Sáng 25/1, TAND quận 1 (TP.HCM) tiếp tục xét xử vụ tranh chấp tác quyền đối với 4 hình tượng nhân vật trong truyện Thần đồng đất Việt.
Trong phần trình bày quan điểm, họa sĩ Lê Linh - nguyên đơn trong vụ án bật khóc. Ông mong Tòa cân nhắc để đưa ra phán quyết đúng đắn bởi ông cho biết bản thân theo đuổi vụ kiện 12 năm ròng rã là hoàn toàn có lý do. "Việc xác định ai là tác giả có ý nghĩa rất lớn đối với bản thân tôi và gia đình", nguyên đơn rơi nước mắt, nói.
Đại diện Phan Thị cho rằng trong suốt phiên tòa, Lê Linh không thể hiện được sự bức xúc của một họa sĩ khi tác phẩm của mình bị xâm phạm như trình bày. "Bởi vì ông Linh không phải là tác giả và là người biết toàn bộ quá trình sáng tác ra bộ truyện", đại diện bị đơn khẳng định.
Phan Thị có đăng ký nhãn liệu 'Lê Linh'?
Trong phần xét hỏi sáng nay, Lê Linh dẫn ra căn cứ ở tập 24 của truyện Thần đồng đất Việt có phản ánh lại quá trình tạo ra một tập truyện, trong đó có nêu ra ông Linh tham gia chủ yếu vào các quá trình.
Ông Nguyễn Vân Nam, đại diện cho cả Phan Thị và bà Hạnh, giải thích điều này chỉ nhằm lăng xê cho Lê Linh chứ không phản ánh toàn bộ sự thật của quá trình hình thành Thần đồng đất Việt.
Lúc này, chủ tọa chất vấn: "Phan Thị đưa ra công luận toàn bộ nội dung quy trình sáng tạo ra tập truyện nhưng giờ lại nói không phản ánh trung thực quá trình đó. Sau một thời gian phát hành giờ lại phủ nhận, ông đánh giá thế nào về việc này?".
Đại diện Phan Thị cho biết việc phát hành truyện nhằm mục đích kinh doanh, thông tin có thể không phản ánh đúng nhưng không phải sai sự thật. "Nói như chủ tọa bất kỳ thông tin kinh doanh nào cũng bắt buộc phải nói đúng bí mật kinh doanh của doanh nghiệp hay sao?", ông Nam đặt câu hỏi.
Ông Lê Linh tại tòa sáng 25/1. Ảnh: Hoài Thanh. |
Việc văn bản trong hồ sơ gửi Cục Bản quyền có chữ ký của Lê Linh, ông Linh cho biết hoàn toàn làm theo ý của bà Hạnh chứ không hề nghĩ gì.
"Phía bị đơn nói chính ông và bà Hạnh đồng ý xác nhận nhau là tác giả, giờ ông quay lại kiện, tức là không thực hiện đúng cam kết. Ông có ý kiến gì?", HĐXX hỏi nguyên đơn.
"Lúc đó, ý của bà Hạnh nói với tôi là ký thể hiện đồng sở hữu chứ không phải đồng tác giả. Khi ấy truyện đã công bố 4 tập, ký là bắt đầu từ tập 5. Còn nếu nói ký giấy đó với ý nói bà Hạnh là đồng tác giả thì hoàn toàn không có. Nếu bà Hạnh nói mình là đồng tác giả, bà đã đưa tên mình lên sách rồi", ông Lê Linh giải thích.
Đối với yêu cầu không cho Phan Thị tiếp tục sử dụng 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Eọ, Dần Béo, Cả Mẹo, để tạo ra các biến thể khác; Lê Linh cho rằng chính việc từ tập 79 trở về sau, Phan Thị và bà Hạnh thuê những người khác vẽ lại đã làm khác đi so với 4 nhân vật gốc ông sáng tạo trước đó (đã được đăng ký ở Cục Bản quyền).
Vị họa sĩ cho rằng nếu Phan Thị muốn làm điều này, cần phải được sự cho phép của ông. Ông là tác giả nên việc làm của bị đơn là xâm phạm đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của ông (theo khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ).
"Tạo ra các biến thể khác cần phải xin phép tác giả là tôi", Lê Linh nhấn mạnh.
Ông Linh cho rằng Phan Thị sử dụng 4 hình ảnh nhân vật trong Thần đồng đất Việt để tạo ra các biến thể khác với bản gốc của ông đã đăng ký. Ảnh: Trương Khởi. |
Ngoài ra, Lê Linh còn chỉ ra khi vụ việc đang tranh chấp thì phía bị đơn lại đi đăng ký nhãn hiệu cho tên "Lê Linh". Về điều này, đại diện Phan Thị cho rằng đó là sự "bịa đặt". Nhưng khi đại diện VKS đọc tên văn bản có xác nhận của Cục Sở hữu trí tuệ thì ông Vân Nam nói : "Tôi không biết điều này. Tôi sẽ xem lại chữ ký và con dấu".
Đưa tên họa sĩ lên bìa để xây dựng biểu tượng
Bị đơn tiếp tục bác bỏ những yêu cầu và cáo buộc của nguyên đơn. Việc đưa tên Lê Linh lên bìa sách, Phan Thị cho rằng với mục đích đưa họa sĩ này thành một biểu tượng cho bạn đọc nhỏ tuổi, tránh việc ghi tên quá nhiều người không có ý nghĩa chứ không hề khẳng định Lê Linh chính là tác giả.
Trong một vài câu hỏi liên quan đến bộ truyện đang tranh chấp, người đại diện cho Phan Thị nhiều lần trả lời không nắm rõ. Chủ tọa nhắc nhở: "Ông là đại diện, về nguyên tắc, thông tin liên quan đến truyện Thần đồng đất Việt ông phải nắm rõ".
Ông Nguyễn Vân Nam là người đại diện cho cả Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh. Ảnh: Trương Khởi. |
Phía bị đơn tiếp tục khẳng định lại chính trong văn bản gửi Cục Bản quyền để đăng ký có chữ ký của ông Linh, vị họa sĩ đã tự nguyện cam kết mình là đồng tác giả. Dù đơn không ghi cụ thể nhưng Phan Thị cho rằng nội dung mặc nhiên hiểu là đề nghị công nhận tác giả cho cả bà Hạnh và ông Linh.
"Với tư cách người có năng lực, không bị ép buộc, chính ông Linh xác nhận là đồng tác giả nên đề nghị ông phải tôn trọng mình là đồng tác giả. Một khi chưa được giải phóng khỏi cam kết đã ký thì không có quyền yêu cầu tòa công nhận mình là tác giả duy nhất", người bảo vệ quyền lợi cho bị đơn nhấn mạnh.
Đối với yêu cầu không cho bà Hạnh tạo ra các biến thể khác từ 4 nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo, bị đơn chỉ ra quyền tác giả là quyền chung của đồng tác giả. Ông Nam giải thích "biến thể" là dựa trên tác phẩm gốc và theo ý nguyên đơn hiểu chính là tác phẩm phái sinh.
Bị đơn khẳng định quyền sở hữu đối với 4 hình tượng nhân vật trong truyện thuộc về Phan Thị. Từ tập 79 trở về sau, Phan Thị khẳng định quyền sở hữu thuộc về công ty này, còn quyền tác giả là bà Hạnh và các cộng sự khác. Do đó, bị đơn không cần phải xin phép ông Lê Linh khi làm tác phẩm phái sinh.
"Quyền sở hữu hình ảnh 4 nhân vật khác với quyền tác giả. Trong quyền tác giả mới có quyền nhân thân và quyền tài sản", ông Nam giải thích trước Tòa và cho rằng từ tập 79 trở về sau, việc sáng tạo không hề làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của tác phẩm, cũng không phương hại đến uy tín, danh dự của Lê Linh.
Phiên tòa tiếp theo được mở lại vào sáng 1/2.