Gần Cung điện Buckingham, đám đông huyên náo với tiếng bấm điện thoại, reo hò, vỗ tay. "Tôi vừa nhìn thấy bà ấy, Camilla", một người phụ nữ phấn khích hét lên khi chiếc xe hơi chạy nhanh qua, có thể chở một số thành viên hoàng gia, theo The New York Times.
Sự phấn khích này rất khác nếu so sánh với tình hình 25 năm trước, khi bà Camilla, hiện là hoàng hậu Vương quốc Anh, từng bị gọi là người phụ nữ phá hoại hôn nhân hoàng gia cũng như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.
"Tôi nghĩ bà Camilla sẽ ủng hộ Vua Charles giống như cách mà Hoàng thân Philip ủng hộ cố nữ hoàng. Chúng ta là ai mà có thể đánh giá họ", Diane Pett (52 tuổi), một trong những người tụ tập bên ngoài Cung điện Buckingham, nói.
Khoảng thời gian một phần tư thế kỷ và danh tiếng tốt đẹp mà cố Nữ hoàng Elizabeth II để lại đã xoa dịu những căng thẳng, phẫn nộ trong quá khứ, góp phần giúp tân Hoàng hậu Camilla xây dựng hình ảnh tích cực hơn trong mắt công chúng.
Hoàng hậu Camilla được đám đông chào đón khi đang trên đường đến Clarence House, hôm 10/9. Ảnh: The New York Times. |
Sự phẫn nộ sau cái chết của Công nương Diana
Khi hàng nghìn người tập trung trước các cung điện ở Anh và Scotland để tưởng nhớ cố nữ hoàng cũng như chào đón vị vua mới, Vua Charles III, khung cảnh gợi nhớ sự kiện năm 1997. Đó là khi Diana, Công nương xứ Wales và là vợ cũ của Vua Charles, qua đời trong một vụ tai nạn ôtô.
Cái chết của công nương thổi bùng cảm xúc đau buồn và sự phẫn nộ đối với Hoàng gia Anh.
Vua Charles III, khi đó còn là thái tử, cùng với bà Camilla, lúc này là bạn gái của ông Charles, bị cáo buộc gây ra sự bất hạnh cho Công nương Diana. Sự giận dữ dâng cao đến mức có tin đồn rằng chế độ quân chủ có thể đang trên bờ vực sụp đổ.
Sự ra đi đột ngột của Công nương Diana khiến cả nước Anh chìm trong sóng gió, bất ổn. Giống như bây giờ, người dân cũng đổ xô đến các cung điện hoàng gia, phủ đầy hoa lên khắp khuôn viên. Nhưng cảm xúc trước hai tang lễ gần như đối lập.
Hoa tưởng niệm được đặt kín bên ngoài Cung điện Kensington trong nhiều ngày sau tang lễ của Công nương Diana vào năm 1997. Ảnh: HBO. |
Tiểu thuyết gia và nhà bình luận chính trị Robert Harris nhớ về năm 1997: "Cứ như thể bạn đang sống trong một thời kỳ cách mạng. Tôi chưa bao giờ chứng kiến bầu không khí như vậy ở London. Không ai biết điều gì có thể xảy ra".
Ông Harris nói rằng tại tang lễ của Công nương Diana, anh trai của Diana, Earl Spencer, đã có bài phát biểu gây xôn xao khi phân biệt rạch ròi giữa gia đình hoàng gia và "những người chung huyết thống với em gái".
"Có một khoảng dừng sau khi anh trai công nương nói xong. Sau đó, thứ âm thanh giống như tiếng mưa rơi trên mái nhà tràn vào tu viện và rõ ràng đó là tiếng vỗ tay từ xa của tất cả những người đang tụ tập bên ngoài để theo dõi lễ tang qua màn hình lớn", ông Harris nhớ lại.
Dưới sự thúc giục và cảnh báo của Tony Blair, khi đó là thủ tướng Anh, về cuộc khủng hoảng tính hợp pháp của hoàng gia, Nữ hoàng Elizabeth II đã trở về London, phát biểu trên truyền hình vào đêm trước lễ tang nhằm xoa dịu sự hoang mang và đau đớn của công chúng.
Hàn gắn phần còn lại
25 năm qua, công chúng dần nguôi ngoai sau cái chết của Công nương Diana. Các sự kiện tiếp theo của Hoàng gia Anh như quá trình trưởng thành của hai hoàng tử, cuộc hôn nhân mới của Vua Charles III góp phần phân tán sự chú ý.
Và cuối cùng, sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth sau thời gian dài tại vị có ý nghĩa rất lớn trong việc hàn gắn mối quan hệ giữa các thành viên cũng như giữa hoàng gia với người dân.
"Chế độ quân chủ là một biểu tượng phi chính trị của sự thống nhất quốc gia cũng như lịch sử lâu dài và sự ổn định sâu sắc của nước Anh", Gideon Rachman, người phụ trách chuyên mục đối ngoại của The Financial Times, cho biết.
Ông Rachman, có cha mẹ di cư từ Nam Phi đến Anh, lưu ý rằng mọi lễ đăng quang của hoàng gia kể từ năm 1066 đều diễn ra tại Tu viện Westminster.
"Tôi nghĩ điều đó là niềm tự hào và an ủi cho mọi người, đặc biệt là những người có cha mẹ đến đây từ những đất nước nhiều biến động như chúng tôi".
Hoàng tử William, Công nương Kate Middleton, Hoàng tử Harry và Meghan Markle cùng đi bộ, gặp gỡ người dân bên ngoài lâu đài Windsor. Ảnh: The New York Times. |
Khi Vua Charles III chính thức được tấn phong hôm 10/9, 6 cựu thủ tướng Anh và 1 người đương nhiệm, bao gồm John Major, Tony Blair, Gordon Brown, David Cameron, Theresa May, Boris Johnson và Liz Truss, đều có mặt. Hình ảnh hiếm thấy trên chính trường Anh.
Những căng thẳng trong hoàng gia cũng có dấu hiệu được xoa dịu. Hình ảnh đoàn tụ sau hơn hai năm của Hoàng tử William, Công nương Kate Middleton, Hoàng tử Harry và Meghan Markle cũng thu hút sự chú ý của truyền thông.
Tại tang lễ, Hoàng tử Andrew, con trai thứ của Nữ hoàng Elizabeth II, lần đầu công khai xuất hiện bên cạnh các anh chị em, sau thời gian bị loại bỏ khỏi nhiệm vụ hoàng gia vì bê bối lạm dụng tình dục.
Khi đứng gần Cung điện Buckingham, Janet Ratcliffe (75 tuổi) nói rằng đã đến lúc kết thúc những oán hận sau cái chết của Công nương Diana. Bà đã tin rằng chế độ quân chủ có thể phát triển mạnh dưới thời Vua Charles III cũng như Hoàng hậu Camilla.
"Tôi từng nghĩ bà Camilla là người xấu, nhưng tôi nhận ra rằng mọi chuyện phức tạp hơn thế. Quan trọng vẫn là họ quan tâm đến nhau và có thể tạo ra điều tốt đẹp cho đất nước này", bà Ratcliffe nói.