Gặp Thùy Dương sau hành trình tình nguyện đáng nhớ, cô tâm sự: "Tôi thi vào cấp 3 tổng điểm đứng thứ 4, các bạn tôi hồi đó ai cũng mong ước vào đội tuyển quốc gia môn tiếng Anh nhưng tôi thì chưa từng nghĩ vậy. Tôi chọn hướng đi khác, tự trau dồi tiếng Anh và kỹ năng mềm để đi du học. Tôi thích tham gia hoạt động ngoại khóa và gặp gỡ các bạn tình nguyện viên quốc tế. Năm lớp 10 tôi tập trung học chứng chỉ IELTS. Lên lớp 11 tôi bắt đầu chuẩn bị hồ sơ xin học bổng".
Thùy Dương (ở giữa) đang dạy tiếng Anh cho các bạn trẻ ở Indonesia. |
- Vì Sao Dương lại chọn con đường khác với các bạn?
- Tôi luôn tự vạch ra mọi kế hoạch của mình. Bố mẹ tôi tôn trọng điều đó. Bố mẹ ủng hộ vì hiểu rất rõ tính cách và sức lực của tôi còn tôi thì luôn tin rằng thành công là kết quả tất yếu cho ai kiên trì. Tôi biết rõ điều mình muốn và tôi làm việc rất cẩn thận, tôi tin mình làm được. Nhưng tôi đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn.
Hồi bắt đầu học IELTS, tôi kém phần nghe và nói lắm, nên đêm nào học bài trên lớp xong tôi cũng ngồi học thêm phần nghe tận 2h sáng. Xung quanh nhà tôi có nhà mổ lợn nên khá ồn ào, tôi phải đợi họ mổ lợn xong mới bật đài nghe.
Tôi chai mặt đến các buổi thi thử IELTS miễn phí. Nhà tôi không có anh em họ hàng ở Hà Nội nên mỗi lần ra đi thi tôi phải đi một mình. Có lần sáng 4h xe đến nơi, mẹ xin một nhà người quen cho ở nhờ một ngày, xe buýt thả tôi xuống chỗ cách nhà đó 1 km. Tôi phải đi bộ giữa đường vắng.
- Và Dương đã được đền đáp xứng đáng cho những ngày mệt mài học và ra Hà Nội đi thi?
- Đến lớp 11 thì cuối cùng tôi cũng được học bổng sang Canada, học bổng toàn phần 80.000 USD cho 2 năm học dự bị tại trường Pearson (Canada). Ở Canada tôi cũng tham gia làm việc với một số tổ chức phi chính phủ, kết quả học tập tốt nên xin học bổng sang Mỹ dễ hơn. Kết quả tôi được 6 trường Đại học của Mỹ nhận.
- Vì sao được 6 trường ở Mỹ nhận mà Dương lại tự hành xác bằng cách đi tình nguyện ở các khu ổ chuột và vùng khó khăn ở Philippines, Thái Lan?
“Tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi để đến với những người cần giúp đỡ. Những chuyến đi tình nguyện đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều. Tôi nhận ra lối đi ngay dưới chân mình, tự tìm đường đi cho mình chứ đừng đi theo những lối mòn có sẵn chỉ vì nhiều người đi trên đó”.
Trần Thị Thùy Dương
Đó là những câu chuyện về đi tình nguyện ở các nước nghèo. Có một anh đi tình nguyện ở châu Phi về, kể khổ lắm nhưng rất vui.
Tôi chưa khi nào sống khổ nên tôi nghĩ mình cũng phải đi để trải nghiệm và giúp đỡ những người khổ hơn mình. Nhưng khi tôi nói ý tưởng này ra thì bố mẹ phản đối dữ dội. Tôi nghĩ muốn bố cho phép thì phải lên một kế hoạch chi tiết.
Tôi xin các anh chị cựu học sinh địa chỉ liên lạc của mấy tổ chức họ làm. Trước lúc nghỉ hè tôi đã kịp xin vào các tổ chức làm việc. Sau khi trình bày đầy đủ kế hoạch và những công việc sẽ làm tình nguyện, bố mẹ tôi đã đồng ý.
- Dương đã có những thời gian trải nghiệm trong công việc tình nguyện như thế nào?
Tôi đến Philippines khi nước này vừa trải qua một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp. Tôi đến đó giúp dọn dẹp rác thải và tạo ra máy lọc nước giúp người dân. Sau đó về nước được một ngày tôi bay sang Indonesia cho dự án tình nguyện tiếp theo.
Chưa bao giờ tôi sống trong điều kiện cực khổ như ở Indonesia. Tôi sống ở một làng trên núi, mới 4h chiều muỗi đã bay như trấu, vơ một tay được cả nắm, bôi thuốc xịt muỗi xong muỗi vẫn cắn như thường.
Trần Thị Thùy Dương được 6 trường đại học Mỹ cấp học bổng toàn phần gồm: College, Bates College, School of Art and Design of Chicago - Class of 2017, University of Michigan, NYU, University of Florida.
Trong 3 tuần, xây 3 cái giếng, dân làng quý chúng tôi lắm, lần đầu tiên họ có nước sạch dùng. Sau 3 tuần ở Indonesia tôi về Hà Nội một ngày rồi sang Thái Lan làm tình nguyện ở khu ổ chuột Bangkok.
- Khu ổ chuột lắm tệ nạn xã hội và người có HIV rất nguy hiểm với một cô gái Việt Nam như Thùy Dương. Tại sao Dương lại tình nguyện đến đó?
Khu ổ chuột nghèo nàn và nhiều tệ nạn xã hội nhưng tôi vẫn đến vì nơi đây cần có sự giúp đỡ. Học sinh ở đây hầu hết là trẻ em đường phố, mồ côi. Mỗi ngày một em được cấp 20 bạt ( bằng 14 nghìn tiền Việt Nam).
Tôi dạy tiếng Anh cho các em. Nhiều em thông minh lắm. Các em rất quý tôi, gọi tôi là chị Suny. Tôi đã bị lây chấy rận từ các em. Các em bị chấy, trứng chấy trắng toát đầu, tôi lên lớp thường phải bắt chấy cho học sinh.
Học sinh có những đứa bị HIV thương lắm. Có những đứa mẹ đang làm ở khu đèn đỏ. Có những em 13- 14 tuổi đã vào khu đèn đỏ, họ coi đó là một nghề. Tôi vào khu đèn đỏ phát bao cao su cho họ.
Chúng tôi xây lều bạt cho những người ở khu ổ chuột. Có lần tôi đang ngủ, một người chị gõ cửa bảo đi với chị, đến nơi thấy em gái chị tự tử trong khu ổ chuột. Tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi để đến với những người cần giúp đỡ.
Những chuyến đi tình nguyện đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều. Tôi nhận ra lối đi ngay dưới chân mình, tự tìm đường đi cho mình chứ đừng đi theo những lối mòn có sẵn chỉ vì nhiều người đi trên đó.