Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hoàng Nghiệp: 'Cá chép vượt vũ môn'

Tôi biết khi công bố kết quả cuộc thi trên tivi, ông sẽ ôm cái tivi mà khóc. Khi ấy, chú cá chép từ góc tối nhà hát, đã tự mình ngược dòng vượt vũ môn.

Hoàng Nghiệp: "Cá chép vượt vũ môn"

Tôi biết khi công bố kết quả cuộc thi trên tivi, ông sẽ ôm cái tivi mà khóc. Khi ấy, chú cá chép từ góc tối nhà hát, đã tự mình ngược dòng vượt vũ môn.

Ngôi nhà trong rạp hát

Mỗi buổi sáng sớm, cậu bé Nghiệp của tuổi 12 tỉnh dậy, mở cánh cửa phòng ủ mục và bước ra khoảng không gian rộng lớn trước mặt. Đó là những dãy ghế xếp dài, dưới chân cậu là những giấy gói kẹo, vỏ trái cây, những vỏ bao thuốc lá, cả bã kẹo chewing-gum dính đầy trên nền gạch. Và trên kia là sân khấu.

Đó là nhà hát Tây Đô. Nơi này, bốn phận người đã neo vào một hốc nhỏ góc tối cuối để sống. Đêm qua, cậu đã nghe trọn vẹn những đoạn tuồng, những câu ca cổ mùi mẫn. Đêm trước nữa, những bản nhạc pop sôi động của các ca sĩ đến từ TP.HCM. Khán giả chen chúc, Nghiệp nhìn lén qua khung cửa hẹp và lắng tai nghe.

Hoàng Nghiệp: `Cá chép vượt vũ môn`

Đã bao đêm rồi như thế. Để mỗi sáng thức dậy, cậu mở òa cửa thấy vẫn còn lưu lại cái không khí hồi hộp, phập phồng, cái không gian vỡ òa của hàng ngàn con người bị nghệ thuật cuốn trôi. Cậu bé bước lên sân khấu. Hôm nay cậu sẽ đóng Võ Đông Sơ.

Nhưng ngày mai, cậu sẽ hóa thân thành Ngọc Sơn hát “tình cha” nức nở. Ngày mốt, sẽ là một ai đó mà cậu chợt nhớ đến, một bài hát nào đó mà cậu thuộc lời. Căn phòng 9m2 dành cho bốn người. Bố, mẹ, em gái nhỏ và Nghiệp. Cuộc đời họ chỉ có một cánh cửa để khép lại và mỗi sáng Nghiệp đều muốn là người mở ra. Cậu muốn được đứng trên sân khấu lớn.

Cha cậu, ông Trần Hồng Lạc, một nghệ sĩ tỉnh lẻ, một người làm nghệ thuật quần chúng nhiệt thành nhưng nghệ thuật không yêu ông nhiều như ông mong đợi. Nhưng sự nhiệt thành và lòng yêu chất phác của một người dân ruộng với ca hát thật.

Ông trước là diễn viên, rồi làm tác giả sáng tác kịch bản cho Đội Thông tin lưu động của Trung tâm văn hóa TP Cần Thơ. Đời nghệ sĩ tỉnh lẻ buồn như một vạt chiều. Chỉ khi người ta có một phẩm chất lớn, một tài năng lớn, tự hào quang và danh tiếng sẽ dắt họ ra biển, như kình ngư vẫy vùng. Bằng không, sự trầm lặng sự nhún nhường, sự vừa vặn của cuộc sống công chức biến họ thành một thứ nghệ sỹ quen lấy sự nhẫn nhịn làm trọng.

Vì thế mà cũng sáng tạo cầm chừng. Ông Lạc hết tuổi trẻ, không lên sân khấu diễn được, chuyển qua làm lái xe cho trung tâm, chở lớp diễn viên trẻ vào ruộng phục vụ bà con. Ông nói, đời ông làm văn nghệ, thấy bấp bênh vất vả mà vui. Cả đời làm nghề, ông dắt díu vợ con ở nhờ tại rạp hát này cho đến nhà văn hóa nọ.

Những căn phòng nhỏ xíu, chật chội, ở đó nỗi buồn cũng không có không khí để phả ra. Cuộc sống lay lắt như vậy cho đến tận khi ông không còn làm nghệ sỹ biểu diễn. Cả đời ông dành dụm, vay mượn người nhà, mua được căn hộ trong hẻm sâu 22m2. Nhưng đó là thay đổi lớn. Là căn nhà thực sự đầu tiên Nghiệp biết đến và được tận hưởng cảm giác là mình nằm trên một chiếc giường, trên căn gác xép được cơi nới thêm có cái bàn học và cây đàn cho cậu tập hát…

Ông Lạc nói, vì tụi nhỏ đánh đàn dữ quá, ngủ không nổi trong nhà hát, phải chạy đi mua căn nhà mới thôi. Còn Hoàng Nghiệp, những năm tháng sau đó như một khu vườn yên tĩnh trong trái tim cậu, mỗi khi nhớ lại nhà hát ấy lại xôn xao lên. Cũng chính ở nơi đó, anh muốn được hát. Cái ước mơ bé thời thơ ấu, anh vẫn mơ về nó với nhiều hoài niệm. Ngày ấy nghèo khó, nhưng nó là nơi anh bắt đầu ước mơ chinh phục mặt trời. Nơi này, anh chính thức cất tiếng hát đầu tiên…

Hoàng Nghiệp: `Cá chép vượt vũ môn`
Ảnh: Na Sơn

Ngôi sao tỉnh lẻ

Ở Cần Thơ, ai cũng quen Hoàng Nghiệp bởi tuần nào anh cũng hát trên tivi ít nhất một lần. Và khi đi ăn tiệc, đám cưới, đám thôi nôi hay đi chơi ở những tụ điểm sân khấu ca nhạc, từ sân khấu ở thành phố cho đến sân khấu dã chiến ở ruộng, người ta cũng có thể gặp anh.

Hoàng Nghiệp hát ở mọi nơi có thể. Ở Cần Thơ, anh là một ngôi sao. Anh đi hát như thế từ khi bước vào lớp 12, khi đoạt giải nhất tại cuộc thi hát thành phố. Anh đi theo Đội Thông tin lưu động của Sở Văn hóa.

Đi hát ở miệt ruộng ca sỹ không quần là áo lượt mà phải theo xe tới bến, khuân đồ xuống ghe chạy tới điểm diễn, cùng nhau dựng sân khấu và kêu loa cho bà con tới xem. Và lúc đó, mới nhìn vào tấm gương nhỏ trong túi của một cô gái nào đó, chỉnh trang lại đầu tóc, vuốt lại chiếc áo thẫm mồ hôi, và lên sân khấu. Hát vô tư, ăn cùng nhau tô cháo cá với bà con rồi nửa đêm lại khuân loa đèn lên ghe, quay lại thành phố.

Cuộc sống của ca sỹ hát phong trào không buồn, nhưng nghèo. Đã là phong trào thì ai nghĩ đến tiền bạc, nhưng nghệ sỹ cũng có cuộc sống thật, có hỉ nộ ái ố, có chuyện cơm áo tẻ nhạt ngày thường, chứ không ai sống theo phong trào.

Vậy là phải đi hát đủ mọi nơi, chạy show vòng quanh, kiếm tiền mưu sinh. Sau khi thi hát và đoạt giải tại cuộc thi Ngôi sao tiếng hát Truyền hình TP.HCM, cái tên Trần Hoàng Nghiệp nổi như cồn ở Cần Thơ.

Nhưng không có ông bầu nào tăng cát sê cho anh cả. Vẫn mấy chục ngàn một show diễn. Ông Trần Hồng Lạc nói, khi ấy mỗi đêm hát 4 bài, Nghiệp chỉ nhận được 30 ngàn. Và 30 ngàn đồng đó ông giữ, chi cho Nghiệp 5 ngàn mỗi buổi sáng đi học.

Vậy mà Nghiệp đã sống được xong 2 năm sư phạm nhạc Cần Thơ lay lắt không than phiền. Chưa khi nào anh than phiền về sự nghèo khó của mình. Nhưng buồn chán vì sự quanh quẩn chật hẹp của nghề ca hát. Buồn chán vì sự hữu danh vô thực của ngôi sao tỉnh nhỏ.

Ngôi sao hát đám tiệc mang lên sân khấu cả nỗi buồn và sự tủi nhục, đem nghệ thuật đi đong chuyện áo cơm. Mấy ai nghe mình hát, cũng mấy ai biết vỗ tay khi nốt nhạc cuối cùng rơi? Ngôi sao đẹp trai hát hay ơi, qua đây cũng uống ly bia chung nhé?

Không uống à, coi thường phải không? Lại có ẩu đả. Ngôi sao lại phải tìm đường chạy thoát. Có những khi đi hát, anh lang thang một mình ra bờ sông cảm giác như bế tắc. Khi học xong trung học, ba khuyên anh nên đi kiếm cái nghề lận lưng. Nhưng anh chỉ mê hát, sức học lại chỉ trung bình.

Anh đi theo nghề hát, nghề hát cũng chẳng mang lại cho anh cuộc sống đầy đủ. Khi anh đoạt giải tại TP.HCM với người khác đã là một cơ hội tốt, nhưng Hoàng Nghiệp vì nhút nhát, vì quê dại, vì không quen biết ai, lại lặng lẽ về Cần Thơ vuột mất cơ hội của mình.

Lẽ ra khi ấy anh ở lại Sài Gòn, có thể nghề hát sẽ thay đổi. Nhưng anh đã không làm thế. Sài Gòn mỗi năm đón hàng trăm ca sỹ mới, lớp sau dồn lớp trước, mọi thứ đến và đi đều vội vã, cái tên Hoàng Nghiệp đã trôi vào quên lãng.

Sao Mai điểm hẹn - Cá chép vượt vũ môn

Chính cuộc thi Sao Mai 2007 đã kéo Hoàng Nghiệp ra khỏi xứ gạo trắng nước trong. Bắt đầu hành trình để trở thành người hát chuyên nghiệp. Để tìm cơ hội mới cho mình, Hoàng Nghiệp đã gửi hồ sơ tới tất cả các cuộc thi hát mà anh biết.

Và giải nhì Sao Mai 2007 đã giúp cậu bé hát đám cưới đặt chân tới giảng đường thanh nhạc. Và năm nay, trở thành hiện tượng của Sao Mai điểm hẹn 2008. Giải thưởng, hoa, khán giả bình chọn, tất cả có thể không ý nghĩa gì nhiều sau đêm đăng quang. Nó chỉ là bước đệm đầu tiên của một nghệ sỹ.

Nhưng cái mà Hoàng Nghiệp làm được, chính là sự vượt lên chính mình ở cuộc thi này. Từ đêm diễn đầu tiên với bài hát như hát đám cưới, đến đêm cuối cùng đã là một hình ảnh chuyên nghiệp, sáng sân khấu và kỹ thuật hát đầy đặn.

Nếu có một thành công thực sự của Sao Mai điểm hẹn 2008, đó chính là tạo cho Trần Hoàng Nghiệp từ một cậu bé hát đám cưới lột xác thành một ngôi sao, vừa đủ chuyên nghiệp vừa cá tính. Nhiều người nói Hoàng Nghiệp “một mình một chiếu”.

Cũng có thể Hoàng Nghiệp may mắn thật. Nhưng cũng không thể phủ nhận mồ hôi anh đã đổ ra trên sàn tập. Và quan trọng hơn là một thái độ cầu thị thực sự, ít ai biết anh thường xuyên bị cảm lạnh vì ngủ trong ký túc xá quá nóng, mồ hôi vã ra trong đêm.

Hoàng Nghiệp: `Cá chép vượt vũ môn`

Trong vòng vây fan hâm mộ.

Và những buổi tập cường độ cao vắt kiệt sức, kéo theo sụt cân liên tục và có những khi trước giờ diễn, anh buộc phải đi chích thuốc trực tiếp vào vòm họng để chữa vết thương. Hoàng Nghiệp là thí sinh nhà xa nhất và…nghèo nhất.

Cũng ít ai biết rằng, có những khi anh đói lả vì buổi trưa ăn bánh mỳ. Có những buổi thi xong, trời đã khuya, trên đường về khách sạn, anh lại tự đi tìm một tiệm tạp hóa, âm thầm mang về một thùng mỳ tôm, lấy nước phích úp mỳ tôm không người lái.

“Ba em bị bệnh, chẳng biết đã khỏi chưa, nên cũng không dám xin tiền. Mà ra Hà Nội em gần như không diễn show. Tại vì lịch tập quá nặng và em cũng muốn tận dụng thời gian này để học hành cho thật tốt”. Hoàng Nghiệp nói.

Thành công của Hoàng Nghiệp trong sân chơi Sao Mai điểm hẹn 2008 là sự tiến bộ không ngừng và thể hiện rõ sự cầu tiến. Đó là điều cần có ở một ngôi sao muốn vươn tới vinh quang. Không biết có phải vì những điều đó không, mà anh lại được rất nhiều người ưu ái. Như nhà thiết kế Đức Hùng luôn muốn may cho anh những bộ đồ đặc biệt nhất.

Hay nhạc sỹ Ngọc Châu, người luôn muốn dành cho anh những lời khen “xuất sắc”. Nhạc sĩ Ngọc Châu vốn khó tính nhưng dường như anh luôn dành thiện cảm đặc biệt cho ca sỹ đẹp trai này. Và cô Hà Thủy, cô giáo trực tiếp của Hoàng Nghiệp luôn dành cho “con trai” những nhận xét tốt nhất.

Vẫn còn có ngày mai

Hoàng Nghiệp chưa dự tính được nhiều cho tương lai sau Sao Mai điểm hẹn 2008. Mọi khoảng khắc vinh quang đều qua rất nhanh. Cái còn lại với nghệ sỹ thực sự đó là con đường dài phía trước, anh sẽ tiếp tục vượt qua nó như thế nào. Hoàng Nghiệp nói anh sẽ thu âm một album những bài anh hát.

Và muốn nhận được nhiều lời mời biếu diễn, để có thể vừa lo trang trải cuộc sống, vừa lo giúp tiền cho gia đình. Cuộc sống của gia đình Nghiệp ở Cần Thơ, theo như ông Trần Hồng Lạc là cuộc sống tùng tiệm, không dư dả. Vợ ông làm nghề may vá, giờ thiên hạ may đồ vào shop lớn, vào siêu thị, vợ ông chỉ là được những bộ đồ ở nhà cho các bà già.

Còn ông lái xe, thu nhập đủ xài, nhưng hai năm nay rồi ông bị bệnh, men gan cao và thêm sỏi thận, ông uống thuốc cũng đỡ nhiều. Nhưng ông buộc phải bỏ nhậu. Bỏ nhậu buồn vô hạn, nhưng giờ có niềm vui là có sự thành đạt của con.

Đêm gala đầu tháng 9 tại Sài Gòn, ông sẽ xin cơ quan cho mượn xe đưa cả nhà lên Sài Gòn xem con trai hát, rồi lại rước con trai về Cần Thơ chơi vài tháng trước khi Hoàng Nghiệp tiếp tục chặng đường danh vọng của mình.

Ông cười, khi ấy là nửa khuya gió sông Hậu tràn qua cả điện thoại. Ông nói, Nghiệp còn nhỏ, muốn thành tài thì phải học nhiều lên. Ông nói vậy thôi, nhưng tôi biết khi công bố kết quả cuộc thi trên tivi, ông sẽ ôm cái tivi mà khóc. Khi ấy, chú cá chép từ góc tối nhà hát, đã tự mình ngược dòng vượt vũ môn.

Theo An Ninh Thế Giới

Theo An Ninh Thế Giới

Bạn có thể quan tâm