Cách Thượng Hải 5 giờ chạy xe, phim trường Hoành Điếm nằm ở thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Phim trường khởi công xây dựng năm 1996 bởi Từ Văn Vinh, một người đàn ông chỉ mới học hết lớp 4.
Không bỏ cuộc
Năm 1995, đạo diễn Tạ Tấn được giao làm bộ phim lịch sử Chiến tranh nha phiến để trình chiếu nhân sự kiện Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Ngày quay đã cận kề nhưng vị đạo diễn chưa tìm được địa điểm phù hợp với bối cảnh Quảng Châu, Hong Kong thế kỷ XIX. Thông tin này đến tai ông chủ Từ, người khởi nghiệp với một xưởng dệt lụa và trở nên giàu có những năm 1980.
Theo tự truyện của họ Từ xuất bản năm 2011, ông đã đến gặp đạo diễn Tạ và đề nghị hợp tác làm nên Hoành Điếm. Khi nghe Từ Văn Vinh nói chưa từng xem bộ phim điện ảnh nào, Tạ Tấn đã từ chối và quay về Thượng Hải. Từ Văn Vinh cho trợ lý đến tận nhà Tạ Tấn thuyết phục. Cuối cùng Tạ đạo diễn gật đầu và tháng 1/1996, Từ Văn Vinh đặt viên gạch đầu tiên làm nên Hoành Điếm ngày nay.
Một góc Hoành Điếm. |
Giấc mơ đổi đời
10 năm sau khi phim trường khánh thành vào tháng 8/1996, dân số tại làng Hoành Điếm đã tăng từ 19.000 lên 70.000, cùng với đó là lượng người nhập cư tương đương được biết đến với tên gọi “Hoành phiêu” (nghĩa đen: trôi dạt đến Hoành Điếm).
Nhiều người không muốn lao động vất vả ở nhà máy với đồng lương rẻ mạt đã đến Hoành Điếm, hy vọng trở thành diễn viên quần chúng để được trả trung bình khoảng 40 tệ/ngày (khoảng 120.000 đồng).
Nhiều “Hoành phiêu” đã không thể “phiêu” cùng Hoành Điếm quá ba tháng. Tuy nhiên, sức hút của Hoành Điếm chưa bao giờ giảm sút. Mỗi năm luôn có khoảng 1.000 gương mặt mới tìm đến với phim trường lớn nhất thế giới này.
Khung cảnh Cung Tần Vương trong Hoành Điếm. |
Những con số đáng nể về Hoành Điếm
Với quy mô 300 ha, Hoành Điếm rộng gấp 27 lần tổng diện tích hai phim trường Universal và Paramount cộng lại. Tất cả công trình đều được xây dựng theo tỷ lệ 1:1 so với nguyên bản từ Tần Vương Cung đến Tử Cấm Thành.
Trong năm 2014, Hoành Điếm xuất hiện trong gần 30.000 tác phẩm, gồm cả quảng cáo. Hoành Điếm đang đứng trước cơ hội mới khi Trung Quốc trở thành thị trường phim ảnh lớn thứ hai thế giới với doanh thu phòng vé năm 2014 đạt 4,8 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2013.
Mỗi năm có hơn 12 triệu du khách đến tham quan phim trường Hoành Điếm, đứng thứ ba sau di tích Cố Cung ở Bắc Kinh và danh thắng Vũ Lăng Nguyên ở Hồ Nam.
Phim trường Hoành Điếm không thu phí sử dụng bối cảnh đối với các nhà làm phim. Doanh thu chủ yếu đến từ dịch vụ đi kèm như trang phục, đạo cụ, thiết kế sản xuất, ăn uống, lưu trú…
Hoành Điếm có đủ khung cảnh, từ cổ trang đến hiện đại. |