Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Hóa ra hầm tận thế của Zuckerberg không đơn giản như chúng ta tưởng

Hàng loạt công trình ngầm của giới siêu giàu toàn cầu được đồn đoán là để chuẩn bị cho kịch bản tận thế, song sự thật phía sau không chỉ có vậy.

Tháng 12/2023, WIRED đưa tin tỷ phú Mark Zuckerberg, CEO của Meta, đã mua lại những vùng đất rộng lớn của đảo Hawaii, Kauai. Khu đất trải dài hơn 5,5 triệu m2, bao quanh bởi một bức tường cao 2 m và được tuần tra bởi nhiều nhân viên bảo vệ lái xe địa hình quanh đó.

Zuckerberg và vợ, Priscilla Chan, đang xây dựng một khu phức hợp khổng lồ - được gọi là Ko'olau Ranch - trên mảnh đất này và ước tính có thể sẽ tiêu tốn hơn 200 triệu USD để hoàn thành.

Hàng trăm người dân địa phương đang làm việc trên khu đất của Zuckerberg. Nhưng chính xác có bao nhiêu nhân lực và những gì họ thực sự làm đều được che giấu bằng một thỏa thuận ràng buộc không tiết lộ.

Tiêu đề phụ của WIRED tập trung vào việc Ko'olau Ranch của Zuckerberg bao gồm kế hoạch về một "hầm ngầm khổng lồ". Đây dường như là chi tiết thu hút sự quan tâm của truyền thông cũng như những người theo thuyết âm mưu.

Hầm trú ẩn ngày tận thế trở thành thứ gây tò mò trong thế giới hiện đại, thông qua các ấn phẩm truyền thông và phim ảnh.

Người ta đặt hàng tá câu hỏi như "Tại sao Mark Zuckerberg lại xây dựng hầm trú ẩn tận thế riêng ở Hawaii?", "Các tỷ phú đã biết gì?" hay "Có điều gì sẽ xảy ra vào năm 2024 mà họ chưa cho chúng ta biết?".

Nhưng theo The Convesation, câu chuyện về hầm trú ẩn hay những công trình khổng lồ của giới siêu giàu trên thế giới không chỉ liên quan đến thuyết âm mưu về ngày tận thế.

Công trình của giới siêu giàu

Trong một bài đăng trên Instagram, Zuckerberg thông báo với những người theo dõi rằng ông đang chăn nuôi gia súc của riêng mình, cho chúng ăn hạt mắc ca được trồng trong trang trại và cả bia được ủ ở đó.

"Mỗi con bò ăn từ 5.000 đến 10.000 pound (2.300 kg-4.500 kg) thức ăn mỗi năm, tốn rất nhiều", ông (hoặc trợ lý của ông) đã viết trong bài đăng.

Kèm theo đó là bức ảnh con gái ông đang đào hố dưới đất và chú thích: "Các con tôi đang giúp trồng cây mắc ca và chăm sóc các loài động vật khác nhau. Chúng tôi vẫn còn đang ở giai đoạn đầu của hành trình".

Các kế hoạch khác của Zuckerberg và Chan bao gồm bảo tồn động vật hoang dã, phục hồi thực vật bản địa, trang trại trồng nghệ và gừng hữu cơ, đồng thời hợp tác với các chuyên gia ở Kauai để bảo tồn và bảo vệ hệ động thực vật bản địa. Những hoạt động này sẽ có tác động vật chất đến Kauai nhiều hơn so với hầm trú ẩn.

Mark Zuckerberg anh 1

Khu phức hợp của Zuckerberg ở Hawaii rộng 5,5 triệu m2 với nhiều hạng mục khác nhau. Ảnh: Phil Jung/Wired.

Người sáng lập Facebook không phải là tỷ phú duy nhất xây dựng những khu phức hợp khổng lồ ở Hawaii.

Oprah Winfrey đã mua một khu đất rộng 66 ha ở Maui vào năm 2002, và từ đó đến nay đã mua thêm nhiều lô đất với tổng diện tích hơn 650.000 m2.

Larry Ellison, người đồng sáng lập công ty công nghệ Oracle, đã mua gần như toàn bộ hòn đảo Lanai của Hawaii vào năm 2012. Hai năm trước, tỷ phú Frank VanderSloot đã mua một trang trại rộng 800 ha ngay phía nam khu đất của Zuckerberg.

Khi những cá nhân siêu giàu chuyển đến, nhiều người dân địa phương đã sống trên mảnh đất này phải trả giá đắt, thậm chí phải rời đi - một tác dụng phụ đáng tiếc của quyền đất đai phức tạp tại Hawaii, nơi quyền sở hữu và quyền quản lý của người bản địa thường không được công nhận về mặt pháp lý.

Thoạt nhìn, những ông trùm này dường như đang "chuẩn bị" cho một ngày tận thế theo phong cách thế kỷ XX, như cách chúng được mô tả trong vô số bộ phim về thảm họa.

Nhưng theo cây bút của The Conversation, thực tế không phải vậy.

Chủ nghĩa phong kiến công nghệ

Quy mô công trình rộng lớn của các tỷ phú bao gồm những hầm trú ẩn và công nghệ khác có vẻ giống với việc chuẩn bị cho ngày tận thế. Ví dụ: các biệt thự của Ko'olau Ranch được kết nối thông qua các đường hầm dẫn vào một nơi trú ẩn lớn.

Tuy nhiên, Zuckerberg, Winfrey, Ellison và những người khác thực sự đang bắt tay vào những dự án đầy tham vọng hơn nhiều.

Họ đang tìm cách tạo ra các hệ sinh thái hoàn toàn tự duy trì, trong đó đất đai, nông nghiệp, môi trường xây dựng và lao động đều được kiểm soát và quản lý bởi một người duy nhất, người có nhiều điểm chung với một lãnh chúa phong kiến ​​​​thời trung cổ hơn là một nhà tư bản thế kỷ XXI.

Một số người cho rằng ngành công nghệ đã phát minh ra một hình thức mới của "chủ nghĩa phong kiến ​​công nghệ" hay "chủ nghĩa phong kiến ​​mới" - phụ thuộc vào việc "thuộc địa hóa dữ liệu" và việc công ty chiếm đoạt dữ liệu cá nhân.

Những cây viết của The Conversationđồng ý và cho rằng những gì đang diễn ra ở Hawaii thực sự phù hợp với cách hiểu truyền thống về chế độ phong kiến.

Những gì chúng ta thấy ở dự án của Zuckerberg không phải là xung đột công khai giữa tỷ phú và cộng đồng. Ở Kauai, các thành viên của một cộng đồng đã đồng ý trao cho nhà tài phiệt quyền quản lý đất đai của họ, dưới danh nghĩa bảo tồn.

Đây là mô hình kinh doanh trực tiếp dẫn tới việc quay ngược về chế độ phong kiến.

Một lập luận phổ biến là các cá nhân giàu nhất thế giới đang mua bất động sản trên các hòn đảo xa xôi và trang bị hầm trú ẩn, nên họ phải giữ bí mật về thông tin nội bộ.

Nhưng sự thật đơn giản hơn và tàn bạo hơn thế. Các tỷ phú đang xây dựng những công trình phức tạp bởi vì họ có khả năng.

Giá trị tài sản ròng của Zuckerberg vào năm 2024 gần như không thể đo đếm được là 170 tỷ USD. Pháo đài Hawaii trị giá 200 triệu USD, dù có thể rất xa hoa, nhưng chỉ chiếm chưa đến 0,2% tổng tài sản của ông.

Những tính toán đơn giản này cho thấy rõ rằng các thành viên của câu lạc bộ tỷ phú xây hầm trú ẩn không cần phải tin vào khả năng xảy ra ngày tận thế hoặc sự sụp đổ xã ​​hội sắp xảy ra.

Thay vào đó, thực tế vì họ có nhiều tiền đến mức không biết làm sao tiêu cho hết, nên họ có thể sử dụng một phần nhỏ trong số đó để xây dựng các pháo đài dưới lòng đất. Ví dụ, Bill Gates sở hữu ít nhất 8 bất động sản chỉ riêng ở Mỹ và theo Hollywood Reporter, "người ta đồn rằng có khu vực an ninh ngầm dưới mỗi ngôi nhà của ông".

Đối với các tỷ phú, việc bỏ tiền vào những dự án như vậy không có nghĩa là họ điên rồ, hoang tưởng hay sở hữu những kiến ​​thức bí mật đặc biệt nào đó về tương lai. Đó chỉ đơn giản là một trong những "danh mục đầu tư đa dạng" mà họ bỏ tiền vào.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Câu hỏi lớn sau sự cố Facebook sập toàn cầu

Nhiều người bỏ mạng xã hội với hy vọng cuộc sống sẽ vui vẻ, hạnh phúc hơn. Nhưng câu trả lời có thể phức tạp hơn chúng ta nghĩ.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm