Lấy cảm hứng từ bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, ngay từ ngày đầu khởi quay, Lô tô đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Đạo diễn trẻ Huỳnh Tuấn Anh cho biết từ khi xem tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm anh đã ấp ủ làm phim về gánh hát lô tô.
Tuy nhiên, thời điểm năm 2014, 2015 phim hài và ngôn tình làm mưa làm gió trong các phòng vé, vì vậy Lô tô phải dời đến 2017.
Diễn viên ăn ở dưới gầm sân khấu
Nếu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng ghi lại những cuộc sống khó khăn của gánh hát lô tô ở miền trung thì Huỳnh Tuấn Anh chọn địa điểm cho Lô tô là Hà Tiên. Đạo diễn trẻ chia sẻ: “Hà Tiên là quê hương của tôi. Quan trọng hơn là ở đó phong cảnh trù phú và mướt mát”.
Đạo diễn Tuấn Anh và các diễn viên. Ảnh: ĐPCC. |
“Khi xem phim của Thắm tôi bị ám ảnh bởi không gian xơ xác, buồn, khắc nghiệt. Làm phim điện ảnh – dòng phim thương mại, thì tôi không thể bán một sản phẩm quá u buồn. Xây dựng khung cảnh của Lô tô có buồn nhưng vẫn mộng mơ là một cách chiều chuộng thị giác của khán giả”, anh nhấn mạnh.
Lợi thế của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh còn là việc anh từng trải qua những ngày tháng lang thang đi diễn, ăn ngủ dưới gầm sân khấu cùng đoàn lô tô, gánh hát cải lương thời thoái trào.
Anh kể: “Tôi có những người bạn diễn trong đoàn lô tô nên thường đi theo họ. Nơi ở của họ như một cái hang. Tôi vẽ ra cho thiết kế dàn dựng sân khấu của gánh hát Phù hoa như những đoàn lô tô tôi từng đến”.
Để nhân vật thấm hơn với kịch bản, trước ngày khởi quay, đạo diễn đã mời toàn bộ diễn viên xuống Hà Tiên chui ra chui vào, thậm chí ăn cơm ngay trong hầm sân khấu.
Điều thú vị là ngay từ đầu các diễn viên như Huỳnh Lập, Hải Triều, Minh Dũng đã lên ý tưởng trang trí cho nơi ở của mình theo tính cách nhân vật. Đạo diễn nhận định: “Các diễn viên không còn đi đóng phim, họ sống với nhân vật, coi gầm sân khấu - nơi ở của nhân vật là nơi ở của mình”.
Với Nam Em, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nhờ giảng viên Lê Thanh hướng dẫn kỹ thuật biểu diễn trong 3 tháng. Một tháng cuối, cô sẽ thực hành những phân đoạn trong phim với giảng viên. Nhờ đó khi ra phim trường người đẹp không bị bỡ ngỡ.
Nhân vật đi tìm diễn viên
Khác với nhiều đạo diễn thường đo ni đóng giày cho diễn viên hoặc mời ê-kíp thân thiết, Huỳnh Tuấn Anh chọn diễn viên sau khi kịch bản đã hoàn tất. Đạo diễn cho biết Lệ Liễu là hình ảnh người chuyển giới ở thời chưa có giải phẫu thẩm mỹ, thuốc teo cơ còn khung xương của đàn ông vì thế anh mời NSƯT Hữu Châu.
Nam Em thân thiết bên đạo diễn. Ảnh: ĐPCC. |
Là diễn viên kỳ cựu, nghệ sĩ Hữu Châu có những nguyên tắc khi làm việc, Huỳnh Tuấn Anh tôn trọng điều đó nhưng vẫn giữ quan điểm của mình. Ví dụ, phân đoạn Nam Em bị hãm hiếp, Hữu Châu muốn diễn cảnh gào thét, lăn lộn, còn anh lại cho rằng như vậy hơi kịch. Anh muốn nam nghệ sĩ tiết chế hơn.
Đến cảnh Lệ Liễu đối diện với Quân, hỏi anh có thương mình không. Theo kịch bản là cả hai mặt đối mặt, giọng điệu gay gắt thì Hữu Châu muốn được diễn theo kiểu của mình. Đó là anh tựa vào vai Quân nói với giọng trầm ấm. Sự thay đổi này tạo nên một phân đoạn thơ nhất của phim.
Huỳnh Tuấn Anh nhấn mạnh: "Đạo diễn không phải luôn luôn đúng và giỏi ở mọi lĩnh vực. Đạo diễn nên là người truyền cảm hứng và phát huy thế mạnh của diễn viên. Với người giỏi nghề như anh Hữu Châu càng phải lắng nghe".
Về vai Thương, nhiều người thắc mắc vì sao đạo diễn lại mời Nam Em mà không phải các diễn viên chuyên nghiệp. Không ít người nghi ngờ người đẹp có mối quan hệ thân thiết với đạo diễn.
Tuấn Anh kể trong khi bối rối chưa tìm được diễn viên phù hợp thì tình cờ xem chương trình Nam Em bị sự cố thi tiếng Anh. Anh có linh cảm cô hợp với vai Thương nên quyết định mời cô hợp tác.
“Tôi nghĩ làm phim là công cuộc tìm kiếm các gương mặt mới. Các diễn viên chính như Lan ngọc, Midu đã xuất hiện quá nhiều. Có thể Nam Em chưa hẳn là diễn viên xuất sắc nhưng cô ấy có bước chuyển sang điện ảnh nhã nhặn, vừa phải và thành công”, anh nhấn mạnh.
3 ngày đêm quay cảnh cưỡng hiếp
Cảnh Thương bị cưỡng hiếp giữa đoàn lô tô cũng là đại cảnh của phim. Cảnh quay này tập hợp tới 20 diễn viên. Theo đạo diễn, kỹ thuật quay đại cảnh này khá khó, phải làm nhiều lần để lấy được cảnh hành động của một cuộc đánh nhau, sự sợ hãi của Thương, sự đau đớn của Lệ Liễu.
Đạo diễn thị phạm diễn viên. Ảnh: ĐPCC. |
Riêng Nam Em, phân đoạn này càng khó, là thách thức với người mới như cô. Để hóa thân khá tròn vai, người đẹp đã diễn bằng cảm xúc thật, đó là nỗi đau của người con gái đi tìm người ba đã mất của mình.
Ba Nam Em đã mất cách đây 3 năm. Vì diễn bằng cảm xúc, nỗi đau từ trái tim nên khi hoàn thành xong cảnh diễn, Nam Em đã khóc nức nở, không dừng lại được.
Ê-kíp đoàn phim phải lăn lộn 3 ngày đêm mới hoàn thành cảnh quay. Dù vậy không ai than thở. Anh bảo: "Chúng tôi đi đóng phim nhưng không mệt mà chỉ đùa giỡn mới mệt thôi".
Nhìn lại thành quả của mình, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho rằng Lô tô như món cơm Việt đơn sơ. Đó là sản phẩm của yêu thương, khát vọng mang văn hóa đến gần với khán giả.