Ngày 26/1, Hoa hậu Hoàn vũ H'Hen Niê đến Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP.HCM) để trao kỷ vật áo dài cho các nữ biệt động Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân. Chương trình còn có sự góp mặt của người mẫu Hồ Đức Vĩnh, ca sĩ - diễn viên Thanh Thúy.
Hoa hậu H'Hen Niê tham dự sự kiện ý nghĩa tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Hoa hậu Hoàn vũ 2017 chụp ảnh cùng NTK Nhật Dũng. Ảnh: NVCC. |
Tại sự kiện, H'Hen Niê thay hai bộ áo dài kiểu dáng khác nhau, nhưng đều tạo điểm nhấn ở chi tiết thêu hoa văn cầu kỳ. Trang phục truyền thống làm tôn nét dịu dàng, nền nã của "người đẹp tóc ngắn". H'Hen Niê bày tỏ niềm vui và cả sự xúc động khi được tham gia những sự kiện có ý nghĩa như tặng áo dài cho các nữ biệt động Sài Gòn.
Tân hoa hậu hoàn vũ cho biết: "Bản thân H'Hen Niê cũng rất thích áo dài, thích tìm hiểu lịch sử của áo dài, và thích mặc áo dài trong các sự kiện, ngày lễ lớn. Áo dài là biểu trưng của nét đẹp phụ nữ Việt. Áo dài còn mang trên mình những câu chuyện lịch sử oai hùng của dân tộc, của những người phụ nữ trung kiên. Bởi thế, tôi luôn tự hào khi được mặc lên mình trang phục áo dài".
Trong một vài sự kiện gần đây, đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng thường xuất hiện trong trang phục áo dài. Cô còn tham gia trình diễn thời trang.
H''Hen Niê thay hai bộ áo dài tại sự kiện. Ảnh: NVCC. |
Bộ áo dài tân hoa hậu hoàn vũ cùng nhà thiết kế tặng cho các nữ biệt động Sài Gòn và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ có sự kết hợp các nét đặc trưng văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Bộ áo dài mang ý nghĩ về sự trường tồn, gắn bó và liên kết chặt chẽ giữa các nền văn hóa dân tộc.
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, được thành lập từ năm 1985, là nơi tôn vinh giá trị truyền thống cùng quá trình đấu tranh của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Nam Bộ nói riêng, đồng thời tôn vinh phái đẹp với một số hiện vật là các trang phục cũng như trang sức của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Năm 2017, Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ khánh thành một phòng trưng bày đặc biệt có tên "Áo dài - tinh hoa truyền thống dân tộc Việt". Phòng trưng bày có khoảng 100 hiện vật và hình ảnh xoay quanh chiếc áo dài Việt Nam qua từng thời kỳ - từ kiểu dáng của chiếc áo giao lãnh, rồi đến áo năm thân, tứ thân, áo dài kiểu Lemur, áo dài kiểu Lê Phổ...
Đến Bảo tàng, người xem sẽ được ngắm những chiếc áo dài gắn liền với các nhân vật đặc biệt như chiếc áo dài của bà Nguyễn Thị Bình mặc khi bà tham gia ký vào Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh Việt Nam, áo dài của bà Tôn Nữ Thị Ninh, áo dài của bà Nguyễn Thị Kim Ngân mặc tại buổi tuyên thệ nhậm chức...
Hiện nay Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang lưu giữ hơn 200 hiện vật áo dài. Sự kiện tặng áo dài ngày 26/1 nằm trong chương trình giao lưu, gặp gỡ “Nữ biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong chiến dịch Mậu Thân” do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức. Chương trình tri ân những người phụ nữ đã hiến dâng cả thanh xuân, hy sinh cả tuổi trẻ cho cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc.