Ngày 21/1, sau khi HĐXX bác chứng cứ cùng đề nghị trả hồ sơ của luật sư Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn - cựu Giám đốc Công ty Thiên Sơn), phiên tòa xét xử vụ chạy thận làm chết 9 người tiếp tục xét hỏi.
Hôm nay, điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng và bác sĩ Phạm Thị Huyền (cùng ở Đơn nguyên thận, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) được triệu tập đến tòa.
Có chữ ký của Hoàng Công Lương là đủ ra y lệnh
Trình bày sau câu hỏi của luật sư Bùi Việt Anh (bào chữa bị cáo Hoàng Đình Khiếu - cựu Phó giám đốc bệnh viện), điều dưỡng Hằng cho biết hôm xảy ra sự cố (29/5/2017), 3 bác sĩ của Đơn nguyên thận gồm Hoàng Công Lương, Phạm Thị Huyền và Nguyễn Hoàng Linh đều có mặt.
Hoàng Công Lương tại phiên tòa ngày 21/1. Ảnh: Hoàng Lam. |
Sau khi điều dưỡng Đỗ Thị Điệp báo đã sửa xong máy, bác sĩ cho chỉ định nên các điều dưỡng đã cho chạy máy, không cần báo cáo Trưởng khoa hay Phó giám đốc phụ trách là Hoàng Đình Khiếu.
Chị Hằng cũng cho hay, các điều dưỡng trong Đơn nguyên thận đều có trách nhiệm ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng thiết bị y tế tại đây.
Nói về bị cáo Lương, Hằng khẳng định tại Đơn nguyên thận, cựu bác sĩ sinh năm 1986 là người có trách nhiệm cao nhất.
Tiếp đó, bác sĩ Huyền được luật sư yêu cầu trả lời câu hỏi. Người từng là đồng nghiệp của Hoàng Công Lương cũng khẳng định, tại Đơn nguyên thận chỉ có duy nhất Lương được quyền ra y lệnh.
Chị Huyền thừa nhận bản thân mới chỉ có chứng chỉ hành nghề và lý giải, Hoàng Công Lương có đủ 2 điều kiện để ra y lệnh, gồm chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ đào tạo kỹ thuật lọc máu.
"Bác sĩ Lương ký vào bệnh án là để đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu và đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm”, Huyền nói và cho biết, nếu bác sĩ Lương đi vắng thì ủy quyền cho bác sĩ khác ra y lệnh, nhưng ủy quyền chỉ bằng miệng.
"Chị cho biết ai được quyền và khi nào được ra y lệnh bằng miệng?", đáp lời luật sư, nữ điều dưỡng trình bày, khi nào lãnh đạo Khoa Hồi sức và bác sĩ Lương cho phép, họ mới được ra y lệnh.
Hoàng Công Lương phản bác cựu đồng nghiệp
Trước những lời khai của nhóm cán bộ Đơn nguyên thận, luật sư Nguyễn Văn Quynh (bào chữa bị cáo Hoàng Công Lương) đề nghị thân chủ tham gia xét hỏi.
"Có khi nào bị cáo ủy quyền cho bác sĩ ở Đơn nguyên thận ra y lệnh?", Lương khẳng định, anh ta không có quyền được ủy quyền như thế. Bị cáo khai tiếp, nếu Lương đi vắng, bác sĩ khác chỉ cần có chứng chỉ hành nghề là được quyền ra y lệnh lọc máu chạy thận.
Bị cáo Hoàng Đình Khiếu - người từng là Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức. Ảnh: Hoàng Lam. |
"Thời gian đó, bị cáo đi tập huấn 1 tuần nên những bác sĩ nào đã có chứng chỉ hành nghề tại Khoa đó đều có thể ra y lệnh lọc thận", Hoàng Công Lương nói chậm, tỏ sự mệt mỏi.
Luật sư Quynh dẫn lời khai của điều dưỡng Huyền, rằng chỉ có bác sĩ Lương mới có quyền ra y lệnh. Ngay lập tức, bị cáo Lương phản bác, đồng thời vẫn quả quyết bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đều được ra y lệnh.
Để bảo vệ thân chủ, luật sư Quynh cho biết, ông thu thập được tài liệu thể hiện, tháng 7-11/3/2016, Hoàng Công Lương đang đi học.
"Trong hồ sơ vụ án cũng như cáo trạng không có. Tài liệu này còn thể hiện ai có quyền ra y lệnh trong khoảng thời gian đó", ông Quynh trình bày nhưng HĐXX đã đề nghị luật sư cung cấp tài liệu này cho tòa.
Theo cáo buộc, sau khi Đỗ Anh Tuấn (cựu Giám đốc Công ty Thiên Sơn) đề nghị, Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình sửa chữa hệ thống lọc nước RO. Quá trình sửa, Quốc để tồn axit trong máy.
Không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư bệnh viện) vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.
Ngày 29/5/2017, Hoàng Công Lương (bác sĩ khoa Hồi sức) không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên mà ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 9 người trong số này tử vong do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.
VKS truy tố Hoàng Công Lương và Bùi Mạnh Quốc về tội Vô ý làm chết người. 5 người khác bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.