Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hoàng tử thơ tình' 9X: Độc giả khen đẹp trai, soái ca là sai sự thật

Ở tuổi 26, cây bút Du Phong xuất bản 5 cuốn sách được giới trẻ yêu thích. Tuy nhiên, viết lách chỉ là nghề tay trái của anh.

Du Phong tên thật là Nguyễn Tuấn Trung, hiện sống và làm phiên dịch viên tại TP Hạ Long, Quảng Ninh. 9X được biết đến với các tác phẩm thơ viết về tình yêu. Fan ưu ái dành tặng anh biệt danh là "hoàng tử thơ tình".

Bên cạnh đó, Du Phong cũng có khả năng sáng tác truyện ngắn và tản văn. Chàng trai không phải hot boy hay nghệ sĩ đình đám nhưng vẫn thu hút hơn 20.000 fan tại Facebook cá nhân và gần 100.000 lượt theo dõi fanpage.

Dù "gia tài" viết lách chưa nhiều, cái tên Du Phong vẫn chiếm vị trí nhất định trong lòng độc giả trẻ nhờ tâm huyết 9X đặt vào từng "đứa con tinh thần".

Sau hơn 4 năm gắn bó, anh xuất bản 5 cuốn sách mang tựa đề Tự yêu, Những gì đã qua đừng nghĩ lại quá nhiều, Nắm tay anh rồi bình yên sẽ tới, Đừng gọi anh là người yêu cũCó anh ở đây rồi hạnh phúc cũng ở đây, cùng 3 cuốn sách kết hợp với những tác giả khác.

Hỏi đáp nhanh với tác giả 9X Du Phong Nhờ độ hot của bài thơ "Kể từ giờ" trên mạng xã hội, năm ngoái, Du Phong nhận được lời mời tham gia giao lưu trên truyền hình nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Suýt trượt đại học vì điểm Văn kém

Chàng trai 26 tuổi chia sẻ bút danh Du Phong do một người bạn đặt, có nghĩa là "cơn gió lãng du". Anh không chủ định trở thành nhà văn, nhà thơ, mà chỉ như cơn gió vô tình "bay ngang" làng văn học.

Sinh trưởng trong gia đình không ai theo nghề viết lách, niềm đam mê của Du Phong đến tự nhiên từ những năm tháng cắp sách tới trường.

9X kể thời ấy, anh chẳng thuộc dạng học giỏi Văn như mọi người vẫn nghĩ: Không khiến đám bạn “mắt tròn mắt dẹt” vì điểm 10 làm Văn, chẳng nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Văn hay được nhiều bạn gái "thầm thương trộm nhớ" nhờ tài viết lách.

Du Phong anh 1

Do thích đọc sách và tìm hiểu về Văn học, nam sinh giỏi môn Tiếng Anh là cậu con trai duy nhất xin học "ké" đội tuyển Văn. Không những thế, sau giờ học cậu còn "dám" lân la lên hỏi mượn sách về đọc trong sự ngỡ ngàng của cô giáo.

"Một tuần sau, mình thức đêm nghiền ngẫm hết cuốn sách Lịch sử văn học thế giới cao ngang đỉnh đầu. Đó là kỷ niệm mình không bao giờ quên", Du Phong tâm sự.

Năm 2015, bài thơ Tôi kể bà nghe của Du Phong trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, được các bạn trẻ chuyền tay nhau.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Du Phong là Kể từ giờ. Bài thơ từng "làm mưa làm gió" trên mạng với kỷ lục 200.000 lượt xem và hàng trăm lượt chia sẻ.

Đam mê Văn học là thế, nhưng nam tác giả 9X vui vẻ tiết lộ môn học này từng khiến anh suýt thi không đỗ vào khoa Ngoại ngữ, ĐH Công Nghiệp Hà Nội.  

Trong 3 môn thuộc khối D, Du Phong sợ nhất Toán và tự tin vào Văn, Tiếng Anh. Thi xong chàng trai thở phào nhẹ nhõm vì biết Toán không bị điểm liệt và tự tin Văn được 9-10 điểm. Cuối cùng, 9X "ngã ngửa" khi biết kết quả Toán được 2 điểm, còn Văn là 5,5.

"Viết xong 12 mặt tờ giấy thi Văn, mình hãnh diện rời khỏi phòng thi như một 'vị thần', chắc mẩm không ai viết hay hơn thế. Vậy mà khi biết kết quả, mặt mình cứ đần ra, cay cú đòi phúc khảo cho 'ra ngô, ra khoai'. Nhưng khi biết đỗ rồi, gia đình mình can mãi mới được", Du Phong bật cười nhớ lại.

Du Phong anh 2

4 năm đại học là quãng thời gian 9X tìm tòi, trau dồi kinh nghiệm từ rất nhiều tác phẩm thơ, văn trong và ngoài nước. Thời gian đó, anh chưa viết, chỉ sưu tầm tất cả tác phẩm yêu thích đưa lên trang blog.

Đến khi ra trường vào nửa cuối năm 2013, Du Phong cảm thấy bản thân đủ tự tin, cảm hứng mới chính thức đưa tác phẩm của mình lên mạng xã hội.

Ban đầu, Du Phong muốn trở thành nhà văn chuyên viết tiểu thuyết. Chính vì vậy, tác phẩm đầu tay của anh thuộc thể loại này, mang tựa đề Đồng hồ cát. Lấy cảm hứng từ một bộ phim Hàn Quốc 9X xem lúc nhỏ, tác phẩm kể chuyện tình của một nam sinh cuối cấp và cô giáo thực tập.

Lúc này, chưa ai biết tới chàng trai Quảng Ninh, cái tên Du Phong cũng chưa ra đời. Anh đều đặn đăng tải "đứa con tinh thần" tại một diễn đàn văn học và ngày càng nhiều độc giả theo dõi tác phẩm. Một ngày, người bên trung tâm phát hành sách liên hệ, ngỏ lời muốn in tiểu thuyết của 9X thành sách.

"Mình rất cố gắng chỉnh sửa bản thảo, nhưng năm lần bảy lượt đều bị đánh trượt vì tác phẩm chưa đủ xuất sắc để in thành sách. Khi ấy, mọi người động viên mình rất nhiều. Mình cũng thử chuyển sang viết thơ và truyện ngắn, không ngờ được nhiều độc giả yêu thích.

Mình chính thức lấy bút danh Du Phong, rồi sau đó, những tác phẩm đầu tiên được in thành cuốn Đừng gọi anh là người yêu cũ vào năm 2014", Phong chia sẻ.

9X nhớ như in cảm giác lần đầu mở cuốn sách của mình ra rồi ngắm nghía cả tối. Anh bật mí ngày hôm sau offline ra mắt sách, độc giả xin chữ ký mà không biết ký Du Phong thế nào, đành "chế" từ tên thật. Đến giờ chưa ai nhận ra điều thú vị đó.

Tự nhận mình là chàng trai đa cảm, Du Phong không ngại tiết lộ hôm offline xúc động đến phát khóc. Độc giả nhanh tay chụp được và đăng tải tại Facebook. Cũng từ dấu mốc đó, Phong quyết định chuyển hướng sáng tác thơ, tản văn và truyện ngắn.

'Người ta viết về mưa, mình muốn viết về cầu vồng'

Giống như cơn gió lãng du, tác phẩm của 9X Quảng Ninh mang hơi hướm mới mẻ, phá cách. Thơ của Du Phong tự do bay bổng với cảm xúc chân thực, khiến độc giả như tìm thấy chính mình trong đó.

Phong tự nhận lối viết của bản thân không ảnh hưởng từ ai, bởi anh thích nhìn cuộc sống qua lăng kính của riêng mình. Nhiều câu chuyện rất cũ, được người ta kể đi kể lại, tác giả 9X vẫn viết lại bằng màu sắc, chất liệu mà người ta đọc qua cũng có thể nhận ra "những dòng này là Du Phong viết".

Du Phong anh 3

Chủ đề xuyên suốt từ những ngày đầu viết lách của 26 tuổi đa phần về tình yêu, cụ thể là lời động viên, khích lệ các cô gái yếu đuối, gặp chuyện buồn tình cảm. Phong khẳng định đó không phải những cay đắng, bi kịch ru người ta trong u sầu ảo não.

Đọc không ít tác phẩm của các nhà văn trẻ hiện nay, 9X có cảm nhận chung là hơi u ám, khuếch đại nỗi buồn và sự cô đơn. Bởi vậy, chàng trai muốn mang tới cảm giác ấm áp hơn mà vẫn gần gũi, dung dị, chạm đến trái tim, sự đồng cảm của người đọc, nhưng có thêm chút lạc quan, tươi sáng.

"Có người thích viết về đêm, về mưa... còn mình muốn viết về cầu vồng. Mình tin sâu thẳm mỗi người dù cô đơn đến thế nào, vẫn luôn giữ chút hy vọng về hạnh phúc. Mình muốn nói với tất cả rằng hạnh phúc sẽ đến với những ai tin vào sự tồn tại của nó", Du Phong mỉm cười nói.

Đúng như lời nhắn nhủ của người bạn nghĩ ra bút danh Du Phong (cơn gió lãng du, dạo chơi khắp chốn nhưng không quên mang niềm tin đến cho cuộc đời, cho mọi người), 9X rất ít đưa trải nghiệm bản thân vào tác phẩm.

Thay vào đó, anh dành hàng giờ lắng nghe tâm sự của độc giả. Trước những câu chuyện buồn, Phong tìm đến thơ để xoa dịu những tổn thương trong lòng họ.

Một đêm khá muộn, Du Phong nhận được tin nhắn của fan nữ. Cô gái tâm sự mình lỡ có bầu nên cùng bạn trai quyết định cưới. Nhưng trước hôn lễ, anh ta hủy hẹn ước và bỏ đi cùng phụ nữ khác.

Chán nản và tuyệt vọng, cô gái mang đứa con trong bụng, đi lang thang một mình giữa đêm, muốn tự tử. Trong lúc đó, cô nhớ tới tác giả Du Phong với các bài thơ tình vẫn hay đọc và quyết định nhắn tin trút bầu tâm sự.

Sau nỗ lực khuyên nhủ của tác giả 9X, cô gái mới nguôi ngoai và từ bỏ ý định dại dột. Khi cô về tới nhà, Phong gửi những dòng thơ an ủi:

"Thôi đừng buồn em ạ! / Đừng bó gối bên thềm / Ông trời rồi không phụ / Cô gái tốt như em!

Một chàng trai xứng đáng / Sẽ xuất hiện, sớm thôi / Vào ngày không ngờ tới / Em sắp hạnh phúc rồi".

Du Phong bảo nhiều người vẫn nghĩ anh viết về tâm trạng của cô gái thất tình hay chuyện đôi lứa đổ vỡ "ngọt" thế hẳn phải thất bại nhiều lần trong tình yêu.

Sự thật được anh tiết lộ là: "Mình biết rất nhiều chuyện tình cảm buồn. Mình muốn mọi người đừng quá cay nghiệt khi nhìn vào tình yêu, đừng nhìn đâu cũng chỉ thấy đau khổ và mất niềm tin. Vì vậy, mình luôn cố gắng viết những bài thơ lạc quan và tích cực".

Câu hỏi mà Du Phong thường xuyên nhận được là "Vì sao đàn ông lại viết bằng giọng văn phụ nữ nhiều thế?". Chàng trai chia sẻ lý do đơn giản là đàn ông nói về bản thân nhiều chẳng để làm gì, mà nên thể hiện mọi thứ bằng hành động.

Anh thẳng thắn nhận định nam giới nói chung và phái mạnh Việt nói riêng vẫn còn khá ích kỷ, gia trưởng, nhất là trong tình yêu, nắm bắt cảm xúc của phụ nữ. Bởi vậy, khi không ấm êm, phái yếu luôn chịu đau khổ, mang tổn thương sâu sắc hơn và cần được an ủi, chia sẻ.

Phong muốn đứng trên lập trường của phụ nữ để thấu hiểu và cảm thông cho những nỗi niềm của họ, nói lên những điều họ muốn nhưng không biết bày tỏ thế nào.

Thấy 'sến' khi được gọi là nhà thơ, nhà văn

Theo đuổi đam mê viết lách, Du Phong không tránh khỏi những nhận xét kiểu con trai viết văn là hâm, "ái" hay "cổ lỗ sĩ". Tuy nhiên, chàng trai Quảng Ninh không mấy bận tâm, mà chỉ mỉm cười cho qua.

"Mình ra sao chỉ cần gia đình và những người yêu thương mình hiểu là được, để tâm đến việc người khác đánh giá mình qua cái nhìn phiến diện của họ chỉ tốn thời gian thôi. 'Cổ lỗ sĩ; hay gì cũng được, miễn là mình vui và hài lòng với những gì đang có", Du Phong tâm sự.

Nam tác giả 9X không biết biệt danh "hoàng tử thơ tình" từ đâu mà có. Anh bảo dĩ nhiên tự hào khi được gọi bằng cái tên mỹ miều như vậy, nhưng thấy ngại vì chỉ thích những điều bình dị.

Du Phong anh 4

Khi được hỏi không thích làm "hoàng tử" thì tự miêu tả mình thế nào? Du Phong cười đáp "mỹ nam vạn người… chê" hay "chàng trai năm ấy tám trăm người đánh đuổi" thì... đúng hơn.

9X thừa nhận: "Độc giả khen đẹp trai, 'soái ca' là nhìn ảnh sống ảo của mình thôi. Nếu có gặp bên ngoài, mình chỉ mong độc giả không giật mình thốt lên 'Anh là Du Phong thật à?' là may mắn lắm rồi".

Khi được hỏi tiếp khen đẹp trai cũng không thích thì điều gì khiến Phong vui, chàng trai trả lời dí dỏm ví dụ mỗi ngày đều có bạn nhắn tin chỉ để nói rằng: "Anh Phong ơi anh Phong, em thích thơ anh lắm!" hoặc "Chúc bạn Du Phong ngày mới nhiều niềm vui!" là đủ để tươi cười cả ngày rồi.

Có tới 5 cuốn sách được xuất bản, cũng như hàng trăm nghìn người hâm mộ, Du Phong vẫn bảo không thích được gọi là nhà thơ hay nhà văn, vì thấy hơi "sến". Chàng trai 25 tuổi chỉ cần mọi người nhớ đến đơn giản là Du Phong. 

Từng bị coi thường, viết ra toàn 'rác phẩm'

Việc sáng tác cho độc giả ở nhiều lứa tuổi, giới tính khác nhau có thể được coi là nghề "làm dâu trăm họ". Chính vì vậy, bên cạnh những lời khen "có cánh", tác giả phải nghe cả nhận xét không hay về những gì mình viết.

3 điều Du Phong tự nhận về mình:

- "Tán gái" bằng thơ: Chưa bao giờ.

- Thời gian sáng tác nhanh nhất: 10 phút, còn lâu nhất là... vài năm.

- Ngoài viết lách thích gì nhất: Đi du lịch.

Những lúc như vậy, Du Phong chọn cách im lặng, suy xét về ý kiến của độc giả.

Nếu họ nói đúng, 9X sẽ tìm cách cải thiện những gì chưa tốt, ngược lại, anh sẽ lẳng lặng cho qua. Phong không thể làm vừa lòng mọi độc giả, nhưng luôn lắng nghe phản hồi của họ để hoàn thiện mình.

Chưa từng học qua trường lớp đào tạo để trở thành nhà thơ, nhà văn, Du Phong tâm sự anh tự rèn luyện khả năng viết lách của mình bằng cách học hỏi qua sách, báo, Internet. Đây chính là lý do khoảng 2 năm trước, anh bị một số người học trường viết văn coi thường, đăng bài "ném đá".

"Những người đó coi họ là dân được đào tạo bài bản, có bài viết đăng trên báo chữ, được thẩm định bởi các nhà văn nổi tiếng. Bởi vậy, văn học đó gọi là văn học uyên bác. Trong suy nghĩ của họ, văn thơ của những người tay ngang, viết cho độc giả bình dân như mình chỉ là 'rác phẩm", Phong nhớ lại.

9X Quảng Ninh tự nhận hồi đó "ngựa non háu đá", khi nghe những lời chê bai mình liền phản bác. Độc giả của anh cũng kéo vào bênh vực, nổ ra tranh cãi khá gay gắt trong cộng đồng văn học trẻ.

Sau khi sự việc lắng xuống, Du Phong rút ra bài học rằng nên im lặng và chứng minh bằng năng lực.

Theo nam tác giả, không có sự phân biệt giữa văn thơ của người được đào tạo bài bản hay "tay ngang". Anh khẳng định văn học chỉ cần chạm đến trái tim, lấy đi sự đồng cảm của độc giả thì đều đáng được trân trọng.

Du Phong anh 5

Du Phong coi viết lách là niềm đam mê không thể thiếu trong cuộc sống, chứ không phải sự nghiệp.

"Sau này lập gia đình, nếu có thể mình vẫn muốn theo đuổi công việc viết lách. Nhưng 'cơm áo không đùa với khách thơ', mình muốn có sự nghiệp ổn định hơn để lo cho gia đình", 9X tâm sự.

Không phải tiền bạc, điều giữ Du Phong gắn bó với "nghề tay trái" viết lách là sự ủng hộ, tin tưởng từ mọi người.

"Có một nữ tu sĩ làm việc ở nước Pháp rất thích đọc tác phẩm của mình. Chị bảo mình viết những điều tốt đẹp, chỉ những người có tâm hồn thánh thiện mới hay dùng từ 'thương' hoặc 'yêu thương' thay cho từ 'yêu'.

Chị quý nên hay gửi những món quà nhỏ từ Paris về cho mình. Lời dặn của chị rằng dù có chuyện gì xảy ra cũng phải giữ tâm yên và sống đúng bản chất, mình luôn ghi nhớ", tác giả trẻ nói.

Nguồn động viên lớn lao cho Du Phong cũng đến từ những lần cha anh đọc sách của con trai rồi luôn miệng gật gù nói với vợ: "Nó viết hay thế này chỉ có giống tôi!".

Du Phong vui vẻ tiết lộ mình là "hoa đã có chủ" được hơn 3 năm. Bạn gái anh không làm nghề liên quan viết lách, thậm chí chẳng bao giờ đọc những gì anh viết. Thế nhưng, cô lại là nguồn cảm hứng bất tận mỗi lần Phong "bí" từ.

"Lần nào cãi nhau với người yêu xong cũng ra thơ, mà lạ là ra bài nào hot bài đấy. Thỉnh thoảng 'bí' bài, mình toàn chọc cho cô ấy giận, cãi nhau lấy cảm hứng viết cho hay, xong lại 'méo mặt' xin làm hòa", 9X kể với giọng hài hước.

Xin mượn những câu thơ trong tác phẩm Tôi kể bà nghe - nói về tình yêu của giới trẻ và thời "ông bà anh" theo lối dí dỏm nhưng vẫn khiến người đọc suy ngẫm - để thay lời kết cuộc trò chuyện thú vị với Du Phong.

"Tôi kể bà nghe…
Lũ trẻ bây giờ yêu nhau buồn cười lắm!
Chúng mình bên nhau cả đời chưa chán,
Chúng nó bên nhau tính tháng, tính ngày.

Tôi kể bà nghe…
Lũ trẻ bây giờ yêu nhau lạ lắm thay
Thời chúng mình, cái nắm tay cũng làm cả làng dị nghị,
Chúng nó thì nhận lời hôm trước, hôm sau đã đưa nhau vào nhà nghỉ,
Làm cái chuyện động trời!

Tôi kể bà nghe…
Chẳng biết tôi với bà đã quá lỗi thời,
Hay là vì lũ trẻ bây giờ học đòi tân tiến.
Chúng nó nghĩ yêu là phải hết mình dâng hiến,
Thế là mặc sức cho đi mà chẳng nghĩ đến cha mẹ, họ hàng…

Tôi kể bà nghe…
Ngày xưa chúng mình tìm hiểu nhau đứng đắn, đàng hoàng,
Bây giờ lũ trẻ nứt mắt ra, học cấp ba đã học đòi yêu đương dấm dúi,
Điện thoại tân thời, áo quần cũn cỡn, xe số xe ga…chúng nó đưa nhau vào bờ, vào bụi…
Chẳng ra cái thể thống gì!

Tôi kể bà nghe…
Lũ trẻ bây giờ yêu nhau rất lạ kỳ.
Chúng nó bảo yêu say đắm, yêu hết mình, 
mà chẳng có bao nhiêu đôi đi được với nhau đến cùng trời cuối đất.
Chúng nó lướt qua cuộc đời nhau như chẳng có gì để mất,
Biến “Tình yêu” thành cái định nghĩa hết sức tầm thường…

Tôi kể bà nghe…
Tôi với bà tình thương mến thương
Hơn sáu chục năm trời mà thấy vẫn còn chưa đủ…
Lũ trẻ bây giờ chán rồi bỏ nhau, thất tình khóc xong rồi ngủ,
Sáng mai tỉnh dậy lại tươi tắn rêu rao: 'Tìm một nửa thất lạc của đời mình'.

* Nhà văn Hân Như: Tôi thường đọc thơ Du Phong những lúc buồn. Không phải vì thơ cậu ấy luôn buồn, mà vì nó giống như những lời tâm tình thủ thỉ có thể khiến vết thương trên trái tim người ta dễ dàng lành lại, dễ dàng tìm thấy hy vọng vào tình yêu và cuộc sống này hơn.

Tôi thích thứ thơ vừa đọc vừa rung động, vừa đọc vừa soi được mình vào trong đó. Tôi thích thơ được viết từ những câu chữ gần gũi, bình dị, không “cao sang”, không đánh đố, không tu từ, không chơi chữ.

Thơ của Phong luôn như thế, dùng những chất liệu bình đạm nhất của cuộc sống này để viết nên những khúc tâm hồn đồng điệu nhất.

* Nguyễn Tuấn Quỳnh - Tổng Giám Đốc Saigon Books: Đọc tác phẩm của Du Phong, tôi nhận thấy đây là người viết trẻ có suy nghĩ và cách thể hiện rất riêng. Không quá ồn ào, cũng không quá trầm lắng. Biết mình muốn gì và cũng biết mình có thể làm được gì.

Có thể dễ dàng nhận ra ánh mắt tĩnh và tấm lòng lặng mà tác giả trẻ này muốn truyền đạt đến bạn đọc đồng trang lứa. Như một cuộc đồng hành cùng tuổi trẻ, tôi nghĩ Du Phong sẽ trưởng thành và độc giả của anh cũng vậy. Đây chính là lý do Saigon Books đặt niềm tin vào tác phẩm của Du Phong trong hiện tại và trong cả tương lai. 

9X nhận thư mời thạc sĩ 3 trường ĐH Mỹ: 'Học Harvard vẫn về Việt Nam'

Thanh An chia sẻ dù có đi đâu, mục đích cuối cùng của cô vẫn là về Việt Nam làm việc trong môi trường giáo dục.

Từ 'hot girl trà sữa' nổi đình đám đến nữ tỷ phú trẻ nhất Trung Quốc

Trong 8 năm, lúc được hàng triệu người yêu thương, khi lại bị từng ấy người ghét bỏ, song Chương Trạch Thiên vẫn nỗ lực để giờ đây được sống hạnh phúc bên người chồng hơn 19 tuổi.

Thu Thảo

Đồ hoạ: Phượng Nguyễn
Video: HTV

Bạn có thể quan tâm