Hoa hậu đến VN, lần đầu hay lần cuối?
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 dù đang diễn ra ở Việt Nam, song đây vẫn là cuộc chơi riêng của Miss Universe Organization - tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ.
Sự tham gia của phía Việt Nam vào quá trình thực hiện để làm lợi cho hình ảnh nước nhà vẫn rất mờ nhạt.
"Welcome" hay "goodbye"? Ảnh: V.T |
9 tháng chuẩn bị và 2 tuần thực hiện
Sức mạnh của "luật chơi riêng" mà Miss Universe Organization (MUO) đưa ra đã được thể hiện ngay từ những ngày đầu cuộc thi (chẳng hạn việc hạn chế tối đa phỏng vấn, chụp ảnh thí sinh). Trò chơi nào cũng có luật riêng, người tham gia chấp nhận thì chơi, còn không thì... thôi, đó là điều hiển nhiên.
Nhưng với một luật chơi khắt khe đến mức không còn mấy chỗ dành cho quốc gia nơi trò chơi diễn ra tận dụng cơ hội để thể hiện mình, thì gần 20 triệu USD bỏ ra để có cuộc chơi đó, Việt Nam sẽ thu lại được những gì?
Trong tư thế gấp rút phải tổ chức cuộc thi ngay trong tháng 6 - 7/2008 khi tiếp nhận quyết định đăng cai chỉ 9 tháng trước đó, nhà tổ chức phía Việt Nam rõ ràng chưa chuẩn bị thật kỹ càng cho cuộc chơi lớn với một đối tác chuyên nghiệp có hơn nửa thế kỷ "chinh chiến" khắp các quốc gia trên hành tinh.
Điều này thể hiện rõ qua các sự kiện làm nóng do phía Việt Nam thực hiện trong hai tuần đầu của cuộc thi. Chẳng hạn, chương trình giao lưu Hoa hậu Hoàn vũ với phố cổ Hội An có chất lượng thấp rất đáng tiếc. Rất may cơn mưa bất ngờ đã giúp chương trình dừng sớm, nếu không người dân tại chỗ và khán giả truyền hình sẽ không biết còn xem được gì ở chương trình nằm trong sự kiện tầm cỡ như Hoa hậu Hoàn vũ mà lại như thế.
Ngay chính Chủ tịch MUO, bà Paula Mary Shugart, khi đến Nha Trang trong hai tuần cuối của cuộc thi cũng không đề cập gì đến các sự kiện diễn ra trước đó. Bà khen xã giao các đối tác Việt Nam đã cố gắng lớn để tham gia tổ chức cuộc thi rồi khẳng định "hai tuần cuối rất quan trọng vì có buổi truyền hình trực tiếp khắp thế giới, chúng tôi có nhiều việc phải làm".
9 phút quảng bá và 2 giờ trực tiếp truyền hình
Bà Paula M. Shugart nhiều lần nhắc đến công tác truyền hình, là có cái lý riêng. Tổ chức MUO là liên doanh của tỷ phú Donald J. Trump với hãng truyền hình Mỹ NBC Universal, nên mục tiêu và ưu tiên hàng đầu tại cuộc thi chính là buổi truyền hình trực tiếp lễ đăng quang của hoa hậu Hoàn vũ ra toàn thế giới sáng 14/7.
Việc tổ chức lễ đăng quang vào buổi sáng theo giờ Việt Nam cũng nhằm chủ yếu phục vụ cho khán giả Mỹ được xem vào buổi tối, hoàn toàn không có chút nhượng bộ nào cho thói quen, giờ giấc giải trí của khán giả nước chủ nhà lẫn các quốc gia khác.
Việt Nam thu được gì ở cuộc chơi gần 20 triệu USD? Ảnh: V.T |
Chương trình diễn ra tại sân khấu đều phục vụ cho truyền hình trực tiếp, không có... ca nhạc xen kẽ, thời gian trống khoảng vài phút sau mỗi tiết mục, sân khấu sẽ đóng màn chờ quảng cáo trên ti vi... Hơn 7.500 khán giả xem trực tiếp lễ đăng quang tại Trung tâm hội nghị Hoàn vũ với giá vé cao nhất lên đến 1.800 USD/vé do đó chưa hẳn đã thú vị hơn khán giả xem qua truyền hình.
Nhưng đúng ngay công đoạn này, chúng ta lại không còn cơ hội để thể hiện hay học hỏi khả năng tổ chức sự kiện lẫn chuyện quảng bá hình ảnh đất nước. Những phần việc kể từ đêm trình diễn chung kết 8/7 đến đêm phúc khảo 13/7 và lễ đăng quang sáng 14/7 đều do người Mỹ thực hiện.
Nếu nói rằng hình ảnh Việt Nam sẽ bay xa nhờ việc xuất hiện trong buổi đăng quang với clip 9 phút, thì cũng chưa ai hình dung được đoạn phim đó sẽ được thể hiện thế nào, Việt Nam sẽ hiện lên ra sao, trong kết cấu chương trình dài hai giờ này.
Lần đầu và lần cuối
Vẫn biết khó có thể đòi hỏi mức độ chuyên nghiệp cao khi lần đầu tiên các đơn vị Việt Nam tham gia vào một cuộc thi sắc đẹp quy mô quốc tế, dù rằng thực tế họ cũng chỉ thực hiện các hoạt động bên lề.
Nhưng còn sứ mệnh quảng bá hình ảnh đất nước ra với thế giới? Đã tốn công, tốn của mang cuộc thi về Việt Nam trước ánh mắt nhìn theo của các đối thủ thuộc hàng "có sừng có mỏ" như Trung Quốc, Nga..., chẳng lẽ cứ để tự khắc cuộc thi sẽ quảng cáo giúp, ta ngồi ăn sẵn?
Rồi đây khi các cuộc thi sắc đẹp quy mô khác nữa tìm đến mảnh đất hình chữ S này, có khi nào chúng ta nhìn lại để cảm thấy rằng dường như mình đã chi tiêu quá bạo tay cho cuộc quảng bá hình ảnh đất nước trong lần tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ 2008?
Còn quá sớm để bàn chuyện đàm phán tay đôi một cách ngang vai phải lứa với các đối tác có truyền thống lâu năm. Nhưng thông tin hậu trường kiểu như Miss World (Hoa hậu Thế giới) đến Việt Nam năm 2010 sẽ mang theo một số tiền đáng kể chứ không mất tiền như việc tổ chức Miss Universe 2008, là điều có thể nghĩ đến và hy vọng.
Thế nên, đừng xem câu nói của bà Paula M. Shugart rằng "Việt Nam dù lần đầu tiên đăng cai song cũng đã gây khó khăn cho chúng tôi trong việc chọn nơi tổ chức Miss Universe lần sau" chỉ là những lời giao đãi.
Hãy xem đó là khả năng mà người Việt Nam có thể làm được trong tương lai. Làm thế nào, để những nhà tổ chức các cuộc thi sắc đẹp quốc tế đến một lần rồi lại muốn đến nữa, chứ không phải lần đầu tiên và cũng là lần... cuối cùng.
Theo VietNamNet