Hoàng Lê Giang đang là cái tên gây tranh cãi trong cộng đồng yêu du lịch khi bị tố giả mạo chuyến chinh phục đỉnh Denali (Mỹ). Sau thời gian im hơi lặng tiếng, sáng 14/7, người này đã lên tiếng xác nhận hành động "dựng kịch" của mình và gửi lời xin lỗi tới cộng đồng mạng.
Trong nội dung đăng tải trên trang cá nhân, Hoàng Lê Giang xác nhận đã đưa thông tin không đúng sự thật, cụ thể: "Tôi đã không lên đỉnh Denali. Sự thật, tôi đã đăng ký khoá huấn luyện và khoá leo đỉnh Denali. Tuy nhiên, tôi chỉ hoàn thành khoá huấn luyện mà chưa leo đỉnh Denali".
Hoàng Lê Giang xác nhận chưa leo núi Denali. |
Theo thông tin chia sẻ, thực tế, nam phượt thủ chỉ tham gia khóa huấn luyện diễn ra ở ngọn Kahiltna Dome cao gần 3.800 m (Alaska, Mỹ). Travel blogger lý giải nguyên nhân khiến anh không thể chinh phục Denali vì áp lực về thời gian, ngân sách và sức khỏe do bị chấn thương trước đó. Hành trình chinh phục Denali của Giang sẽ được thực hiện vào năm 2020.
Phượt thủ này gửi lời xin lỗi, mong nhận được sự tha thứ kèm lời cam kết sẽ không lặp lại hành động này một lần nữa. "Xin mọi người hãy tha thứ và cho tôi cơ hội để tiếp tục thực hiện những thử thách gian nan trước mắt. Tôi cam kết sẽ không bao giờ lặp lại hành động non dại này. Một bài học đáng giá của cả cuộc đời", anh chia sẻ trên trang cá nhân.
Chỉ sau một giờ đăng tải, bài xin lỗi của Hoàng Lê Giang đã nhận hơn 1.000 lượt like và nhiều bình luận từ những người quan tâm.
Đỉnh núi Denali thật sự được kênh truyền hình NatGeo ghi lại. |
Tuy nhiên, bên cạnh một số ý kiến thông cảm, không ít ý kiến cũng bày tỏ sự phẫn nộ trước những lời lẽ của phượt thủ nổi tiếng. "Nếu không bị phát hiện thì sao? Anh vẫn vuốt râu, vểnh đuôi, oai hùng quá nhỉ", Nhân Đặng chia sẻ.
Trả lời Zing.vn, độc giả Nguyễn Thành Long cho biết: "Từ đầu tôi đã nghi ngờ anh này. Không thể có chuyện chinh phục một đỉnh núi vĩ đại như Denali mà chỉ đem về 2 cái ảnh. Những bức ảnh kiểu thế không khó kiếm nhưng để xác nhận lại không dễ. Tôi từng thần tượng Hoàng Lê Giang nhưng đây thực sự là một cái tát rất mạnh. Mọi thứ hào nhoáng trên mạng không phải lúc nào cũng đúng".
"Là người chia sẻ kinh nghiệm để những người khác học hỏi theo mà lại đi lừa đảo như vậy, thử hỏi ai có thể tin tưởng được nữa?" là ý kiến của nhiều thành viên khác trước thông tin trên. Nhiều người dùng mạng cũng vạch ra các chi tiết khiến họ không còn tin tưởng Hoàng Lê Giang.
Cụ thể, trong bài đăng ngày 7/7, Hoàng Lê Giang chia sẻ kinh nghiệm trekking Denali, đề cập chuyện bị rách cơ sau hành trình lên đỉnh núi cao nhất Bắc Mỹ, sau gần một tuần trở về Việt Nam.
Hôm 16/6, trên trang cá nhân, phượt thủ cũng đề cập hành trình đang thực hiện ở Alaska. Thậm chí, anh mô tả chi tiết những khó khăn gặp phải trong hành trình chinh phục "nóc nhà Bắc Mỹ" như khối lượng đồ phải mang theo, nhiệt độ trên núi và việc bạn đồng hành phải bỏ cuộc...
"Không chỉ fake (giả) rằng đã chinh phục Denali, anh ta còn giả mạo lịch trình, đưa những thông tin không hề có thật. Đúng là mạng xã hội không ai kiểm chứng, muốn nói gì thì nói, tôi thật mất niềm tin vào những bạn này", một thành viên mạng thất vọng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, các bình luận trái chiều trên trang cá nhân phượt thủ gần như đã bị xóa bỏ.
Chia sẻ về hành trình không có thật của Hoàng Lê Giang. |
Hoàng Lê Giang (30 tuổi, sống tại TP.HCM) là cựu sinh viên Đại học Ngoại thương TP.HCM. Anh nổi tiếng với kinh nghiệm đặt chân đến hơn 30 quốc gia, khám phá dãy Himalaya, nằm trong top 10 Iron Man 2016 và đoạt huy chương vàng cuộc thi Obstacle Run - Champion Dash.
Trước vụ lùm xùm kể trên, năm 2017, Hoàng Lê Giang cũng từng bị tố "đem con bỏ chợ" khi tổ chức ngắm tuần lộc di cư. Được biết, số tiền mỗi khách phải trả cho tour này là 4.900 USD với hành trình kéo dài một tuần nhưng đến nơi không thấy tuần lộc. Sau các sự vụ, hiện tại, cộng đồng mạng cũng đang bày tỏ sự nghi ngại trước những thành tích của Hoàng Lê Giang.
Núi Denali cao 6.190 m, được mệnh danh là "nóc nhà Bắc Mỹ". Denali nằm ở công viên quốc gia cùng tên, thuộc vùng Alaska (Mỹ). Năm 1896, ngọn núi này được đổi tên là McKinley, theo tên vị tổng thống thứ 25 của Mỹ (William McKinley). Tới năm 2015, ngọn núi được trả về tên Denali ban đầu.