Chuyện xưa kể rằng…
Có dịp đến bãi biển Đại Lãnh (Khánh Hòa) cách đây ít hôm, càng ấn tượng với rừng dương ở đây bao nhiêu, chúng tôi càng nuối tiếc những rừng dương Thọ Quang, Mân Thái, Mỹ Khê, Sao Biển, Non Nước, Xuân Thiều… trải ngút ngàn trên bãi biển Đà Nẵng. Nếu còn đến bây giờ, chắc cũng cổ thụ không kém gì rừng dương Đại Lãnh. Cách đây hơn 10 năm về trước, những rừng dương ấy là nơi thanh thiếu nhi Đà Nẵng mở hết đợt trại này đến đợt trại khác, nhất là vào dịp hè.
Càng ấn tượng với rừng dương ven biển Đại Lãnh (Khánh Hòa) hiện nay bao nhiêu... Ảnh: HC. |
Để dự trại, thanh thiếu nhi phải tự góp gạo, góp củi, góp tiền mua mắm, mua muối; tự dựng lều trại, tự đi chợ, tự nấu ăn, tự rèn luyện, tự chăm sóc mình trong mấy ngày sống xa gia đình. Kham khổ, thiếu thốn lắm, nhưng niềm vui sướng thì không thể nào diễn tả hết. Ban ngày, vui chơi sinh hoạt trên cát trắng, dưới bóng dương rợp mát, thi dựng trại, thi nghi thức Đội, múa hát, đá bóng, kéo co... Chiều đến tha hồ tắm biển, cào nghêu, cào rạm... đem về nấu cháo!
Buổi tối, cùng quây quần bên ánh lửa trại bập bùng, lắng nghe lời gọi lửa như hồn thiêng sông núi từ ngàn xưa vọng về với một cảm giác rất linh thiêng. Đêm nằm nghe tiếng sóng vỗ ì ầm, chợt thấy mình như bé nhỏ, đơn côi giữa trời biển mênh mông nhưng lại thấy cứng cáp, rắn rỏi hơn lên khi bên cạnh là ngọn lửa hồng, là những vòng tay của bạn bè, anh chị phụ trách... Để đến sáng sớm mai lại tưng bừng đón ánh bình minh trên biển cùng bao trò đùa vui với sóng nước!
Đáng kể nhất là trại hè Khăn quàng đỏ do Thành Đoàn TP Đà Nẵng (cũ) tổ chức ở khu vực Sao Biển vào mùa hè, thu hút hàng chục ngàn thanh thiếu nhi tham dự. Trại hè kéo dài suốt cả tháng, mỗi đợt có 3-4 phường đưa thanh thiếu nhi đến dự trại 3 ngày, rồi lại đến 3-4 phường khác. Một trong những nguyên nhân chính giúp trại hè có thể kéo dài liên tục ở bờ biển này chính là nhờ có... rừng dương phủ đầy bóng mát.
...càng quay quắt nhớ những rừng dương Thọ Quang, Mân Thái, Mỹ Khê, Sao Biển, Non Nước, Xuân Thiều… từng là nơi cắm trại lý tưởng của thanh thiếu nhi Đà Nẵng (Ảnh: HC, chụp lại từ ảnh tư liệu cách đây hơn 15 năm). |
Mỗi đợt đến dự trại, ngoài các hoạt động trại, thanh thiếu nhi Đà Nẵng còn tham gia trồng cây ven biển. Phong trào này cũng được Thành Đoàn Đà Nẵng phát động rộng khắp trong các cấp Đoàn, Đội cơ quan, trường học, địa phương trên địa bàn. Chỉ là cây dương, cây điều... và cũng không được quy hoạch gì cả, nhưng bằng nhiệt tình của tuổi trẻ, những rừng cây cứ dài, rộng ra, đưa bóng mát phủ khắp bờ biển này...
Sự “biến mất” của khu trại hè “cả nước không có cái thứ hai”!
Anh Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng, nguyên Phó Bí thư Thành Đoàn (cũ) và là người phụ trách trại hè “Khăn quàng đỏ” khẳng định: “Cả nước làm chi có cái thứ hai, dễ gì làm được, chỉ Đà Nẵng chứ không nơi nào tổ chức được khu trại hè như thế cả. Mỗi đợt trại hơn 1.000 thanh thiếu nhi, mỗi tháng có hàng chục đợt nhưng không tốn tiền Nhà nước gì hết.
Toàn là học sinh, sinh viên tình nguyện làm cộng tác viên giúp đỡ các em thiếu nhi, Nhà nước chỉ lo ăn uống sơ sơ cho Ban quản trại và một ít phần thưởng, còn lại là các phường tự lo để đưa các em đi dự trại. Mà rõ ràng chương trình tốt quá đi chứ, có tính giáo dục chu đáo. 20 năm lại đây làm gì có được những chương trình như thế. Hoàn toàn cả nước không có đâu!”.
Và không chỉ trại hè “Khăn quàng đỏ” ở Sao Biển mà các cuộc trại cho cán bộ Đoàn – Hội, thanh niên các tỉnh, thành trong cả nước, các đêm lửa trại chào đón hàng ngàn bạn trẻ trên tàu Hòa Bình (Peace Boat – Nhật Bản), tàu Thanh niên Đông Nam Á đến thăm Đà Nẵng do Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh QN-ĐN, sau này là Hội LHTN TP Đà Nẵng tổ chức ở rừng dương Non Nước cũng đem lại nhiều tiếng vang và ấn tượng rất tốt đẹp cho bạn bè trong nước và quốc tế…
Thế nhưng khi Đà Nẵng bắt đầu mở tuyến đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa) hồi năm 2002 thì việc chặt phá rừng dương cũng xảy ra suốt dọc tuyến ven biển Đà Nẵng. Khi ấy tôi đã viết bài “Thảm sát cây xanh ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc”, cảnh báo nguy cơ những rừng dương này sẽ bị xóa sổ. Tuy nhiên, lời cảnh báo không được ai đoái hoài. Hậu quả là rừng dương bị xóa sổ thật, chỉ để lại bao hoài niệm và những bãi cát trắng khô khốc!
Không còn rừng dương, bờ kè đường Hoàng Sa bị sóng biển xâm thực, xói lở hết lần này đến lần khác. Không còn rừng dương, mỗi lần có bão thì cát biển lại tràn lên mặt đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa. Không còn rừng dương, chạy xe trên tuyến đường ven biển trong những ngày hè nắng nóng như thế này, gặp cơn gió lớn là cát thốc vào mặt rất nguy hiểm!
Dấu tích của những rừng dương tuyệt vời ven biển Đà Nẵng hiện chỉ còn trong khu du lịch Sandy Beach, nhưng làm gì có chuyện họ cho thanh thiếu nhi vào cắm trại! Ảnh: HC. |
Bây giờ, thanh thiếu nhi Đà Nẵng muốn tìm lại cảm giác vui đời sống trại dưới bóng mát rừng dương như lớp anh chị ngày trước thì chỉ ảo tưởng. Rừng dương ngày ấy chỉ còn đôi chút dấu tích ở khu du lịch Sandy Beach ở Non Nước, khu du lịch Xuân Thiều; nhưng đó là các khu du lịch, ai cho thanh thiếu nhi tùy tiện vào đó cắm trại "miễn phí"?
Vì phát triển du lịch nên phải chấp nhận trả giá?
Không còn bãi biển, không còn rừng dương, thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên Đà Nẵng nay phải cắm trại trên nền bê tông của sân trường hay những khoảng đất trống hiếm hoi bóng cây xanh và đặc biệt là hoàn toàn không có biển.
Cô Võ Xuân Mai, nguyên Tổng phụ trách Đội trường THCS Kim Đồng giai đoạn 1987 – 1992 nhìn nhận: “Hồi đó Liên đội trường Kim Đồng có một đội ngũ cộng tác viên tuyệt vời. Bây giờ lều trại không được dựng bằng vải, gậy tre, cọc gỗ, dây dừa... mà là cái rạp bằng khung sắt và tôn. Cổng trại không phải bằng tre, bằng nón, bằng nia... mà bằng mấy tấm nilon in vi tính đủ màu sắc. Đất trại thì bê tông, không có một bóng cây. Học trò, anh chị phụ trách không phải làm chi cả vì có dịch vụ "Rèn luyện kỹ năng" bao căn từ A đến Z rồi. Nhớ lại mà buồn!”.
Tuy vậy, cũng có người cho rằng “được cái này phải mất cái khác”, Đà Nẵng phải chấp nhận mất rừng dương để mở tuyến đường ven biển, để mọc lên các khu resort, để phát triển du lịch… Họ nói vậy có lẽ vì chưa bao giờ đặt chân đến đường Độc Lập ở Tuy Hòa (Phú Yên).
Đây cũng là tuyến đường du lịch ven biển của TP này, nhưng khác với Đà Nẵng, nó được mở giữa rừng dương, phía bên trong xen giữa những khoảng rừng dương có một số nơi dành cho các khách sạn, resort, còn phía biển thì vẫn là rừng dương ngút ngàn và không gian biển rộng thoáng cho cộng đồng, hầu như không công trình đáng kể nào mọc lên ở đây ngoài Quảng trường 1/4…
Không thể nói Đà Nẵng đã đúng trong việc “thảm sát” rừng dương để mở đường du lịch ven biển. Nhưng chuyện xảy ra cũng đã xảy ra rồi. Hoài niệm không phải để chỉ trích mà để đặt vấn đề: Liệu Đà Nẵng có còn cơ hội nào và có muốn tìm cơ hội để khắc phục điều chưa đúng cách đây 10 năm, vì tương lai của thế hệ trẻ trước nguy cơ bị bê tông hóa, ipad hóa, smartphone hóa… hay không?
Anh Nguyễn Hoàng Minh (ở phường ven biển Mỹ An, hiện công tác ở Chi nhánh Ngân hàng An Bình tại Đà Nẵng) tâm sự: “Cả tuổi thơ của tôi gắn với biển. Hồi 5-10 tuổi, chiều chiều thường được ba chở ra biền Bắc Mỹ An tắm; từ khi lên 10 bắt đầu tự đi tắm biển cùng bạn bè, đến tuooi9r thanh niên gặp người yêu rồi cưới làm vợ cũng từ những buổi ngồi café võng dưới hàng dương Mỹ Đa Đông. Nay dẫn con đi tắm biển, con hỏi: Mẹ kể hồi trước ba mẹ hay ngồi hóng mát dưới hàng dương. Giờ hàng dương đó đâu ba? Nghe con hỏi mà thấy đắng lòng!".