V
ũ Nam Phương có nhan sắc, chiều cao và cả học vấn. Kiểu con gái như cô rất dễ được ngưỡng mộ, thậm chí nhiều người còn ủng hộ Phương nên tham gia nhiều hơn các cuộc thi nhan sắc, có thể là Hoa hậu.
3 năm trước, Phương là hoa khôi của Miss du học sinh Việt mùa đầu tiên. Suốt hơn 5 tháng kể từ ngày chuẩn bị và diễn ra, giữa 500 hồ sơ thí sinh, Nam Phương trở thành hoa khôi đúng như kỳ vọng. Chưa bàn đến ngoại hình với chiều cao 1,78 m, chỉ riêng thành tích thời điểm đó đã đủ để cô tự khiến mình nổi bật.
Vũ Nam Phương (1994) là hoa khôi của Miss du học sinh Việt mùa đầu tiên. |
Sinh năm 1994, Nam Phương học cử nhân về chẩn đoán hình ảnh y tế liên quan y học phóng xạ tại bệnh viện đứng đầu thế giới về trị liệu ung thư UT MD Anderson Cancer Center (thành phố Houston, Texas, Mỹ). GPA 22 môn học đại học lúc đó của Phương là 3.94/4.0. Chưa hết, cô là thành viên Hội sinh viên ưu tú Phi Theta Kappa, nhận giấy khen của trường dành cho bạn trẻ có điểm GPA trung bình trên 3.7.
Hiện tại, Phương vừa tốt nghiệp cử nhân, vẫn ở Mỹ. Cuộc sống của hoa khôi ngày ấy giờ chỉ gói gọn trong từ "bận". Nói chuyện với Nam Phương mới thấy cô gái này thực sự nhiều năng lượng. Phải mất khá lâu để kết nối và có cuộc trò chuyện tạm xem là trọn vẹn, phần do chênh lệch múi giờ, phần nữa vì Phương "quay cuồng" đi học, đi làm suốt ngày.
Du học 5 năm, mới về Việt Nam một lần
Nam Phương sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Đó là quãng thời gian mà theo như cô miêu tả: "Đẹp và khó quên nhất". Phương từng học ở trường THPT Lê Quý Đôn, năm 2013, cô bắt đầu sang Mỹ. Đến giờ đã 5 năm nhưng Phương mới chỉ về Việt Nam có một lần.
Cuộc sống xa nhà lúc mới đầu chẳng dễ dàng gì. Ở một nơi mà văn hoá mới mẻ, con người xa lạ hoàn toàn, khó khăn lại càng lớn.
"Cuộc sống những ngày đầu ở Mỹ so với giờ khác nhiều lắm. Lúc đấy, mình phải học lái xe, làm quen với môi trường mới, bạn mới, bắt kịp với chương trình học, và quan trọng nhất là hoạch định phương hướng cho tương lai. Khi đó áp lực lắm, lúc nào cũng nghi ngờ bản thân không biết có làm được hay không", Nam Phương nhớ lại.
Nam Phương vừa tốt nghiệp cử nhân về chẩn đoán hình ảnh y tế liên quan y học phóng xạ tại UT MD Anderson Cancer Center. |
Đã 5 năm kể từ ngày sang Mỹ, điều khó khăn nhưng cũng khiến bản thân trưởng thành nhất khi sống xa nhà mà Phương nhận ra là làm quen và học cách thích nghi. Phương cũng tự tin nhất vào khả năng thích nghi của mình.
Hoa khôi chia sẻ: "Dù là nam hay nữ, điều cần nhất là bản lĩnh. Du học sinh còn phải chuẩn bị kiến thức và tâm lý để đối mặt với một môi trường mới. Học cách nói không, cũng như phải biết mình muốn gì, cần gì; phải có lập trường riêng và giữ vững lập trường, biết giá trị bản thân và tự trọng".
Chẳng riêng gì "lạ nước, lạ cái", bước chân ra nước ngoài học tập cũng là khi gánh trên vai rất nhiều áp lực, nào tài chính, danh hiệu, kỳ vọng, thời gian... Hiểu điều đó hơn ai hết, Phương khẳng định: "Việc chọn ngành học phù hợp với bản thân và thị trường cực kỳ quan trọng. Theo mình, khi được gia đình ủng hộ đi học ở nước ngoài, phải nỗ lực hết sức không những để đạt được nguyện vọng đã đặt ra mà còn tiết kiệm thời gian".
Sau tốt nghiệp, Phương dự định đi làm khoảng 2 năm rồi học thạc sĩ Y khoa. |
Đi học xa chẳng tránh được những lúc cô đơn, nhớ nhà, hay nản lòng. Lúc ấy, Phương tìm cách tự động viên, hỏi bản thân tại sao mình lại ở đây, mục đích là gì, nếu cố gắng hơn sẽ được gì? Nếu tâm trạng vẫn không tốt, cô sẽ gọi bố để tâm sự. Ngoài ra, Phương có thể đi chơi với bạn hoặc dành thời gian cho bản thân.
Nam Phương bây giờ chín chắn và trưởng thành hơn nữ sinh ngày nào mới qua Mỹ. Lý do lớn nhất là cô đã phần nào định hướng được tương lai và khá quen với văn hoá ở đây.
Con gái ngành Y, đúng là "hy sinh thanh xuân mà"
Hồi nhỏ, Nam Phương chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phù hợp ngành Y. Sau khi mẹ mất vì ung thư, cô có để ý đến ngành này hơn nhưng vẫn không nghĩ bản thân sẽ phù hợp. Đến khi gia đình cho sang Mỹ, Phương có cơ hội được mở rộng kiến thức và cách nhìn về ngành Y.
Ngành học của Phương bao gồm X-Ray, CT (Computed Tomography - chụp cắt lớp) và Interventional Radiology (bác sĩ chuyên khoa X-quang can thiệp).
Lịch hiện tại của Phương bao gồm đi thực tập 40 giờ/tuần tại Bệnh viện Houston Methodist. Ở đây chủ yếu là các trường hợp tai biến mạch máu não, chữa trị khối u ung thư bằng cách truyền thuốc chữa trị trực tiếp đến khối u thông qua nguồn cung cấp máu, chứ không dùng ven tĩnh mạch như thông thường.
Ngoài ra, tại đây đặt filter cho các bệnh nhân bị thuyên tắc mạch hay nghẽn mạch, đặt "stent" hoặc "balloon" để mở động mạch cho các bệnh nhân bị hẹp mạch và xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, bác sĩ còn chữa trị và chẩn đoán các ca liên quan mạch máu ở não bộ và cơ thể.
Nam Phương sở hữu chiều cao 1,78 m cùng phong cách khá chững chạc, lịch thiệp. |
Phương cũng đang làm bán thời gian tại khoa Hình ảnh phóng xạ, Bệnh viện UT MD Anderson, 20 giờ/tuần. Một ngày của Nam Phương bắt đầu từ 7h, đi thực tập và đi làm ngay sau đó đến 23h. Cô kể thỉnh thoảng vẫn nhận lời làm mẫu chụp hình, nhưng hiếm lắm.
Thừa nhận ngành học của mình "trở ngại không đếm xuể", "đúng là hy sinh cả thanh xuân" nhưng niềm vui của Phương là thấy được thành quả sau những ngày tháng vất vả, áp lực ấy.
"Phương không theo học bác sĩ ở Mỹ nhưng để tốt nghiệp tiến sĩ y khoa (MD: Medical Doctor), hành nghề bác sĩ sẽ mất 10 đến 16 năm, tuỳ thuộc chuyên môn. Phương nghĩ dù là nam hay nữ, khi đã chọn ngành Y thì họ đã chấp nhận hy sinh tiền bạc, sức khoẻ, và tuổi trẻ của mình", cô tâm sự.
Nhan sắc không phải một loại tài năng
Nam Phương có làn da nâu khoẻ khoắn, nụ cười tươi rất "hoa hậu" và mái tóc dài. Phương cao 1,78 m, ở Việt Nam như thế là thuộc hàng nổi bật lắm, nhưng cô du học sinh vui vẻ nói: "Mình chỉ cảm thấy chiều cao này giúp không bị thua thiệt khi đứng cùng với các bạn nước ngoài".
Ở Phương toát ra sự chín chắn và trưởng thành mà chưa chắc bạn bè cùng trang lứa đã có. Phương là cô gái kiên định, có tham vọng, sớm biết mình muốn gì và phải làm gì để đạt được đó. Trong mọi câu hỏi, Phương đều có câu trả lời chắc chắn cho mình.
Hoa khôi dự định tháng 12 năm nay sẽ về Việt Nam. |
Đó cũng là tinh thần mà theo hoa khôi, con gái hiện đại cần có. Trong định nghĩa của Nam Phương, con gái thời đại mới phải là một người có bản lĩnh và lập trường; biết yêu thương bản thân, có mục đích sống rõ ràng và khả năng thực hiện những điều mình muốn.
Nhiều người hay đùa rằng: "Nhan sắc cũng là một loại tài năng" với hàm ý đề cao vẻ đẹp ngoại hình hơn những nỗ lực hoàn thiện tư duy, học vấn. Nam Phương thẳng thắn chia sẻ: "Vậy thì loại tài năng đó sẽ mai một theo thời gian thôi. Ai mà không thích cái đẹp, nhưng mình không xem đó là một tài năng".
Sau khi tốt nghiệp, Phương dự định sẽ đi làm khoảng 2 năm rồi học thạc sĩ Y khoa ở Mỹ. Cô cũng chưa biết sẽ tham gia cuộc thi nhan sắc nào nữa không, nhưng nếu có cơ hội phù hợp với bản thân và mục đích từ thiện, Phương rất sẵn sàng.