Chia sẻ quan điểm về việc Kỳ Duyên bị kẻ xấu đưa ảnh lên websex ở nước ngoài, luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Hà Nội) cho rằng đây là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, vi phạm pháp luật của Việt Nam và nước sở tại.
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia quy định, mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những xâm phạm.
Hình ảnh Kỳ Duyên trên trang web đen của Nhật. . |
Theo luật sư Vinh, bên cạnh việc đề nghị cơ quan chức năng của Việt Nam xác minh, điều tra vụ việc, Kỳ Duyên có quyền yêu cầu nhà chức trách nước sở tại xử lý người vi phạm theo pháp luật của nước họ, cũng như pháp luật quốc tế (nếu Nhật đã ký kết hoặc tham gia Công ước).
Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa nhận việc đề nghị cơ quan chức năng ở Nhật vào cuộc không hề đơn giản.
"Với các web đặt ở nước ngoài, cách tốt nhất là Kỳ Duyên nên im lặng. Người bị hại càng thể hiện bức xúc thì kẻ xấu càng thấy việc bôi nhọ của họ có kết quả và tiếp tục có những cách thức mới để bôi nhọ người bị hại. Việc thanh minh là không xuể, lúc này im lặng là lựa chọn tối ưu" - luật sư Vinh nhận định.
Ông Vinh cho rằng đây là vấn đề cá nhân nên các cơ quan chức năng Việt Nam và Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu chỉ xem xét, xử lý khi có yêu cầu của đương sự.
Trả lời câu hỏi Kỳ Duyên và các cơ quan chức năng cần làm gì để trang web nước ngoài gỡ bỏ hình ảnh bêu xấu và xin lỗi, luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty luật Bross và cộng sự cho rằng, sẽ khó yêu cầu chủ thể vi phạm chấm dứt hành vi, khôi phục quyền lợi cho người hại.
Hoa hậu Kỳ Duyên. Ảnh: TIKi. |
Theo phân tích, vi phạm nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật, cũng như quyền ngăn chặn, xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam. Việc xử lý vụ việc thế nào, quyền lợi của Kỳ Duyên sẽ được bảo vệ ra sao phụ thuộc vào quy định của pháp luật Nhật Bản, cũng như thiện chí hợp tác của các cơ quan bảo vệ pháp luật nước bạn.
Mặt khác, sự khác biệt về pháp luật giữa Việt Nam và Nhật Bản, hay những hiểu biết có phần hạn chế của Kỳ Duyên về pháp luật nước này sẽ gây khó khăn cho hoa hậu trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Khoảng cách địa lý giữa 2 quốc gia cũng tạo những trở ngại, vất vả cho Kỳ Duyên khi phải theo đuổi các thủ tục pháp lý tại các cơ quan tư pháp ở nước ngoài.
Theo luật sư Bách, hiện cơ chế pháp lý để giải quyết các vụ việc tương như của hoa hậu Kỳ Duyên, sẽ được thực hiện theo quy định tại Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Việt Nam và các nước. Tuy nhiên hiện nay, giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa có các Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự, do đó thẩm quyền giải quyết vụ việc sẽ thuộc về các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhật, theo quy định của pháp luật nước này.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam và cá nhân Kỳ Duyên chỉ có thể đề nghị nhà chức trách Nhật Bản vào cuộc điều tra, giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi cho cô theo quy định của luật pháp nước sở tại.
Hoa hậu Kỳ Duyên tên đầy đủ là Nguyễn Cao Kỳ Duyên, sinh năm 1996 tại Nam Định. Cô đăng quang hoa hậu Việt Nam năm 2014, khi đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Do hâm mộ người dẫn chương trình Nguyễn Cao Kỳ Duyên nên cha mẹ đặt tên cô theo nghệ sĩ này.
Kỳ Duyên bắt đầu học tiếng Pháp từ năm lớp 4. Cô là học sinh lớp chuyên Pháp trong thời gian học tại Trường THCS chuyên Trần Đăng Ninh và sau đó là tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định). Năm 2014, cô thi đỗ vào Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, Kỳ Duyên còn đoạt giải thưởng phụ Người đẹp Biển.