Kenza Layli - nữ influencer AI từ Morocco - trở thành Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Fanvue World AI Creator Awards. |
Với gần 200.000 người theo dõi trên Instagram và hơn 45.000 người theo dõi trên TikTok, Layli hoàn toàn là một sản phẩm do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, từ hình ảnh, chú thích, đến bài phát biểu nhận giải. Tại cuộc thi, Layli hy vọng đem đến “sự đa dạng và hòa nhập” cho những người sáng tạo AI, theo CNN.
“Chiến thắng cuộc thi Hoa hậu AI càng tạo động lực cho tôi tiếp tục công việc khơi gợi cảm hứng cho công nghệ AI", Hoa hậu AI Layli phát biểu qua video.
"AI không chỉ là một công cụ. Đó có thể là một lực lượng biến đổi có thể phá vỡ các ngành công nghiệp, thách thức các chuẩn mực và tạo ra những cơ hội chưa từng tồn tại. Khi chúng ta tiếp tục bước tiếp, tôi cam kết thúc đẩy sự đa dạng và toàn diện trong lĩnh vực này, đảm bảo mọi người đều có một vị trí trong công nghệ tiến bộ”, Layli khẳng định.
Cuộc thi Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới được tổ chức vào đầu năm nay đã thu hút khoảng 1.500 lập trình viên AI trên khắp thế giới, theo ban tổ chức Fanvue. Layli là sản phẩm của Myriam Bessa, người sáng lập công ty Phoenix AI.
Người sáng tạo ra Layli sẽ nhận được 5.000 USD tiền mặt và những công cụ hỗ trợ khác trên Fanvue để đẩy mạnh hình ảnh Hoa hậu AI.
Á quân cuộc thi là người đẹp AI Lalina Valina đến từ Pháp và Olivia C đến từ Bồ Đào Nha.
AI Lalina Valina (trái) và Olivia C (phải). Ảnh: Fanvue World AI Creator Awards. |
Trong khi những influencer ảo - như "robot" Lil Miquela của So-Cal hay Imma tóc hồng đến từ Nhật Bản - không phải điều gì mới mẻ, nhiều phiên bản thuộc thế hệ "cũ" cần có sự tiếp xúc của con người và được tạo ra bởi một nhóm copywriter và chỉ đạo nghệ thuật.
Những thí sinh của Hoa hậu AI không như vậy, chúng mang hình ảnh do các chương trình tạo ra như DALL·E 3, Midjourney hoặc Stable Diffusion của Open AI, đồng thời các bài phát biểu và bài đăng của chúng được tạo bởi các chương trình như ChatGPT.
Trên trang Instagram của mình, Layli bày tỏ yêu thích màu đỏ, khuyên những người theo dõi nên “đầu tư vào bản thân hàng ngày”, tham dự các hội thảo chuyên môn để trao đổi ý tưởng...
Trước khi công bố người chiến thắng trong tuần này, các nhà tổ chức cuộc thi cho biết những người đẹp tham giá được đánh giá không chỉ dựa trên ngoại hình mà còn về việc sử dụng các công cụ AI của người sáng tạo cũng như tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Các thí sinh AI phải trả lời các câu hỏi giống như một cuộc thi sắc đẹp thực tế của con người, chẳng hạn như "Nếu có thể biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn thì bạn sẽ làm gì?".
Ban giám khảo bao gồm một influencer AI Aitana Lopez và nhà sử học chuyên về các cuộc thi sắc đẹp Sally-Ann Fawcett.
Sally cho biết bà tìm kiếm những thí sinh mang đến thông điệp tích cực, mạnh mẽ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại về tác động từ một cuộc thi sắc đẹp AI vì những hình ảnh cách điệu do AI tạo ra có thể đồng nhất hóa các tiêu chuẩn sắc đẹp.
Tiến sĩ Kerry McInerney, chuyên gia liên kết nghiên cứu tại Trung tâm Leverhulme vì Tương lai Trí tuệ tại Đại học Cambridge, nói với CNN: “Tôi nghĩ chúng ta đang ngày càng mất kết nối với việc khuôn mặt chưa được chỉnh sửa trông như thế nào”.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.