Chiều 15/5, phiên xử sơ thẩm vụ án 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi. Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh và các thành viên HĐXX đã đặt nhiều câu hỏi cho Hoàng Công Lương và 2 bị cáo còn lại về sự cố y khoa xảy ra một năm trước.
Vì sao hệ thống lọc RO nhiễm hóa chất gấp 260 lần mức cho phép?
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, Giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh) khai sáng 28/5/2017, bị cáo này đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thay vật liệu lọc RO, tiệt trùng đường ống RO chạy thận và lấy mẫu xét nghiệm theo yêu cầu của Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.
Khi đó, công ty của Quốc và lãnh đạo Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn chưa ký hợp đồng, chỉ có thỏa thuận bằng báo giá hồi tháng 4/2017. Quốc nắm được các phần việc phải làm, nhưng không biết Thiên Sơn và bệnh viện đa khoa tỉnh ký hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc RO.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc. Ảnh: Bá Chiêm. |
Quốc thừa nhận hôm đó, anh ta chưa hoàn thành công việc nên không bàn giao cho bệnh viện bằng giấy tờ. Trước khi ra về, Quốc điện thoại cho Sơn thông báo đã sửa chữa xong, ngày mai sẽ quay lại lấy mẫu nước.
Sáng hôm sau, Quốc đến nguyên đơn thận nhân tạo thì thấy máy đã được vận hành. Bị cáo thắc mắc về việc chưa lấy nước xét nghiệm song không ngăn cản các điều dưỡng cho máy chạy thận hoạt động. “Bị cáo gọi cho Sơn, quay vào thì sự cố xảy ra”, người chưa được đào tạo chuyên ngành về chạy thận nhân tạo nhưng có 12 năm làm công việc sửa chữa hệ thống lọc RO nói tại tòa.
Tại sao sáng 29/5, bị cáo không yêu cầu bệnh viện lấy nước xét nghiệm?
"Đó là lỗi tắc trách và chủ quan của bị cáo dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng", Quốc hối hận.
Bị cáo Hoàng Công Lương (áo tím), Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc. Ảnh: Trần Quang. |
Bước lên bục xét hỏi ngay sau đó, bị cáo Trần Văn Sơn cho rằng lời khai của Quốc có một số điểm chưa đúng.
Cán bộ Phòng vật tư bệnh viện tỉnh Hòa Bình khai anh ta có trách nhiệm giám sát, kiểm tra vật tư sửa chữa. Tuy nhiên, lúc Sơn đến bệnh viện thì bị cáo Quốc đang vệ sinh cốc lọc.
Kiểm tra vật tư Quốc mang đến thấy như bảng báo giá, Sơn đã đi về, ngày hôm đó không quay lại.
Có 2 đường nước phía sau tủ và bàn hành chính, bị cáo có chỉ cho Quốc để kiểm tra chỉ số cuối cùng? Sơn cho rằng Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn lắp hệ thống RO nên nhân viên phải biết sơ đồ hệ thống nước. Bị cáo này thừa nhận anh ta có trách nhiệm phối hợp lấy mẫu nước xét nghiệm rồi mới bàn giao cho khoa. Tuy nhiên chiều 28/5, anh ta gọi điện cho một nữ điều dưỡng thông báo hệ thống lọc nước RO đã sửa chữa xong, rồi nhờ chị này khóa cửa.
Trước tòa, Sơn khai không biết quy định bắt buộc phải lẫy mẫu nước sau khi sửa chữa. Từ trước đến nay, đơn nguyên thận nhân tạo vẫn vận hành hệ thống ngay sau khi sục rửa.
Sáng 29/5, bị cáo này xuống đơn nguyên thận nhân tạo lấy mẫu nước xét nghiệm thì thấy hệ thống đã vận hành. Sơn và Quốc thống nhất lùi thời gian lấy mẫu nước đến trưa cùng ngày. Nhưng ít phút sau, 18 bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc.
"Sự việc xảy ra ngày 29/5, bị cáo cảm thấy rất có lỗi. Bị cáo không có mặt ở đó nhưng để xảy ra hậu quả có phải do lỗi bị cáo hay không, bị cáo mong HĐXX…", Sơn bỏ lửng câu nói.
'Sửa chữa máy móc thuộc trách nhiệm phòng vật tư'
Là người thứ 3 được thẩm phán Nghiêm Hoài Anh xét hỏi, bị cáo Hoàng Công Lương khai việc quản lý, sửa chữa hỏng hỏng thiết bị thuộc trách nhiệm phòng vật tư. Đơn nguyên thận nhân tạo chỉ sử dụng máy móc.
Bị cáo sinh năm 1986 khai bản thân "chỉ làm nhiệm vụ là bác sĩ điều trị, không được giao nhiệm vụ phụ trách, điều hành đơn nguyên thận nhân tạo".
Lương nói anh ta không biết quy định sau khi sửa chữa bảo dưỡng phải lấy mẫu nước xét nghiệm. Việc bàn giao là nhiệm vụ của bệnh viện và công ty Thiên Sơn. Đơn nguyên thận nhân tạo chỉ nhận thiết bị từ phòng vật tư.
Bị cáo phải biết việc bảo dưỡng xong hay chưa? Trước câu hỏi của HĐXX, Hoàng Công Lương nói khi phòng vật tư bàn giao cho đơn nguyên sử dụng đương nhiên máy móc đã được Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn bàn giao cho bệnh viện.
Tại đơn nguyên thận nhân tạo, người nhận bàn giao máy móc là điều dưỡng hành chính hoặc điều dưỡng trực. "Tôi ra y lệnh khi được bàn giao máy móc", Lương khai.
VKS: Không đủ căn cứ xử lý hình sự ông Trương Quý Dương
Sáng cùng ngày, luật sư bào chữa cho 3 bị cáo đồng loạt yêu cầu tòa triệu tập ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc bệnh viện tỉnh, đến tòa để làm rõ các nội dung liên quan. Tuy nhiên HĐXX cho rằng ông Dương đã 2 lần được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc ông này vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử do trước đó đã có lời khai tại cơ quan điều tra.
Năm 2009, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình mở phòng xử lý nước RO để chạy lọc máu thận nhân tạo. Do chưa thành lập khoa riêng nên bác sĩ Hoàng Công Lương được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực.
Cuối tháng 4/2017, phát hiện hệ thống nước RO bị hỏng, Trần Văn Sơn và bác sĩ Lương cùng ký tờ trình xin sửa máy lọc thận.
Cáo trạng của cơ quan công tố xác định ông Trương Quý Dương, Giám đốc bệnh viện, ký hợp đồng cung cấp vật tư để sửa hệ thống lọc nước RO với ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn. Bản hợp đồng trị giá gần 100 triệu đồng được Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn chuyển nhượng cho Công ty Trâm Anh do Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc với số tiền hơn 70 triệu đồng.
Cuối tháng 5/2017, Bùi Mạnh Quốc gặp Sơn tại bệnh viện để sửa máy lọc. Sau khi kiểm tra xong vật tư do Quốc cung cấp, Sơn đi về nhà để đối tác tự thực hiện công việc.
Quốc dùng hỗn hợp axit để sục rửa các cột lọc nhưng không kiểm tra chỉ số cuối cùng nên để dư lượng axit trong các cột lọc máu cao gấp 260 lần so với quy chuẩn.
Cáo trạng xác định hệ thống lọc nước RO nhiễm hóa chất là nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong. Ảnh: Việt Linh. |
Sáng 29/5, bác sĩ Lương nghe cấp dưới báo đã sửa xong máy lọc, liền ra y lệnh chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân. VKSND cáo buộc Hoàng Công Lương đã không kiểm tra, xác minh lại thông tin và không báo cáo trưởng khoa.
Nước trong hệ thống có tồn dư lượng axit được sử dụng để lọc máu thận cho 18 bệnh nhân, khiến 8 người trong số này đã tử vong.
Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Còn Bùi Mạnh Quốc bị truy tố tội Vô ý làm chết người.
Cơ quan chức năng cho rằng không đủ căn cứ để xử lý hình sự ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh) nên chỉ xử lý hành chính. Tháng 8/2017, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã cách chức Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình của ông Dương.
Trước khi phiên xử diễn ra, Hoàng Công Lương đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng. Anh này khẳng định 100% mình vô tội, mong muốn vụ án được xét xử công khai, công bằng. Các gia đình bị hại cũng cho rằng bản cáo trạng của VKS chưa đánh giá khách quan hành vi của người liên quan. Gia đình nạn nhân muốn cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm một số người khác.
Ngày 11/5, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu TAND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo xem xét, giải quyết kiến nghị của bác sĩ Lương; đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.