Khung cảnh TP.HCM vắng lặng qua tranh vẽ
Bộ tranh này ra đời trong hoàn cảnh TP.HCM "trọng thương" vì dịch bệnh. Khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, họa sĩ Lê Sa Long có thời gian chiêm nghiệm về tình cảm dành cho Sài Gòn, cảm nhận được tình người giữa đại dịch. Anh quyết định gửi gắm góc nhìn của mình qua tranh vẽ. Nhà thờ Đức Bà, đường Đồng Khởi, đường Trường Sa, đường Ngô Đức Kế trong cơn mưa đêm, hay hồ Con Rùa, phố đi bộ Nguyễn Huệ... không còn hình ảnh nhộn nhịp vốn có như trước. Từng góc phố, địa danh biểu tượng nổi tiếng của Sài Gòn hiện lên trong tranh vẽ của họa sĩ Lê Sa Long là khung cảnh vắng vẻ, dây phong tỏa giăng chằng chịt. Họa sĩ cho biết khi thực hiện những bức tranh phong cảnh, anh phải đi thực tế nhiều lần, ký họa rồi chỉnh sửa. Từ cuối tháng 6, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Lê Sa Long không ra ngoài vẽ ký họa. Anh buộc phải vẽ lại tranh từ hình chụp trước đó, hình do bạn bè gửi, hình được chia sẻ trên mạng xã hội. Đường Ngô Đức Kế (quận 1) trong cơn mưa đêm những ngày đầu giãn cách là tác phẩm anh yêu thích. Tranh “Hồ Con Rùa" vắng lặng lại khiến anh trăn trở nhiều. Đây là nơi gắn với nhiều kỷ niệm của họa sĩ gần 30 năm trước, khi anh còn là sinh viên tỉnh lẻ chân ướt chân ráo vào Sài Gòn học. "Sáng 20/6, thấy khu vực bị giăng dây, khung cảnh cô quạnh, tưởng chừng trái tim mình cũng đang hắt hiu", họa sĩ Lê Sa Long bộc bạch.
Tình người ấm áp giữa đại dịch
Giữa khung cảnh vắng lặng của thành phố đang gồng mình vì "trận cúm'', vẫn có tình người ấm áp của các y bác sĩ ngày đêm chống dịch, của người dân khắp nơi chung tay hướng về Sài Gòn. Họa sĩ Lê Sa Long đã dùng ngôn ngữ hội họa để tái hiện lại những khoảnh khắc ý nghĩa đó. Bức tranh nữ bác sĩ Phạm Thị Thạnh Thủy mặc đồ bảo hộ bế em bé trong khoa cấp cứu bệnh viện Trưng Vương (quận 10, TP.HCM) khiến nhiều người không khỏi xúc động. Hình ảnh em bé 5 tuổi (Bình Chánh, TP.HCM) mặc đồ bảo hộ rộng thùng thình, bước lên xe cứu thương là tác phẩm họa sĩ Lê Sa Long gửi gắm nhiều cảm xúc. Anh cho biết hình ảnh của bé được một điều dưỡng quay lại. Cả cha và bà ngoại em đều mắc Covid-19. Trái với vẻ hiu quạnh của những điểm du lịch bị phong tỏa, hình ảnh những quán ăn, siêu thị 0 đồng, sạp rau của anh Minh... lại khiến nhiều người có cái nhìn tích cực hơn về tương lai đại dịch Covid-19 sẽ sớm kết thúc. Sau khi đăng tải bộ tranh về TP.HCM ngày giãn cách trên trang cá nhân, họa sĩ Lê Sa Long nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng. Nhiều người hỏi mua các tác phẩm dù chưa nhìn thấy tận mắt. "Sống ở TP.HCM đủ lâu, tôi đau lòng khi chứng kiến thành phố thân thương bệnh năng, nhưng trong nỗi khó khăn vẫn có tình người hiện hữu. Tôi tin rằng khi mọi người đồng lòng, thành phố sẽ sớm khỏe", họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ.
Từ cuối tháng 5 đến nay, họa sĩ Lê Sa Long đã vẽ khoảng 40 bức tranh tái hiện cuộc sống ở TP.HCM khi dịch Covid-19 bùng phát. Anh Long tiếp tục vẽ thêm 20 bức tranh và sẽ tổ chức triển lãm bộ tranh này để đánh dấu ngày TP.HCM vượt qua đại dịch. Toàn bộ tiền bán tranh sẽ được đóng góp cho quỹ giúp người nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Họa sĩ Lê Sa Long học tập và lập nghiệp tại TP.HCM hơn 30 năm. Năm 2020, anh gây chú ý với loạt tranh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những “người tình âm nhạc”. Triển lãm tranh “Khẩu trang và người nổi tiếng” của anh cũng gây tiếng vang.