Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học có nghề cho đỡ khổ

Nhiều bạn trẻ chọn cho mình lối đi lập thân, lập nghiệp là học nghề. Không ít người có ý chí vượt khó khi cuộc sống chưa mỉm cười may mắn với mình.

Từng nghỉ học giữa chừng nhưng khát vọng có nghề để thoát khỏi cảnh cơ cực chưa bao giờ tắt trong lòng Võ Hồng Hào (22 tuổi, lớp Y sĩ dự phòng, CĐ Y tế Đồng Nai). Năm Hào lên 4 tuổi, ba Hào đã vĩnh viễn ra đi sau tai nạn giao thông. Hào cùng mẹ và em trai cũng bị thương trong tai nạn này.

Con sẽ không lùi bước

Sau đám tang của ba, gia đình Hào trở nên khánh kiệt. Để có tiền nuôi hai con, bà Vân - mẹ Hào - gửi con cho bà ngoại chăm sóc rồi đi làm thuê. Năm 2009, Hào đang học lớp 10, tai họa lại ập xuống gia đình, mẹ Hào bị xuất huyết não rồi liệt một tay và một chân.

Võ Hồng Hào phụ mẹ xếp dọn ve chai tại nhà.

Để có tiền lo cho mẹ và em trai, Hào bỏ học, trở thành trụ cột chính của gia đình với đủ nghề làm thuê: phụ hồ, bốc vác, xếp hàng hóa, gạch men... Ba năm sau, mẹ Hào bình phục và đi làm tạp vụ tại một trường mầm non gần nhà.

Mẹ khỏe lại, Hào đăng ký học bổ túc tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Long Thành. Ban ngày Hào đi làm, đêm lại đi học. Cứ thế suốt ba năm liền vừa học vừa làm, Hào có được tấm bằng tốt nghiệp THPT.

Năm 2015, Hào đăng ký học lớp trung cấp y sĩ dự phòng để theo đuổi mơ ước “tự tay chăm sóc cho mẹ cũng như những người khó khăn bị bệnh tật”.

Ngày đi học, Hào trấn an mẹ: “Con vừa đi làm vừa đi học, con sẽ không lùi bước đâu”. Để có tiền lo cho việc học, ban ngày đi học, ban đêm Hào xin vào làm ở một xưởng mộc. Ngày thứ bảy, công nhân được nghỉ nhưng Hào vẫn tranh thủ làm thêm để có chi phí trang trải học hành, mua thuốc cho mẹ.

Năm nào cũng vậy, những câu chuyện về gia cảnh những người nhận học bổng đều khiến người ta rơi nước mắt. Trần Thị Ngọc Diễm, quê Quảng Ngãi, học ngành quản lý siêu thị tại CĐ Công nghệ Thủ Đức, khi sinh ra đã không có cha.

Năm Diễm 15 tuổi, mẹ bị bệnh tim và qua đời. Diễm sống với dì một thời gian rồi được đưa vào một ngôi chùa ở tỉnh Bình Phước. Hơn một năm sau, Diễm lại về Quảng Ngãi tiếp tục học hết THPT. Năm 2011, Diễm thi đậu vào Trường ĐH Thủ Dầu Một nhưng học được hai năm đành nghỉ ngang rồi đăng ký học trung cấp quản lý siêu thị.

“Lúc đó khó khăn quá, không có tiền để học nên mình nghỉ. Vừa học quản lý siêu thị mình vừa đi làm thu ngân ở siêu thị Big C Dĩ An (Bình Dương). Học nghề thì thời gian ngắn hơn, đỡ tốn kém hơn. Học và làm đúng nghề mình cảm thấy tự tin vào sự lựa chọn của bản thân” - Diễm chia sẻ.

Tương tự Diễm, Trần Hoàng Hiếu (26 tuổi), học sinh Trường trung cấp nghề Quang Trung, khi sinh ra không biết mặt cha. Năm 17 tuổi, mẹ Hiếu cũng vĩnh viễn ra đi. Hiếu sống nhờ gia đình cậu út và dì.

Hiếu bảo: “Mình không có điều kiện thì đi học nghề thôi, thời gian ngắn nên đỡ tốn kém. Phải học để có cái nghề vững vàng thì mới bớt khổ”. Hằng ngày sau mỗi buổi học, trên các nẻo đường ở Sài Gòn, Hiếu cùng dì lấy bánh đi bán cho công nhân ở các doanh nghiệp, công ty, khu công nghiệp.

Mong con học tới nơi tới chốn

Ngồi lọt thỏm bên gánh tàu hủ trong con hẻm nhỏ sát bên Viện Tim TP HCM là một phụ nữ chừng 50 tuổi với khuôn mặt đượm buồn và đầy vẻ âu lo. Người phụ nữ ấy tên Lê Thị Duông, quê Quảng Ngãi. Những người ở con hẻm này đã quen thuộc với hình ảnh của bà và gánh tàu hủ nóng.

Nhờ gánh tàu hủ ấy mà bà có “đồng ra đồng vào” nuôi người con gái đang học ngành y sĩ hệ trung cấp tại ĐH Y dược TP HCM. Phạm Thị Trâm Lan (24 tuổi), con gái bà, cho biết Lan mồ côi cha từ nhỏ và sống với bà ngoại vì sau khi cha mất, mẹ vào Sài Gòn bán hàng rong mưu sinh. Khi học hết cấp 3, Lan cũng vào Sài Gòn phụ mẹ làm tàu hủ.

Hai mẹ con bà thuê phòng trọ trong một con hẻm nhỏ gần Bệnh viện Nhân Dân 115 để làm nơi tá túc.

“Hằng ngày cứ 3g sáng Lan dậy chở đậu nành đi xay bột rồi về hai mẹ con cùng nấu. Đến sáng hai mẹ con đẩy ra đây bán, hôm nào nó đi học thì tui đi một mình” - bà Duông kể.

Còn Lan nói: “Trước kia mẹ còn khỏe thì bán nhiều hơn, giờ mẹ bị thoái hóa khớp nên việc bán buôn cũng hạn chế. Cách đây mấy tháng mẹ mới mổ mắt, qua tết lại tiếp tục mổ cườm đá nữa. Dù vậy nhưng hằng ngày mẹ vẫn gắng gượng đi bán hàng”.

Ngồi bên gánh tàu hủ, bà Duông trầm ngâm: “Tôi bán tàu hủ nay đã hơn 10 năm rồi. Mỗi ngày tiền lời được khoảng 100.000 đồng. Lúc thiếu thốn hay đau bệnh không bán được thì mượn tiền người quen. Mượn thì được đó nhưng sợ nhất là trả không được thì sau này con mang nợ. Chỉ mong con học tới nơi tới chốn để có cái nghề cho đỡ khổ”.

Nguyễn Văn Linh, học sinh Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, làm phụ bếp tại một quán ăn ở quận Gò Vấp.

Con đường học tập của Nguyễn Văn Linh (24 tuổi), học sinh Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, cũng đứt quãng nhưng bạn luôn tìm mọi cách để được học lại. Linh mồ côi cha từ nhỏ, gia đình Linh thuộc diện hộ nghèo ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành (Trà Vinh). Mẹ Linh hằng ngày đi bán vé số nuôi ba anh em.

Chứng kiến gia cảnh khó khăn, học xong lớp 9 Linh nghỉ học rồi lên Sài Gòn xin làm phụ hồ. Làm hồ, cảm nhận cái cơ cực của người không có chuyên môn nên năm 2012 Linh đăng ký học trung cấp nghề điện dân dụng và công nghiệp. Vừa đi học, Linh xin làm phụ bếp tại một quán ăn ở Q.Gò Vấp.

Gặp Linh khi đang mồ hôi nhễ nhại bên bếp than, Linh chia sẻ: “Vừa làm vừa học, tự lo cho bản thân vì mình nghĩ phải có cái nghề thì tương lai mới đỡ khổ”.

Bảng thành tích nổi bật của nam sinh Học viện An ninh

Với những thành tích nổi bật trong học tập và công tác Đoàn, Trần Anh Dũng vừa vinh dự nhận giải thưởng Sao tháng giêng do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng.


http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20160120/hoc-co-nghe-cho-do-kho/1041085.html

Theo Quang Phương - A. Lộc/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm