Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hoài Lâm bị chê béo và nạn miệt thị ngoại hình nam giới

Việc Hoài Lâm bị tấn công chuyện tăng cân càng chứng minh rằng nạn body shaming không chừa phái mạnh. Vấn đề miệt thị ngoại hình nam giới cũng chưa được quan tâm đúng mực.

Ca sĩ Hoài Lâm biểu diễn trong đêm nhạc tại Đà Lạt. Ảnh: Phương Lâm.

Ngày 15/10, ca sĩ Hoài Lâm chính thức trở lại sân khấu sau gần 3 năm rút khỏi showbiz. Sự xuất hiện của giọng ca Hoa nở không màu được nhiều khán giả quan tâm và chào đón.

Tuy nhiên, dưới những bài viết chúc mừng sự trở lại của Hoài Lâm, không ít tài khoản công khai chê trách việc nam ca sĩ đã không quản lý tốt hình ảnh bản thân.

“Giảm phong độ từ ngoại hình đến giọng hát”, “Béo lên nhìn hết đẹp trai rồi”, “Nếu tôn trọng khán giá, hãy giảm cân rồi hẵng trở lại sân khấu”... là vài trong vô số lời nhận xét nhắm vào ngoại hình của anh.

Theo cách có ý thức hoặc vô thức, miệt thị ngoại hình (body shaming) dường như ngày càng khắc sâu vào đời sống, khiến nhiều người có định kiến vẻ bề ngoài của những cá nhân họ không quen biết.

body shaming anh 1

Áp lực không có thân hình "chuẩn" khiến nhiều đàn ông rơi vào căng thẳng, hoặc tập luyện quá sức. Ảnh: Japan Times.

Tương tự phụ nữ, nam giới cũng đang gánh chịu áp lực và những thách thức để sở hữu thân hình lý tưởng. Ngay cả khi nhận thức được vấn đề này, thật khó để giải quyết nó bởi ít ai bàn đến các vấn đề xoay quanh miệt thị ngoại hình đàn ông.

"Dù vấn đề về hình ảnh cơ thể nam giới không còn mới mẻ nữa, thực sự chưa có ai tranh luận hoặc làm điều gì nhằm cải thiện tình trạng này", Aaron Flores, chuyên gia dinh dưỡng ở Calabasas (bang California, Mỹ), chuyên về hình ảnh cơ thể nam giới, nói.

Nỗi ám ảnh cơ bắp cuồn cuộn

Bác sĩ tâm thần Shobhana Mitta (Delhi, Ấn Độ) cho biết thân hình lý tưởng của một người đàn ông, gồm cơ bụng 6 múi và cơ thể săn chắc, hiện vẫn tồn tại trong tâm lý phái mạnh và cả phần lớn công chúng.

Bởi vậy, nhiều đàn ông, ngay cả những ngôi sao quốc tế, không thể tránh khỏi nạn miệt thị ngoại hình.

Diễn viên Leonardo DiCaprio là một trong số đó. Những bức ảnh lộ bụng bia của nam diễn viên thường xuyên bị chê bai. Đặc biệt, tấm hình tài tử cầm súng nước chạy trên bãi cỏ còn trở thành ảnh chế phổ biến trên mạng xã hội.

body shaming anh 2

Dù thường xuyên là mục tiêu chỉ trích, Leonardo DiCaprio hiếm khi đề cập đến chuyện bị chê bai ngoại hình. Ảnh: NY Magazine.

Jason Momoa cũng từng khiến người hâm mộ thất vọng chỉ vì đánh mất thân hình vạm vỡ, đầy quyến rũ của mình.

Năm 2019, hình ảnh nam diễn viên cởi trần tại đảo Oahu (Hawaii, Mỹ) cho thấy anh tăng cân rõ rệt. Thời điểm đó, không ít bình luận trên mạng xã hội chế nhạo “bụng bia” của anh, thậm chí yêu cầu tài tử Aquaman nên chăm chỉ tập gym trở lại.

Tháng 9/2021, Vin Diesel khiến người hâm mộ bất ngờ với hình ảnh bụng to, cơ thể kém săn chắc khi du lịch cùng người mẫu Paloma Jiménez và 3 con. Nam diễn viên nhận vô số lời miệt thị, thậm chí bị gọi là “diễn viên chính của phim Fat & Furious (Béo & Nguy hiểm)”.

Trước đó, tài tử nổi tiếng từng bị khán giả phàn nàn nhiều lần về phong độ ngoại hình thất thường. Thực chất, anh thường chỉ giảm mỡ, tăng cơ mỗi lần đóng phim.

Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình truyền hình Good Morning America năm 2015, ngôi sao 54 tuổi từng chia sẻ rằng anh thấy kỳ lạ khi nhiều người bất ngờ với ngoại hình liên tục thay đổi của mình.

“Tôi thực sự không quan tâm. Không phải lúc nào tôi cũng cố gắng giữ dáng để có thân hình hoàn mỹ”, anh nói.

Theo Hiệp hội Tâm lý Australia, số lượng đàn ông không hài lòng về hình ảnh cơ thể đã tăng gấp 3 lần trong 25 năm qua, từ 15% lên 45%. Tính ở bất kỳ thời điểm nào, khoảng 11% nam giới Australia đang ăn kiêng, bao gồm chế độ ăn không lành mạnh.

Cùng với đó, dự án nghiên cứu The U.S. Body Project của nhóm các nhà khoa học Mỹ cho thấy trong số 11.620 người trưởng thành tham gia khảo sát, 30-40% nam giới lo ngại về cân nặng của họ.

Đồng thời, có tới 85% người không hài lòng về cơ bắp trên người mình. Nhiều nam giới cũng bày tỏ mong muốn có một vóc dáng săn chắc và cơ bắp - vốn thường được coi là đồng nghĩa với sự nam tính.

Ám ảnh mạng xã hội

Miệt thị ngoại hình có thể gây ra bệnh trầm cảm, rối loạn ăn uống, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tinh thần và thể chất, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ.

Trong khi đó, tiến sĩ Jenny Cole, giảng viên bộ môn Tâm lý học ở ĐH Manchester Metropolitan (Anh), nhận định mạng xã hội đang ngày càng làm trầm trọng thêm nạn body shaming, nhất là khi xã hội sống trong văn hóa trực quan, nơi hình ảnh cơ thể người khác được chia sẻ liên tục.

Cùng với đó, tiến sĩ Scott Griffiths, thành viên nghiên cứu cao cấp tại Trường Khoa học Tâm lý Melbourne (Australia), cho biết hình ảnh cơ thể nam giới trên truyền thông ngày càng trở nên gầy và cơ bắp hơn theo thời gian.

Qua nghiên cứu về chứng rối loạn ăn uống, rối loạn cơ bắp và sự không hài lòng về cơ thể ngày càng phổ biến ở nam giới và trẻ em trai, ông nhận thấy rằng việc tiếp xúc nhiều lần với những hình tượng đàn ông rất lực lưỡng trên truyền thông hay mạng xã hội có thể làm giảm sự tự tin và giá trị bản thân của nam giới.

“Những hình tượng cơ thể phi thực tế đã dẫn đến việc nhiều người tập luyện quá sức, tìm kiếm chất bổ sung, bị chấn thương, và có thể rơi vào trầm cảm, lo âu nếu không đạt được mục tiêu như mong đợi”, ông cảnh báo.

Bác sĩ Joseph Thomas, Giám đốc Y khoa của Trung tâm chăm sóc sức khỏe Medlounges (Ấn Độ), cho biết nạn miệt thị ngoại hình có thể xảy ra với bất kỳ ai, dù là nam hay nữ giới. Do đó, đàn ông cần nhận ra họ không đơn độc trong cuộc chiến chống lại vấn đề body shaming.

Có một số điều cần thực hiện để cải thiện tình trạng này, theo gợi ý của Healthline.

  • Chấp nhận bản thân: Việc đầu tiên cần làm là chấp nhận thân hình của mình, không cố gắng "sửa đổi" nó nhằm chạy theo mẫu thân hình lý tưởng của xã hội.
  • Trao đổi về vấn đề body shaming ngoài đời thực: Hãy bày tỏ những nỗi lo về áp lực ngoại hình với người khác, hoặc dành lời khen ngợi nhiều hơn tới những người bạn nam giới.
  • Đừng sợ bị tổn thương: Mở lòng và trung thực về những thách thức xoay quanh hình ảnh cơ thể không phủ nhận sự nam tính của bạn. Chỉ khi học cách chia sẻ trải nghiệm cá nhân, cả tiêu cực lẫn tích cực, bạn mới có thể được chữa lành.
  • Nhắc nhở bản thân rằng những ảnh chụp thân hình trên mạng xã hội là không thực tế: Truyền thông góp phần lớn trong việc mô tả sai lệch vóc dáng trung bình của con người. Hãy điều chỉnh sao cho các trang mạng xã hội chỉ hiển thị những nội dung truyền cảm hứng tích cực về cơ thể.

Người phụ nữ khỏe nhất thế giới cũng bị miệt thị vì cơ bắp

Những bình luận chế giễu khiến Tia Clair Toomey nhiều lần bật khóc và từng nói với chồng cô rằng: "Em không hạnh phúc trong cơ thể này".

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm