thực phẩm nâng cao sức đề kháng của trẻ như nước hoa quả, sữa chua.

Tắm đêm có phải là nguyên nhân gây đột quỵ?

Theo bác sĩ Thu Hà, tắm đêm muộn hay dùng nước quá lạnh không phải nguyên nhân gây đột quỵ nhưng chúng thúc đẩy các yếu tố nguy cơ khiến bệnh nặng hơn.

Thói quen dễ gây đột quỵ khi nắng nóng

Thời tiết nắng nóng, oi bức khiến nhiều người mệt mỏi. Những thói quen như uống ít nước, tắm hoặc nằm phòng điều hòa ngay khi đi nắng về có thể khiến nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Dịch tay chân miệng

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm