Biểu hiện của động vật bị nhiễm bệnh nai xác sống là sút cân, đi không vững, mắt lờ đờ, chảy nước dãi. Ảnh: Pixabay. |
USA Today đưa tin hai thợ săn ăn thịt nai ở Mỹ mắc bệnh suy mòn mạn tính (CWD), hay còn gọi là bệnh nai xác sống. Sau khi ăn thịt nai nhiễm bệnh, hai người này xuất hiện một số triệu chứng liên quan bệnh thần kinh rồi sau đó tử vong.
Lo ngại bệnh nai xác sống
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Y tế (thuộc Đại học Texas, San Antonio) thông tin hai thợ săn này tử vong vào năm 2022 do ăn thịt nai từ một đàn bị mắc bệnh nai xác sống.
Trước khi qua đời, hai người này xuất hiện triệu chứng của bệnh Creutzfeldt-Jakob (CJD) - một loại bệnh thần kinh giống bệnh suy mòn mạn tính.
Trong số hai người này, người đàn ông 77 tuổi nhanh chóng phát bệnh rối loạn tâm thần và trở nên hung hăng. Dù được điều trị, ông qua đời chỉ sau một tháng phát hiện mắc bệnh.
Nơi tập trung nhiều hươu nai nhiễm bệnh nhất là bang Kansas, Nebraska, Wisconsin và Wyoming. Ảnh: WFLA News. |
Trong cuộc họp thường niên của Học viện Thần kinh học Mỹ được tổ chức đầu tháng 4, các nhà khoa học báo cáo ca bệnh này và cả một trường hợp tương tự trong cộng đồng đã cho thấy bệnh nai xác sống có khả năng lây truyền từ động vật sang người nếu con người ăn phải thịt của động vật nhiễm bệnh.
Các nhà nghiên cứu không cho biết những người này sống hoặc săn bắn ở đâu. Nhưng theo CDC Mỹ, nơi tập trung nhiều nai nhiễm bệnh nhất là bang Kansas, Nebraska, Wisconsin và Wyoming.
Từ hai ca bệnh nêu trên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết và cấp thiết của việc điều tra kỹ hơn về những rủi ro tiềm ẩn khi ăn thịt nai bị nhiễm bệnh nai xác sống, cũng như những tác động của bệnh đối với sức khỏe cộng đồng.
Thủ phạm gây bệnh
Theo CDC Mỹ, bệnh nai xác sống là một chứng rối loại thoái hóa thần kinh hiếm gặp, thường ảnh hưởng đến các loài như hươu, nai sừng tấm, nai sừng xám...
Điều đáng chú ý là bệnh nai xác sống không phải do virus hay vi khuẩn gây ra, mà là do prion - một loại protein bị lệch tâm, khiến các protein trong não cũng gặp vấn đề tương tự, từ đó dẫn đến tình trạng tổng thương não, thoái hóa thần kinh cùng một số vấn đề khác.
Prion khiến giới khoa học lo ngại vì chúng có khả năng phục hồi rất mạnh và có thể tồn tại trong nhiều năm. Đặc biệt, chúng có thể chống lại khí độc formaldehyde, bức xạ và tồn tại trong nhiệt độ khắc nghiệt.
Bệnh prion thường phát triển rất nhanh và luôn gây tử vong, có thể gây ảnh hưởng đến con người và động vật. Bệnh Creutzfeldt-Jacob (CJD) và bệnh Creutzfeldt-Jacob biến thể (vCJD) - một dạng bệnh bò điên - là những ví dụ về bệnh prion được tìm thấy ở người.
Đây cũng là ví dụ cho thấy bệnh prion có thể lây từ gia súc sang người nên một số nhà nghiên cứu tin rằng bệnh nai xác sống cũng có thể gây ra vấn đề tương tự.
Ví dụ, với bệnh bò điên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cho biết gia súc thường phải mất 4-6 năm từ khi nhiễm bệnh mới xuất hiện triệu chứng. Trong khi đó, thời gian ủ bệnh của hươu, nai là khoảng 2 năm.
Do đó, các loài động vật mắc bệnh có thể trông vẫn bình thường cho đến khi chúng chính thức xuất hiện các triệu chứng như sút cân, đi không vững, mắt lờ đờ, chảy nước dãi hay thậm chí là rơi vào hôn mê.
Bệnh bò điên ở người - tên gọi khác là bệnh não xốp ở bò - thường bắt nguồn từ việc con người ăn thịt gia súc nhiễm bệnh. Điều này cũng khiến các nhà khoa học lo ngại về nguy cơ truyền bệnh suy mòn mạn tính từ hươu nai sang người.
Hươu nai thường ủ bệnh nai xác sống trong khoảng 2 năm rồi mới xuất hiện triệu chứng. Ảnh: CBS News. |
Bệnh nai xác sống có lây cho người?
Đến nay, thế giới chưa ghi nhận trường hợp lây bệnh nai xác sống trực tiếp từ động vật sang người, nhưng mối lo ngại đã tăng lên đáng kể khi Mỹ phát hiện một con nai mắc bệnh đã chết ở Công viên Quốc gia Yellowstone vào tháng 11/2023.
Phó giáo sư Jennifer Mullinax, người chuyên nghiên cứu về động vật hoang dã ở Đại học Maryland, xác nhận rằng đến nay chưa có trường hợp nào bị nhiễm bệnh nai xác sống từ hươu hoặc nai sừng tấm sang người.
Tuy nhiên, do tính chất của prion, CDC và các cơ quan khác đã tìm mọi cách để loại bỏ loại protein lệch tâm này ra khỏi chuỗi thức ăn.
Cũng bàn về vấn đề này, ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói với BBC rằng nếu bệnh nai xác sống có thể truyền trực tiếp sang người, nó có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tương tự bệnh bò điên.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là các prion gây ra bệnh bò điên và prion gây ra bệnh nai xác sống khác nhau về mặt cấu trúc. Do đó, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể biết liệu chúng ta có thể so sánh bệnh lý và biểu hiện lâm sàng của hai loại bệnh này hay không.
Khi hơi thở hóa thinh không
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y